MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triều Tiên mở 14 đặc khu kinh tế

17-11-2013 - 08:02 AM | Tài chính quốc tế

Người phụ trách Ủy ban Hợp doanh Đầu tư Triều Tiên bày tỏ: “Ai cũng có thể đến Triều Tiên đầu tư, bất kể họ có quốc tịch nước nào”.

Tờ Tin tức Lao động, cơ quan phát ngôn của Đảng Lao động Triều Tiên cho biết, chính phủ nước này xác định xây dựng đặc khu kinh tế là một trong những đường lối chiến lược lâu dài nên Chủ tịch Kim Jong-un đã chỉ thị mỗi tỉnh đều phải xây dựng một đặc khu kinh tế trở lên.

Hồi giữa tháng 10, tờ Tin tức Triều Nhật dẫn nội dung Bản kiến nghị đầu tư hướng đến các doanh nghiệp do Ủy ban phát triển kinh tế quốc gia Triều Tiên soạn thảo cho biết, chính phủ nước này đặt ra mục tiêu cho mỗi đặc khu kinh tế mới là thu hút đầu tư nước ngoài từ 70 triệu USD đến 240 triệu USD.

Diện tích trung bình mỗi đặc khu kinh tế mới khoảng 4km2, nhỏ hơn nhiều so với khu công nghiệp chung Kaesong với diện tích 66km2 liên doanh với Hàn Quốc. Trong Bản kiến nghị giới thiệu tường tận những vấn đề doanh nghiệp quan tâm như kế hoạch phát triển tổng thể, tổng mức đầu tư và môi trường xung quanh của 13 đặc khu kinh tế, bao gồm 4 đặc khu kinh tế phát triển thương mại, du lịch và ngành nghề khác, 3 khu công nghiệp, 2 khu nông nghiệp, 2 khu du lịch và 2 đặc khu chế biến xuất khẩu. Ngoài ra, Triều Tiên đã xây dựng một đặc khu công nghệ cao ở biên giới Triều Hàn.

Khu công nghiệp huyện Hancha, tỉnh Chagang, tỉnh giáp với biên giới Trung Quốc, là một trong đặc khu kinh tế mới của đợt này, phương hướng phát triển sẽ là khai thác chế biến tài nguyên khoáng sản, chế tạo máy móc, nuôi tằm và cá nước ngọt. Điều đáng nói là, khu vực này có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trữ lượng than trên 100 triệu tấn. Trong Bản kiến nghị tiết lộ, có thể sẽ xây dựng đường sắt tại khu vực này.

Đặc khu ở huyện Onsong, tỉnh Hamgyong Bắc là khu phát triển du lịch, tới đây sẽ xây dựng hạ tầng cơ sở đồng bộ gồm sân golf, bể bơi, trường đua ngựa, khách sạn …, để người nước ngoài có cơ hội “tận hưởng thời gian nghỉ ngơi thư giãn và dịch vụ du lịch chuyên nghiệp”.

Công nhân Triều Tiên được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao về trách nhiệm với công việc.

Tờ The Globe and Mail của Canada dẫn tin Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) cho biết, hiện nay Triều Tiên có 4 đặc khu kinh tế gồm: Khu kinh tế mậu dịch Rason nằm ở phía Bắc; Khu kinh tế các đảo Hwanggumpyong và Wihwa trên sông Amnokkang ; Khu công nghiệp Kaesong và Khu công nghệ cao Unjong.

Tháng 10/2011, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã quy hoạch Khu công nghệ cao Unjong với diện tích 3km2 ở khu ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng. Khu công nghệ cao này do Cục thương mại kỹ thuật khoa học thuộc Viện Khoa học quốc gia Triều Tiên kinh doanh và quản lý, trong đó hội tụ các doanh nghiệp kinh doanh trên các lĩnh vực như công nghệ thông tin, chế tạo thiết bị công nghiệp, công nghệ Nano và vật liệu mới…

Một doanh nhân Đài Loan thạo tình hình Triều Tiên cho biết, trước đây Triều Tiên xây dựng các khu công nghiệp tại vùng biên giới để tiện cho việc quản lý, nhưng Khu công nghệ cao Unjong chỉ cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 30km, có thể thấy chính sách của nước này đã thay đổi vì mục đích phát triển kinh tế.

Có lẽ điều này cũng phù hợp với suy nghĩ của nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên hiện nay. Ông Kim Jong-un từng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh ngoại thương và thu hút đầu tư nước ngoài. Tờ Đông Á Nhật báo dẫn lời ông Kim Jong-un nói: “Là một đất nước, sách lược phát triển kinh tế mấy chục năm nay của Triều Tiên không được lý tưởng, chúng ta cần có phương thức quản lý kinh tế mới, để thích ứng với tình hình mới, nâng cao điều kiện sinh hoạt của nhân dân.” 

Ông Kim Jong-un cho rằng: “Nếu chính sách kinh tế mới nhận được sự ủng hộ của người dân, có nghĩa là đúng đắn, chúng ta cần không ngừng phát triển”.

Tháng 5/2013, Triều Tiên đã ban hành Luật để xúc tiến thành lập đặc khu kinh tế, cho phép doanh nghiệp đặt tại đặc khu kinh tế tự do mang ngoại tệ ra vào, chính phủ sẽ đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp; Đặc khu áp dụng chính sách ưu đãi về thuế, mức thuế là 14% lợi nhuận doanh nghiệp; nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận quyền khai thác và sử dụng đất trên 50 năm.

Theo trang NKnews của Mỹ, trung tuần tháng 10, Triều Tiên tổ chức Hội nghị quốc tế tại khách sạn quốc tế Yanggakdo Bình Nhưỡng, nhằm mục đích quảng bá việc xây dựng đặc khu kinh tế. Tham dự hội nghị có 60 học giả đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia, Mỹ, Canada và chuyên gia kinh tế Triều Tiên.

Tờ Tin tức Triều Nhật cho biết, tuy vị trí cụ thể của các đặc khu đã được xác định, nhưng hiện vẫn chưa khởi công xây dựng, chính phủ Triều Tiên vẫn đang kêu gọi đầu tư.

Không ít người có thái độ lạc quan đối với tương lai của các đặc khu kinh tế mới. Ông James Young, doanh nhân Hàn Quốc từng có thời gian làm việc tại doanh nghiệp Triều Tiên cho rằng: “Những nơi mới mở cửa sẽ thu hút được nhà đầu tư. Chính phủ Triều Tiên đã nỗ lực giảm thiểu tối đa rủi ro cho nhà đầu tư, để các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tham gia”. Ông James còn tiết lộ: “Doanh nghiệp một số nước như Singapore đã bày tỏ muốn đến nước này tìm cơ hội đầu tư.”

Ông Lee Yanggo, Phó Chủ tịch Hiệp hội phát triển kinh tế Triều Tiên khi trả lời Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết: “Đặc khu kinh tế Triều Tiên có thể học hỏi kinh nghiệm hay của Trung Quốc và Việt Nam trong việc phát triển đặc khu tinh tế. ” Ông Lee còn nhấn mạnh: “Cùng với việc đảm bảo mọi hoạt động của doanh nghiệp trong đặc khu được tự do tiến hành, Triều Tiên cũng cần củng cố chế độ kinh tế xã hội chủ nghĩa”.

Theo Lam Giang

huongnt

Infonet

Trở lên trên