Trung Quốc mong chờ gì từ Hội nghị trung ương 5?
Hội nghị Trung ương 5 khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bế mạc. Điều đáng chú ý nhất trong hội nghị này là việc Bắc Kinh sẽ đưa ra kế hoạch 5 năm lần thứ 13, cho giai đoạn 2016-2020.
- 28-10-2015Thương hiệu khách sạn Sheraton có thể về tay Trung Quốc
- 27-10-20155 vấn đề sống còn đối với Trung Quốc trong 5 năm tới
- 27-10-2015Dòng ngoại tệ len lỏi trong các ngõ hẻm ở Trung Quốc
- 26-10-2015Trung Quốc loay hoay "mở khóa" 21.000 tỷ USD
- 25-10-2015Trung Quốc bắt “sâu” tài chính
- 24-10-20155 cột trụ đang điều hành kinh tế Trung Quốc
Bối cảnh khó khăn
Kế hoạch 5 năm đầu tiên của Trung Quốc được đưa ra vào năm 1953, học theo cách làm của Liên Xô trước đây. Khi đó, Bắc Kinh nhắm đến mục tiêu nhanh chóng công nghiệp hóa từ một đất nước chủ yếu dựa trên nông nghiệp.
Kể từ đó, Trung Quốc đều đặn đưa ra các kế hoạch 5 năm có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của kinh tế - xã hội. Kế hoạch 5 năm lần thứ 10 đặt trọng tâm vào mục tiêu tăng trưởng GDP 7%/năm và tăng số việc làm ở khu vực thành thị, cũng như bắt đầu hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng.
Mục tiêu của kế hoạch 5 năm lần thứ 11 đẩy tăng trưởng GDP lên 7,5%/năm và gia tăng đóng góp của ngành dịch vụ, trong khi vẫn tiếp tục đẩy mạnh đô thị hóa. Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 hạ mục tiêu tăng trưởng còn quanh 7%/năm và đẩy mạnh đô thị hóa. Những mục tiêu khác bao gồm mở rộng mạng lưới đường cao tốc, xây dựng 36 triệu nhà ở giá thấp và phát triển công nghiệp thương mại điện tử.
Theo nguyên tắc, muốn tăng trưởng gấp đôi trong vòng 10 năm, mỗi năm phải tăng ít nhất 7%. Như vậy, nếu giảm mục tiêu thấp hơn 7% trong 5 năm tới, mục tiêu lớn của ông Tập có thể sẽ không đạt được.
Kế hoạch 5 năm lần này được cho là kế hoạch chuẩn bị để ăn mừng sinh nhật lần thứ 100 của ĐCSTQ vào năm 2021. Nó cũng được chú ý vì sẽ tiết lộ cách thức nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một trong những siêu cường quân sự ứng phó với những tình huống khó khăn hiện nay, như kinh tế tăng trưởng chậm lại; bong bóng tài chính, nợ công và bất động sản chực chờ; cuộc chiến chống tham nhũng đang tới hồi gay cấn; bất ổn trong tranh chấp biển Đông...
Đặc biệt, việc thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ 13 diễn ra trong bối cảnh khó khăn của cỗ máy kinh tế lớn thứ hai thế giới: tỷ lệ tăng trưởng bị chựng lại, rơi xuống dưới mức mục tiêu 7%; chỉ số sản xuất công nghiệp liên tục sụt giảm: từ 6,1% vào tháng 8 xuống còn 5,7% vào tháng 9; xuất khẩu tăng chậm hơn dự báo; địa ốc khựng lại, gây khó khăn cho nhiều ngành nghề có liên quan như công nghiệp sản xuất thép.
Trên phương diện tài chính, cho dù lo ngại vỡ bong bóng chứng khoán tạm thời lắng xuống, nhưng cách làm của Bắc Kinh bị chỉ trích chỉ mang tính mệnh lệnh hành chính hơn là theo vận động của thị trường. Trong khi đó, núi nợ của các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước đang ở mức báo động. Theo Viện McKinsey Global (MGI), tổng nợ công của Trung Quốc vào quý II-2014 đã tương đương 282% GDP.
Mục tiêu 5 năm
Cho đến nay, chi tiết của kế hoạch 5 năm lần thứ 13 vẫn chưa được tiết lộ. Theo thông lệ, phải vài ngày sau khi hội nghị kết thúc, Trung Quốc mới công bố. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn có thể đoán trước một số nội dung chính của kế hoạch.
Vài ngày trước khi khai mạc hội nghị, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố tăng trưởng kinh tế 7% không nhất thiết là mục tiêu sống còn. Điều này có thể được hiểu theo 2 ý: hoặc Trung Quốc quyết định không chạy đua thành tích, chuyển hướng sang chú trọng phát triển cân bằng; nhưng cũng có thể đây là cách biện minh trong bối cảnh kinh tế quá khó khăn.
Trong những kế hoạch 5 năm trước, mục tiêu tăng trưởng GDP luôn là phần quan trọng. Thông thường, mục tiêu đặt ra thấp hơn kỳ vọng thực tế để bảo đảm không bị hụt. Vì vậy, trong kế hoạch lần này, nhiều dự báo cho rằng mục tiêu có thể chỉ ở mức 6,5%, thấp hơn nhiều so với các kế hoạch 5 năm trước đây. Khi vừa lên nắm quyền lãnh đạo vào năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra mục tiêu tăng trưởng gấp đôi trong vòng 10 năm, tức đến năm 2020 GDP sẽ gấp đôi năm 2010.
Ngoài mục tiêu chung về tăng trưởng GDP, kế hoạch 5 năm lần này được dự báo nhắm tới nhiều mục tiêu khác như cải cách hệ thống tài chính và doanh nghiệp nhà nước, hệ thống thu chi ngân sách, đặc biệt là vấn đề ngân sách địa phương - vốn là nỗi ám ảnh nợ công. Một điểm rất được chú ý và gây tranh cãi thời gian qua là chế độ hộ khẩu.
Nhiều người kỳ vọng hội nghị lần này sẽ đưa ra những cải cách quan trọng giúp người di cư dễ dàng hơn, từ đó thúc đẩy đô thị hóa một cách quân bình và ổn định hơn. Về tính cân bằng của động lực kinh tế, có thể hội nghị lần này sẽ tiếp tục đặt mục tiêu lấy tiêu thụ nội địa làm đầu tàu chính thay thế dần đầu tàu đầu tư và xuất khẩu.
Ngành sản xuất được kỳ vọng nhắm đến mục tiêu xóa dần hoạt động chế biến hàng tiêu dùng chất lượng rẻ để bước lên trình độ sản xuất những mặt hàng điện tử có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến hơn. Những mục tiêu mới cũng được kỳ vọng sẽ nhắm đến cải thiện môi trường. Hiện Trung Quốc có những thành phố vào loại ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới, đất đai và nguồn nước bị ô nhiễm nặng do việc phát triển kinh tế quá nóng trong thời gian dài.
Dấu ấn Tập Cận Bình
Nhiều nhà phân tích tin rằng kế hoạch 5 năm lần này sẽ vạch mục tiêu cho đợt thứ 3 và cũng là cuối cùng của chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ đập ruồi” do ông Tập khởi xướng. Theo đó sẽ hạ bệ nhiều “con hổ” lớn hơn nữa, thập chí cả “rồng”.
Hội nghị lần này cũng tiến hành bầu lại ban lãnh đạo mới và xây dựng chiến lược củng cố lại hình ảnh, sức mạnh của ĐCSTQ sau một thời gian bị ảnh hưởng vì tệ tham nhũng, quan liêu. Trên bình diện quốc tế, kế hoạch 5 năm lần này sẽ vạch ra lộ trình thực hiện các sáng kiến được ông Tập đưa ra trước đó, như Con đường tơ lụa hoặc dự án Ngân hàng Đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á (AIIB).
Bắc Kinh cũng có thể đặt mục tiêu cụ thể để nâng cao vị thế NDT lên ngang tầm với các loại tiền tệ như USD, EUR, bảng Anh hay yen Nhật. Vào tháng tới, có khả năng Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ chấp thuận cho NDT được vào rổ ngoại tệ Quyền rút vốn đặc biệt như 4 đồng tiền trên.
Nhiều người tin rằng kế hoạch 5 năm lần này sẽ là cơ hội cho ông Tập để lại dấu ấn lãnh đạo của mình. Tuy nhiên, việc ông có thể tạo dấu ấn thành công hay không vẫn còn phụ thuộc 2 điều. Thứ nhất, việc Trung Quốc giải quyết khối nợ khoảng 25.000-28.000 tỷ USD, được coi như quả bom chực chờ phát nổ. Thứ hai, thời đại của ông Tập cũng sắp kết thúc.
Vào hội nghị khóa 19 năm 2017, gương mặt thay thế ông Tập sẽ được chọn. Khi đó, phải xem người kế thừa ông có muốn tiếp tục phát huy các di sản của ông hay không. Nhìn chung những kế hoạch 5 năm thời gian gần đây được đánh giá là thực tiễn và linh động hơn so với những kế hoạch 5 năm đầu tiên.
Sài Gòn Đầu tư Tài chính