Trung Quốc đang “hy sinh” thị trường kỳ hạn lớn nhất thế giới?
Thị trường kỳ hạn trên chỉ số chứng khoán là nạn nhân mới nhất của các biện pháp can thiệp quyết liệt từ Bắc Kinh, Bloomberg nhận xét.
Khối lượng giao dịch hợp đồng kỳ hạn của rổ chỉ số CSI 300 (theo dõi cổ phiếu của 300 công ty lớn nhất niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến) và CSI 500 giảm xuống mức thấp nhất lịch sử trong phiên 8/9.
So với đỉnh cao hồi tháng Sáu, khối lượng giao dịch trong rổ CSI 300 đã bốc hơi tới 99%, từ 3,2 triệu hợp đồng xuống còn hơn 34.000 hợp đồng.
Đối với chỉ số CSI 500, khối lượng giao dịch giảm từ 144.000 hợp đồng trong tháng Tám xuống hơn 13.000 hợp đồng trong tháng Chín.
Thị trường kỳ hạn trên chỉ số chứng khoán (stock-index futures market) của Trung Quốc từng được Hiệp hội các sở giao dịch quốc tế xếp hạng sôi động nhất thế giới. Giờ thì tính thanh khoản cạn kiệt dần sau khi giới chức nâng tỷ lệ ký quỹ, thắt chặt hạn mức vị thế và điều tra các tay đầu cơ giá xuống.
Chưa sẵn sàng
Một mặt, thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm khi hoạt động bán khống bị bóp nghẹt và các lệnh tự động từ máy tính bị rà soát.
Nhưng cơn bĩ cực trên thị trường kỳ hạn có thể gây nên nhiều thiệt hại hơn, vì nó đóng vai trò trung tâm trong chiến lược đầu tư của các quỹ đầu tư nội địa và định chế quản trị tiền tệ khác.
Trung Quốc từng là mảnh đất của thị trường kỳ hạn lớn nhất thế giới, cho đến khi chính phủ thắt chặt kiểm soát. Nguồn: Bloomberg
Nếu chiến trường trọng điểm trên tiếp tục sa lầy, Bắc Kinh khó lòng thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp vào thị trường chứng khoán nội địa - mảnh đất vẫn đang bị chi phối bởi nhà đầu tư nhỏ lẻ tới 80%.
"Thêm các bằng chứng cho thấy chính quyền Trung Quốc chưa sẵn sàng theo đuổi thị trường giao dịch tự do. Phải mất nhiều năm nữa nước này mới xây dựng được thị trường tài chính đầy đủ chức năng", chuyên gia tại công ty Blackfriars Asset Management nhận xét.
Trấn áp
Giới chức Trung Quốc đang tìm cách ghìm cương đà bán tháo - thứ xói mòn uy tín của chính phủ trong vai trò điều hành nền kinh tế.
Thị trường kỳ hạn lọt vào tầm ngắm vì nó cung cấp công cụ cho nhà đầu tư đặt cược lớn vào giá cổ phiếu đi xuống một cách dễ dàng nhất.
Ngoài ra, đây cũng là lựa chọn được các nhà đầu cơ ngắn hạn ưa chuộng, vì họ có thể bán và mua cùng một hợp đồng chỉ trong một phiên. Hoạt động này bị Trung Quốc cấm trên thị trường chứng khoán giao dịch bằng tiền mặt.
Đầu tuần, Sàn giao dịch hợp đồng tài chính tương lai hạ chuẩn mực định nghĩa “giao dịch bất thường”, khi nhà đầu tư đặt vị thế đối với hơn 10 hợp đồng của một chỉ số. Trong tháng Tám, nhà đầu tư có thể đặt tới hơn 600 hợp đồng.
Thị trường kỳ hạn lọt vào tầm ngắm vì nó cung cấp công cụ cho nhà đầu tư đặt cược lớn vào giá cổ phiếu đi xuống một cách dễ dàng nhất.
Ngoài ra, từ ngày 7/9, yêu cầu ký quỹ cho các giao dịch kỳ hạn không nhằm mục đích phòng vệ sẽ tăng từ 30% lên 40% giá trị hợp đồng. Đối với các giao dịch kỳ hạn để phòng vệ, lượng ký quỹ yêu cầu cũng tăng từ 10% lên 20%.
Công cụ phổ biến
Tuy nhiên, thị trường kỳ hạn được xem như một nền tảng phổ biến đối với các nhà đầu tư dài hạn và chuyên nghiệp.
Với các quỹ phòng vệ, nó cung cấp công cụ để điều chỉnh mức độ nhạy cảm đối với biến động thị trường.
Các định chế lớn dùng thị trường kỳ hạn để điều chỉnh phân bổ tài sản một cách kinh tế nhất. Ví dụ, chi phí bán hợp đồng kỳ hạn theo chỉ số sẽ rẻ hơn so với bán ra khối lượng lớn cổ phiếu. Chưa kể lệnh bán này có thể tạo sức ép giảm lên giá cả.
Tính thanh khoản sụt giảm liên tục có thể thúc đẩy một số nhà đầu tư tổ chức tháo chạy khỏi thị trường kỳ hạn, rút vị thế hợp đồng kỳ hạn và chứng khoán", chuyên gia tại công ty SWS Futures của Trung Quốc cảnh báo.
Bizlive