MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc: Đô thị hóa là nợ?

29-07-2014 - 09:43 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc đang nỗ lực đẩy mạnh quá trình đô thị hóa với những khu đô thị mới mọc lên như nấm. Tuy nhiên, đằng sau đó là những khoản nợ khổng lồ.

Cư dân của thành phố mới Chaobei có lẽ là những người hiểu rõ tình cảnh bị đẩy ra khỏi chính mảnh đất và ngôi nhà của mình, buộc phải di dời sang những khu chung cư cao tầng mới được xây dựng mà không có thang máy. Chaobei buộc phải đô thị hóa. Thành phố mới Chaobei trước đây là nơi tập trung của sáu ngôi làng nhỏ bé, hoang vắng với các khu nhà lụp xụp rải rác. 

Tên gọi "thành phố mới Chaobei" mang rất nhiều dụng ý của những người đứng đầu chiến dịch cải tổ này: các quan chức hi vọng sau khi phá hủy hoàn toàn các ngôi làng cũ và thay thế bằng 56 tòa nhà chung cư mới, diện mạo của một khu đô thị mới sẽ được hình thành. Người dân sẽ vẫn được phân loại vào hàng ngũ nông dân nhằm đảm bảo các phúc lợi xã hội, nhưng các thống kê về dân số sẽ xếp họ vào dân số thành thị. Đối với các quan chức địa phương- những người hết sức tự hào vì tỷ lệ đô thị hóa, họ chỉ quan tâm đến các con số mà thôi. 

Hạt Xianghe- nơi "thành phố mới" trực thuộc - thuộc tỉnh Hồ Bắc nằm khoảng 45km (30 dặm) về phía bắc Bắc Kinh. Như hầu hết các địa phương khác ở Trung Quốc, Xianghe cũng có mục tiêu vươn tới tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 60% đến trước năm 2017, một nỗ lực không nhỏ từ mức 50% hiện nay. Thậm chí họ còn hi vọng có thể vượt qua mức trung bình 60% của cả nước vào năm 2020. 

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chính phủ càng thêm đẩy mạnh chính sách này nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, đi kèm với đó là họ phải vay mượn khá nhiều để đạt được mục tiêu trên. Do vậy, kết quả đạt được không chỉ là quá trình đô thị hóa mà còn kéo theo các khoản nợ khổng lồ khiến nhiều nhà đầu tư e ngại.


Tịch thu đất đai là một việc khá dễ dàng để kiếm tiền mặt hay các tài sản thế chấp khi đi vay. Kể từ cuối những năm 1990, kỹ thuật này đã trở thành một biện pháp được sử dụng rộng rãi bởi các chính quyền địa phương. Một số lấy lý do thu hồi đất để xây dựng các khu dân cư mang "phong cách đô thị mới" (như Chaobei). Các kế hoạch như vậy đã làm hàng triệu người nông dân trên khắp Trung Quốc bị mất đất đai và nhà cửa. Trong một trường hợp thí điểm năm 2010, truyền thông Trung Quốc dẫn lời của một lãnh đạo địa phương nói rằng ông ta đang có kế hoạch san bằng các ngôi làng với tổng số dân hơn 1 triệu người trong vòng 3 đến 5 năm tới. Theo một thống kê của chính phủ, kể từ năm 2009 đến nay, thành phố biển Sơn Đông đã di dời hơn 12,5 triệu dân đến 5200 "khu dân cư đô thị mới". Đây được coi là một trong những khu vực trọng điểm của đô thị hóa.

Có thật sự là đô thị mới?

Các quan chức trung ương đã lên tiếng cảnh báo và nhắc nhở các chính quyền địa phương rằng sự di dời và cải tổ này cần được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Nhiều tờ báo ở Bắc Kinh đã đưa tin về nhiều ví dụ kinh hoàng khi phải "sống trên các tòa nhà cao tầng" của người dân. Thậm chí làn sóng đô thị hóa còn được so sánh với cuộc cách mạng ở Anh vào cuối thế kỷ 18 và 19, khi địa chủ tìm cách tước đoạt ruộng đất khỏi tay người nông dân. Tháng 9 năm ngoái, tờ Xinmin của Thượng Hải đăng tin về những vết nứt trong các khu nhà thuộc khu vực "thành phố mới Chaobei", nền nhà bị sụt lún, trần nhà bị bong tróc và hệ thống thoát nước bị rò rỉ.

Sự tức giận của người dân lập tức bùng nổ thành những đợt sóng phản đối gay gắt. Các phương tiện truyền thông nhà nước cho biết việc thu hồi đất của chính quyền địa phương là nguyên nhân của 60% các vụ kiện cáo và tranh chấp ở Trung Quốc mỗi năm. Đôi khi những người chống đối tổ chức các cuộc biểu tình qui mô lớn, nhưng chúng nhanh chóng bị đàn áp mạnh tay bởi lực lượng của chính quyền. Mỗi vụ việc bị vỡ lở và đưa ra ánh sáng bởi các mạng xã hội thường làm bẽ mặt các quan chức chính trị ở cấp trung ương. Tuy vậy, nguyên nhân đằng sau các vụ cưỡng chế đất đai luôn được độc giả quan tâm nhiều hơn: một hệ thống tài chính cũ kỹ và hoạt động sai lệch hay hệ thống chính quyền địa phương thối rữa và trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng.

"Thành phố mới Chaobei" xuất hiện tất cả vấn đề trên. Chính quyền địa phương đã bán 10 hecta đất thu được từ người dân cho một nhà đầu tư địa phương - tập đoàn địa ốc Xiu Lan. Công ty này dự định xây dựng Rivedroite Town - một trung tâm thương mại kiêm nhà ở xa hoa mang phong cách Pháp nằm cách khu chung cư mới của các hộ nông dân một con đường lớn. 

Vẫn chưa rõ Xiu Lan đầu tư bao nhiêu tiền và số tiền ấy từ đâu mà ra, nhưng website của công ty này cho thấy nó có quan hệ rất thân thiết với các quỹ tín thác lớn của nhà nước. Các định chế này nhà nước được biết đến là đối tác có uy tín chuyên cung cấp tài chính cho các dự án bất động sản. Quy trính cho vay ở đây ít bị kiểm soát hơn so với các ngân hàng chính thống. Đây cũng là mối quan hệ điển hình cho cái mà Stephen Green của ngân hàng Standard Chartered gọi là "hoạt động ngân hàng trong bóng tối". 

Giới phân tích đã nhiều lần cảnh báo về mối nguy mà "ngân hàng trong bóng tối" sẽ gây ra cho hệ thống tài chính. Chính quyền trung ương chứ không phải chính quyền địa phương mới là bên phải lo lắng nhất vì họ sẽ không bao giờ cho phép tình trạng vỡ nợ xảy ra. 

Rủi ro chắc chắn sẽ ngày càng tăng cao. Standard & Poor’s cho biết nhiều dự án có tầm nhìn khả thi lúc đầu có thể bị tạm dừng do tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại. Nó thậm chí đưa ra viễn cảnh khi các sản phẩm quản lý tài sản WMPs thất bại, các nhà đầu tư sẽ ngừng mua các sản phẩm mới, và các tổ chức tín dụng ngoài ngân hàng sẽ gặp rắc rối. Đầu tư suy yếu và các tài sản liên tiếp mất giá. Số lượng các khoản vay không hiệu quả tăng lên, gây áp lực lên ngân hàng. Tín dụng giảm điểm khiến cho tốc độ tăng trưởng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong trường hợp một cuộc khủng hoảng như vậy xảy ra , chính quyền trung ương có thể sẽ đưa các khoản nợ xấu ra khỏi hệ thống ngân hàng và gây sức ép để tiếp tục cho vay. Việc này sẽ làm rối loạn thêm các khoản chi tiêu của chính phủ. Các biện pháp không thể giải quyết tận gốc vấn đề nhưng có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ở thời điểm nguy cấp.


Thảo Phương

huongnt

Economist

Trở lên trên