Trung Quốc-Cải cách hướng nào? (K2): Đâu là mục tiêu
Chúng ta từ lâu đã nghe đến “giấc mơ Trung Hoa” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Để thực hiện giấc mơ đó, Bắc Kinh đã đặt ra một số mục tiêu ngắn hạn trong bản báo cáo về tình hình năm 2014 và kế hoạch dự thảo năm 2015 đưa ra trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.
- 12-03-2015Trung Quốc-Cải cách hướng nào? (K1): Lưỡng đầu thọ địch
- 10-03-2015"Quả bom hẹn giờ" trong nền kinh tế Trung Quốc
- 05-03-2015Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 7% cho năm 2015
4 toàn diện
Học thuyết giấc mơ Trung Hoa được ông Tập chính thức đưa ra tại kỳ họp Quốc hội tháng 3-2013, sau đó được đề cập rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Ông Tập mô tả: "Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc".
Ông cũng tuyên bố rằng những người trẻ tuổi nên "dám ước mơ, làm việc cần mẫn để thực hiện những ước mơ và đóng góp vào sự phục hồi của quốc gia". Theo Cầu Thị, tạp chí lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), giấc mơ Trung Hoa là sự thịnh vượng của Trung Quốc với nỗ lực tập thể, chủ nghĩa xã hội và vinh quang quốc gia. Có nhiều cách lý giải về “sự phục hưng vĩ đại” của Trung Quốc, trong đó phổ biến nhất là cách hiểu cho rằng ông Tập muốn đưa đất nước về vị thế trước đây, khi Trung Quốc dẫn đầu thế giới cả về kinh tế lẫn chính trị.
Tờ Economist có một bài phân tích, trong đó vẽ ông Tập Cận Bình trong trang phục của hoàng đế Trung Hoa, nói rằng Trung Quốc muốn lấy lại vai trò là “thiên triều” như thời phong kiến. Cách giải thích này phần nào được ủng hộ, khi gần đây Bắc Kinh ngày càng có những hành động khiêu khích hơn trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là việc phát hành bản đồ có đường 9 đoạn, thể hiện tham vọng bành trướng phi pháp đến vùng lãnh hải của những nước khác.
Gần đây, không lâu trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội, báo chí Trung Quốc đã đưa tin rầm rộ về thuyết “4 toàn diện” của ông Tập. Lần đầu tiên ông Tập đề cập đến thuyết này là trong một chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Giang Tô hồi tháng 12-2014, khi nói rằng bước đi đầu tiên trong chiến lược này là “đạt được giấc mơ Trung Hoa về đại phục hưng của người dân Trung Quốc”.
Một bài xã luận đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo phân tích thuyết chính trị này nảy sinh từ “những khát vọng của quần chúng nhân dân” và là một nền tảng quan trọng để giải quyết các vấn đề đất nước Trung Quốc đang phải đối mặt. Nhận định về thuyết “4 toàn diện”, chuyên gia phân tích chính trị Trương Minh thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho rằng đây là một phương châm chính trị cụ thể hơn so với “giấc mơ Trung Hoa”.
Ông Trương Minh nhấn mạnh: “Công chúng có thể hiểu biết nhiều hơn về khái niệm “4 toàn diện” so với “giấc mơ Trung Hoa”, khái niệm mà nhiều người coi là một tư tưởng rất mơ hồ”. Khái niệm 4 toàn diện bao gồm các nội dung: xây dựng một cách toàn diện một xã hội tương đối thịnh vượng; cải cách sâu sắc toàn diện; quản lý toàn diện đất nước theo pháp luật; và lãnh đạo Đảng nghiêm khắc toàn diện.
8 mục tiêu
Trong báo cáo kế hoạch dự thảo năm 2015 trình Quốc hội, Bắc Kinh đã đề ra những mục tiêu cụ thể về kinh tế: (1) Bảo đảm kinh tế tăng trưởng ổn định; (2) Ổn định giá cả; (3) Cải thiện chất lượng nền kinh tế; (4) Nâng cao mức sống; (5) Cân bằng chi tiêu; (6) Cải thiện sức mạnh và hiệu quả các chính sách tài chính tiên phong; (7) Chính sách tiền tệ hài hòa, không lơi lỏng cũng không quá chặt; (8) Chính sách đồng bộ, nhất quán.
Về mục tiêu tăng trưởng, Bắc Kinh đã đưa ra con số 7% cho tăng trưởng GDP trong năm 2015. Đây là mục tiêu tăng trưởng thấp nhất của Trung Quốc trong gần 25 năm. Điều này phản ánh thực tế tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại trong những năm qua. Bắc Kinh nói đây là con số phù hợp với kỳ vọng của thị trường và là kết quả của việc thay đổi cấu trúc nền kinh tế.
Về giá cả, Bắc Kinh đặt mục tiêu CPI tăng 3% trong năm nay. Trong tháng 1, lạm phát ở Trung Quốc chỉ đạt 0,8%, mức tăng thấp nhất 5 năm. Báo cáo cho rằng nhu cầu hàng hóa của thị trường quốc tế năm nay dự kiến vẫn ở mức thấp, nên nhìn chung giá cả khó tăng cao. Đối với chất lượng nền kinh tế, Bắc Kinh cho biết sẽ triển khai những hệ thống và cơ chế khuyến khích sáng tạo; nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành công nghiệp chiến lược và gia tăng đóng góp của ngành dịch vụ vào tổng tăng trưởng GDP; sẽ thực hiện đô thị hóa theo cách mới và sự phát triển các vùng sẽ được nghiên cứu đồng bộ; nhu cầu hóa chất ôxy hóa sẽ giảm 2%, chất thải nitơ amôniăc còn 2%, sulfur dioxide 3% và nitơ oxide 5%.
Về mức sống, Bắc Kinh đặt mục tiêu tạo ra 10 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp ở 4,5%; nâng cao thu nhập bình quân theo đà phát triển kinh tế, giảm ít nhất 10 triệu người nghèo ở nông thôn; cải thiện hệ thống an ninh, y tế và hưu trí; tỷ lệ tăng dân số ở dưới mức 6,5%...
Trung Quốc đặt muc tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức 6% trong năm nay, trong khi thâm hụt ngân sách sẽ tăng 270 tỷ NDT, lên 1.620 tỷ NDT, tương đương 2,3% GDP, từ mức 2,1% năm ngoái. Liên quan vấn đề ngân sách, Trung Quốc cho biết sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 887 tỷ NDT, tăng 10,1% so với năm ngoái.
Gần 2 thập niên qua, Bắc Kinh luôn tăng ngân sách quốc phòng ở mức 2 con số, thể hiện tham vọng trở thành cường quốc quân sự. Trong thâm hụt ngân sách mục tiêu, chính quyền trung ương chiếm 1.120 tỷ NDT, các địa phương chiếm 500 tỷ NDT. Vấn đề nợ công địa phương dự báo sẽ vẫn tiếp diễn, với việc Bắc Kinh sẽ cho phép các chính quyền địa phương phát hành các loại trái phiếu đặc biệt.
Giấc mơ Trung Hoa sẽ đưa Trung Quốc đến đâu?
Về chính sách tiền tệ, báo cáo đặt mục tiêu cung tiền M2 trong năm nay sẽ tăng 12%, nhưng có thể điều chỉnh tăng tùy tình hình thực tiễn. Lãi suất sẽ được hướng về mức thấp để đạt một mức hợp lý và hiệu quả. Chính quyền trung ương cam kết sẽ đưa ra những chính sách hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nông nghiệp, nông thôn, nông dân và các khu vực phía Tây; hỗ trợ sáp nhập và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.
Báo cáo cho biết sẽ đầu tư 800 tỷ NDT (127,6 tỷ USD) vào việc xây dựng đường sắt trong năm nay, khai trương hơn 8.000km đường sắt. Bắc Kinh cũng dự tính sẽ đầu tư ngân sách tương đương vào các dự án thủy lợi, có thể gây tác động nghiêm trọng đến dòng chảy của các con sông trong khu vực. Báo cáo đặt mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng tăng trưởng 13% trong năm nay, trong nỗ lực chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ dựa vào đầu tư sang tiêu dùng; đồng thời dự báo khoảng 7,49 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp đại học trong năm nay, với vấn đề đặt ra là họ có thể tìm được công việc tương xứng hay không.
Theo Văn Cường