MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc: Quá ít và quá muộn để thúc đẩy tăng trưởng?

30-10-2015 - 12:19 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc vừa tuyên bố bãi bỏ chính sách 1 con đã áp dụng trong hơn 30 năm quan nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nước này khó có thể đảo ngược xu hướng đang đe dọa sẽ “bóp nghẹt” nền kinh tế.

“Quá muộn và quá ít”, Andy Xie – cựu chuyên gia kinh tế châu Á tại ngân hàng Morgan Stanley – nhận định khi nói về động thái cho phép các cặp vợ chồng có hai con thay vì một con duy nhất như trước kia. Chuyên gia này cho rằng vì dân số của Trung Quốc sẽ bắt đầu suy giảm trong 10 năm tới, không có lý do gì để duy trì việc kế hoạch hóa gia đình.

Vì Trung Quốc không còn ưu thế lực lượng lao động dồi dào và giá rẻ, những cỗ máy tăng trưởng cũ như sản xuất và xây dựng đang trở nên rệu rã. Trong khi dân số già có thể giúp tăng tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ đối với nền kinh tế, thử thách dành cho Trung Quốc là phải duy trì được sự năng động của nền kinh tế, tránh rơi “vết xe đổ” của Nhật Bản.

Steve Tsang, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu chính sách Trung Quốc trực thuộc ĐH Nottingham, cũng nhận định dù đây là một bước đi đúng hướng rất quan trọng, dỡ bỏ chính sách 1 con sẽ không có nhiều tác dụng như mong muốn. Hầu hết các hộ gia đình ở thành thị không muốn có 2 con vì chi phí nuôi con quá lớn.

Thông báo dỡ bỏ chính sách 1 con đã gây nên một cuộc tranh luận sôi nổi trên Weibo – mạng xã hội lớn nhất ở Trung Quốc. Một số than phiền rằng họ không có đủ tiền để nuôi đứa con thứ hai, trong khi một số ủng hộ chính sách mới vì những đứa trẻ con một quá cô đơn.

Tài khoản có tên “AVIC-Yang” tính toán rằng sẽ mất khoảng 1,35 triệu nhân dân tệ (tương đương 212.000 USD) để nuôi một đứa trẻ cho tới khi kết hôn. Với mức lương 5.000 nhân dân tệ/tháng, sẽ mất tới 45 năm để kiếm đủ tiền nuôi hai đứa trẻ.

Các chuyên gia Tom Orlik và Fielding Chen của Bloomberg Intelligence đưa ra 3 lý do giải thích tại sao dỡ bỏ chính sách 1 con sẽ tác động rất ít đến tỷ lệ sinh và nền kinh tế Trung Quốc: độ trễ để những đứa trẻ lớn lên và tham gia vào lực lượng lao động, những áp lực xã hội khiến người trẻ phải làm việc chăm chỉ hơn và kết hôn muộn hơn và hơn nữa chính sách 1 con hiện tại đã có quá nhiều trường hợp ngoại lệ. Năm 2013, Trung Quốc bắt đầu nới lỏng chính sách 1 con bằng cách cho phép những cặp vợ chồng có bố/mẹ là con một có thêm 1 đứa con. Tuy nhiên nước này vẫn không đạt được mục tiêu tăng thêm 2 triệu trẻ em mỗi năm.

Hơn 3 thập kỷ tuyên truyền cho chính sách 1 con và chi phí nuôi con tăng cao đã gây nên tình trạng chênh lệch dân số ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền năm 1949, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã khuyến khích các hộ gia đình có nhiều con nhất có thể vì đất nước rất cần người lao động cho các nhà máy cũng như cánh đồng cũng như cần quân đội. Dân số đã tăng thêm 260 triệu người trong 2 thập kỷ sau đó. Chính sách bắt đầu thay đổi khi xuất hiện những lo lắng cho rằng tình trạng dân số bùng nổ sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên.

Được thử nghiệm ở Rudong, chính sách 1 con được nhân rộng ra toàn quốc vào cuối những năm 1970, với rất nhiều ngoại lệ. Kể từ đó đến nay, chính sách này khiến dân số Trung Quốc già đi nhanh chóng.

Già hóa dân số cũng không phải là vấn đề của riêng Trung Quốc mà của nhiều nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nước châu Âu. Thậm chí cả những nước mới nổi như Thái Lan và Brazil cũng đang bắt đầu gặp phải vấn đề này.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên