Trung Quốc toan tính gì khi hạ lãi suất?
Theo ước tính, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể giúp bơm khoảng 678 tỷ nhân dân tệ (tương đương 105,7 tỷ USD) vào hệ thống tài chính Trung Quốc, trong khi cắt giảm lãi suất sẽ giúp hạ chi phí đi vay mà các doanh nghiệp phải trả.
- 25-08-2015Trung Quốc hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc
- 25-08-2015Chứng khoán Trung Quốc giảm tiếp 7,6%
- 25-08-2015Vì sao Trung Quốc có thể khiến thị trường toàn cầu chao đảo?
NHTW Trung Quốc vừa cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cho phép các ngân hàng cạnh tranh tự do hơn. Cùng ngày 25/8, Trung Quốc cũng triển khai một số bước đi khác nhằm hỗ trợ nền kinh tế sau khi những lo ngại về tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khiến chứng khoán toàn cầu chao đảo.
Dưới đây là 5 điều bạn cần biết về động thái này.
Trung Quốc đã làm gì?
NHTW Trung Quốc đã thực hiện cùng lúc hai biện pháp để bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính: giảm 0,25% đối với lãi suất cho vay và tiền gửi, đồng thời giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại từ 18,5% xuống còn 18%.
Theo ước tính, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể giúp bơm khoảng 678 tỷ nhân dân tệ (tương đương 105,7 tỷ USD) vào hệ thống tài chính Trung Quốc, trong khi cắt giảm lãi suất sẽ giúp hạ chi phí đi vay mà các doanh nghiệp phải trả.
Trung Quốc đang lo lắng về điều gì?
Trong thông báo phát đi tối nay, PBOC nhận định Trung Quốc đang phải đối mặt với một nhiệm vụ hết sức khó khăn: duy trì tăng trưởng kinh tế trong khi phải đẩy mạnh cải cách.
Các ngôn từ được PBOC sử dụng giống như một “cái gật đầu” chấp nhận một loạt số liệu kinh tế yếu ớt gần đây, khẳng định kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc nhanh hơn. Triển vọng ảm đạm khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng Bắc Kinh chưa hành động đủ để giữ cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, từ đó khiến TTCK toàn cầu lao dốc trong cả tuần trước và những phiên đầu tuần này.
Hạ lãi suất là chưa đủ?
Giảm điểm 4 ngày liên tiếp đã khiến chứng khoán Trung Quốc giảm 22%, kèm theo đó là 1.000 tỷ USD bị rút khỏi thị trường. Các hộ gia đình ở Trung Quốc không đầu tư quá nhiều vào chứng khoán giống như ở Mỹ, bởi vậy vẫn chưa rõ liệu tiêu dùng có bị ảnh hưởng hay không. Tuy nhiên, chứng khoán đỏ lửa vẫn là một tin tồi tệ. Đồng thời, dòng vốn bị rút ra ồ ạt trong những tháng qua đã khiến thanh khoản của hệ thống ngân hàng cạn kiệt.
Thị trường có còn tin vào Trung Quốc?
Niềm tin vào chính sách điều hành kinh tế của Bắc Kinh đã bị lung lay chút ít vào đầu tháng vừa qua, khi NHTW Trung Quốc quyết định phá giá đồng nhân dân tệ 1,9% hôm 11/8. Bên cạnh đó chứng khoán Trung Quốc vẫn tiếp tục lao dốc bất chấp Chính phủ đã tung ra những biện pháp mạnh chưa từng thấy. Do đó các nhà đầu tư và nhiều chuyên gia kinh tế đã kỳ vọng PBOC hạ lãi suất hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sớm hơn.
Điều này có ý nghĩa gì đối với quá trình cải cách kinh tế của Trung Quốc?
Trong số các chính sách công bố hôm nay, Trung Quốc cũng dỡ bỏ kiểm soát đối với các khoản tiền gửi ngân hàng cố định có kỳ hạn hơn 1 năm. Điều này giúp tăng khả năng cạnh tranh của ngành ngân hàng vốn đang bị thống trị bởi các ngân hàng quốc doanh hoạt động rất trì trệ.
Động thái này cũng đánh dấu một bước tiến mới trong nỗ lực nới lỏng kiểm soát của nhà nước đối với hệ thống tài chính. Bổ sung thêm thay đổi này vào gói kích thích ngày hôm nay cho thấy các nhà cải cách của Trung Quốc phần nào chiếm ưu thế trước các tư tưởng bảo thủ, mặc dù hôm nay Trung Quốc vẫn sử dụng một phương thức cũ để thúc đẩy tăng trưởng.