Trung Quốc trỗi dậy
Sự thức tỉnh của người khổng lồ châu Á là một trong những sự phát triển đáng kinh ngạc nhất của kỷ nguyên hiện đại.
Một trong những vật phẩm quý giá mà người Anh mang tới Trung Hoa lục địa vào năm 1793 là tấm bản đồ thế giới trên chuyến tàu ngoại giao lịch sử nhằm mở cửa Trung Quốc cho các thương nhân Anh vào buôn bán. Vua Càn Long lúc bấy giờ đã rất tức giận bởi vương triều của mình hiện diện quá nhỏ bé trên tấm bản đồ và còn không nằm ở trung tâm của thế giới.
Vào thời điểm đó, người Anh đã thể hiện sự thống trị của mình khi mà trong suốt thế kỷ 18, Greenwich được coi là kinh tuyến gốc trên bản đồ thế giới. Vào cuối thế chiến thứ 2, những nhà văn Mỹ như Nicolas Spykman hay Neil Macneil cho rằng bản đồ thế giới cần phải được định hình lại và Mỹ, dĩ nhiên, phải ở trung tâm của cả thế giới.
Ngày nay, câu hỏi đặt ra là: Liệu Trung Quốc có thể giành lại vị trí vàng trên bản đồ thế giới hay không? Sự thức tỉnh của người khổng lồ châu Á, vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, là một trong những sự phát triển đáng kinh ngạc nhất của kỷ nguyên hiện đại.
Hai mươi năm sau cuộc Cách mạng Đại nhảy vọt diễn ra vào thời của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình khởi xướng “cuộc cách mạng thứ hai” nhằm nhận ra tiềm năng của một trong những đất nước nghèo đói và kém phát triển nhất thế giới.
Đặng Tiểu Bình luôn tỏ ra rất thận trọng trong từng bước đi, với phương châm “chỉ qua sông khi nhìn thấy đá”, ông đã làm được điều mà Gorbachev đã thất bại khi cố gắng áp dụng ở Liên Xô (cũ), đó là việc cho phép tự do kinh doanh trong khi vẫn giữ nền chính trị Cộng sản. Và kết quả là tỉ lệ tăng trưởng hàng năm gần 10% trong suốt 3 thập kỉ, tỉ lệ xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc tăng từ 1,8% vào năm 1980 lên đến 9% vào năm 2010, soán ngôi vị số 1 của Đức. Dự báo con số này sẽ lên tới 12% vào năm 2014, khiến cho đất nước đông dân nhất này trở thành công xưởng của thế giới.
Quỹ tiền tệ quốc tế ước tính GDP của Trung Quốc năm nay sẽ đạt 5,36 nghìn tỷ USD Mỹ, vượt xa so với Nhật Bản. Tất nhiên là chưa thể so sánh được với GDP vào khoảng 14,79 nghìn tỷ USD của Mỹ. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ vượt Mỹ vào năm 2030. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã đạt đến kỉ lục vào năm 2008: 268 tỷ USD. Đến giữa năm 2009, Trung Quốc nắm giữ gần 27% trong số 3,5 nghìn tỷ USD nợ nước ngoài của Mỹ. Bởi vậy mà hai quốc gia trái ngược về văn hóa chính trị này đang có xu hướng xích lại gần nhau hơn, bởi một mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ về kinh tế.
Gần đây xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy các cường quốc có xu hướng chuyển sức mạnh kinh tế thành sức mạnh quân sự nhằm tạo sự thị uy. Đây là lý thuyết được xây dựng bởi Thucydides nhằm giải thích cho cuộc chiến Peloponnesian: Thương mại và chuyển hướng tích lũy các nguồn lực chính là nền tảng của đế quốc Athens. Tương tự như vậy, người Anh đã sử dụng tài chính, kinh tế, thương mại, hải quân và công nghiệp để có một đế chế lớn gấp 7 lần đế chế La Mã vào thời kỷ đỉnh cao. Dựa vào thương mại, văn hóa và công nghệ, Trung Quốc đang thống trị cả châu Á và tự xưng là “nền văn minh duy nhất dưới thiên đàng”.
Vào thế kỉ XVIII, các đặc phái viên người Anh đến Trung Quốc được giới thiệu như những vật cống nạp. Càn Long tuyên bố với Vua Geogre III rằng ông xây dựng một đất nước tự cung tự cấp và tẩy chay toàn bộ những hàng hóa được dán nhãn Anh quốc. Thế nhưng, trong những thế kỉ tiếp theo, những nguyên tắc này của Trung Quốc dần dần bị thay đổi bởi người nước ngoài.
Quá trình đó bắt đầu khi Trung Quốc cần một thứ được gọi là thuốc phiện, thứ được sản xuất rất nhiều tại Anh và Ấn Độ, rồi nhập lậu tràn lan vào Trung Quốc. Đến thập niên 30 của thế kỉ XIX, tức là 40 năm sau tuyên bố của Càn Long, Trung Quốc đã có hơn 2 triệu người nghiện thuốc phiện, được coi là khởi thủy của cuộc chiến tranh nha phiến.
Và kết quả của cuộc chiến tranh nha phiến đầu tiên (1839 - 1842) đã phản ánh chân thật sự vô vọng của quân đội Trung Quốc, vốn vẫn dựa vào cung tên, đã bị hạ gục ngay từ loạt đại bác đầu tiên của quân đội Anh. Người Anh sau đó chiếm Hồng Kông và chia sẻ nó cùng với Tây Âu và Mỹ, tạo nên "các hiệp ước bất bình đẳng", với ưu tiên thương mại qua 5 cảng, ma túy có thể được bán rong ở bất cứ nơi nào trên mảnh đất Trung Hoa.
Trung Quốc đã hoàn toàn mất ổn định, trở thành miếng bánh tranh chấp cho Anh, Nhật Bản và Pháp. Tồi tệ hơn, Trung Quốc đã không thể ngăn cản sự xâm lăng ngoại quốc trong chiến tranh nha phiến lần 2 vào cuối năm 1856. Cuộc chiến lên đến đỉnh điểm bằng việc Cung điện mùa hè bị đốt phá năm 1860. Phải đến năm 1911, ba năm sau cái chết của Từ Hy Thái Hậu, mới diễn ra cuộc cách mạng Tân Hợi lật đổ nhà Thanh cùng chế độ phong kiến lâu đời.
Nhưng ngay cả khi trở thành một nước cộng hòa, Trung Quốc vẫn thường xuyên xảy ra xung đột nội bộ và nguy cơ xâm lược từ bên ngoài. Chiến tranh Trung - Nhật lần 2 diễn ra vào năm 1937, quân đội Nhật đã thực hiện một chiến dịch dài hơi nhằm khủng bố người dân Trung Quốc bằng cách giết hại, hãm hiếp, cướp bóc và phá hủy tất cả mọi thứ trên đường đi. Cuối năm 1937, Nam Kinh trở thành đỉnh cao của các cuộc tàn sát từ binh sĩ Nhật, với hơn 20.000 phụ nữ bị hãm hiếp và 100.000 người dân thiệt mạng.
Cùng với Nhật Bản, Mỹ cũng trở thành nỗi quốc hận của người Trung Quốc. Mỹ đã tham gia vào công cuộc tàn phá mà còn giúp Tưởng Giới Thạch chạy trốn sang Đài Loan sau khi Mao Trạch Đông lên nắm quyền. Eisenhower từ chối công nhận nước CHDCND Trung Hoa đồng thời kích động Đài Loan cuộc tấn công phản pháo lại đại lục.
Kể từ đó đến nay, người Trung Quốc dốc sức để tái lập hình ảnh con rồng châu Á nhằm hạ gục Mỹ. Bằng cách tận dụng những nguồn lực mới và tăng cường khả năng quân sự, Trung Quốc đang lấy lại dần vị thế của mình. Vương Chí Sĩ, hiệu trưởng trường nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh đã nói “ngọn đuốc của lịch sử đang dịch chuyển từ Tây sang Đông”.
Lịch sử không lặp lại chính nó, nó không tồn tại công thức hay nhịp điệu để ta có thể dễ dàng đưa ra dự đoán. Khi tương lai chưa thể đoán định thì hiện tại thường mang đến cho ta những điều lạc quan. Đó là một kỷ nguyên mới mở ra từ sự hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ.
Phải thừa nhận rằng các cường quốc kinh tế cần nhiều thời gian để nâng cao sức mạnh quân sự. Với sự thống trị áp đảo về thương mại và tài chính, Mỹ được xem là quốc gia quyền lực nhất về quân sự. Trong khi đó Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình với hậu phương vững chắc là sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và khoa học. Những con số gần đây cho thấy chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đang tăng lên, nhưng không thấm vào đâu so với Mỹ.
Nói cách khác, không có mối tương quan ràng buộc giữa tăng trưởng kinh tế và sức mạnh quân sự. Stalin, lãnh đạo Liên Xô cũ đã cho sản xuất súng với giá thành của bơ sữa trong những năm 30 của thế kỉ trước, để lại hậu quả là nạn đói thảm khốc. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc luôn chú trọng vào phát triển đất nước thịnh vượng để làm nền tảng cho sự ổn định. Không gì tệ hại hơn khi đưa đất nước quay lại thời kì đẫm máu của Thái Bình thiên quốc, lãnh chúa phong kiến hay những năm tháng đẫm máu dưới cuộc “Đại cách mạng văn hóa”. Đặng Tiểu Bình đã nhấn mạnh: “Ổn định sẽ thay thế tất cả”.
Lý tưởng về sự hòa hợp là tinh túy của Khổng giáo. Bạo lực là phương sách cuối cùng và sẽ không bao giờ có hiệu quả. Trong quá khứ, không ít lần Trung Quốc đã thực thi các chiến lược xâm lấn và đồng hóa cùng với hàng lọat các vụ thảm sát. Nhưng trong kỉ nguyên hạt nhân hiện nay, Trung Quốc ưa chuộng sử dụng chính sách “quyền lực mềm” và “nụ cười ngoại giao” khi tiếp xúc với nước ngoài. Không có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc muốn phá vỡ sự thịnh vượng của mình bằng cách gây hấn quân sự với Hoa Kỳ, điều mà Liên Xô cũ đã cố gắng làm và thất bại sụp đổ.
Khi máy bay Mỹ ném bom phá hủy đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade năm 1999, nó đã gây ra làn sóng phản ứng dữ dội tại đất nước hơn 1 tỷ dân này. Vụ đánh bom này được miêu tả với những từ ngữ như “man rợ”, thậm chí còn được so sánh với hành động của Đức quốc xã. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã làm tất cả mọi việc nhằm tránh khỏi một cuộc xung đột vũ trang.
Có lẽ chủ nghĩa dân tộc đã thành công và trở thành một trong những tín ngưỡng của người Trung Quốc, những nhà lãnh đạo của đất nước này đầy tham vọng trong việc biến Trung Quốc trở thành biểu tượng của thế giới mới. Gần đây, họ giảm các tranh chấp biên giới với 14 quốc gia láng giềng, tham gia vào các diễn đàn kinh tế như Tổ chức thương mại thế giới, nới lỏng quan hệ với Nhật Bản. Họ dập tắt những lời chỉ trích của Hoa Kỳ, ngay cả khi phát hiện có các thiết bị tình báo trong chiếc Boeing 767 của Giang Trạch Dân.
Kể từ chiến thắng của Mao Trạch Đông vào năm 1949, nhân dân Trung Quốc tin tưởng rằng Mỹ và các thế lực thù địch bên ngòai đã không còn khả năng xâm phạm lãnh thổ của họ. Bên cạnh đó, toàn cầu hóa đã làm tăng chi phí chiến tranh và vô hình trung làm giảm nguy cơ xung đột giữa các quốc gia. Nhiều vấn đề của Trung Quốc cũng bị thổi phồng quá mức như ô nhiễm môi trường, chênh lệch giàu nghèo quá lớn khi có hơn 100 triệu người dân sống dưới mức 1USD/ngày, 1/4 dân số sống thiếu nước sạch. Vì vậy, ưu tiên số 1 của Trung Quốc là giải quyết những vấn đề này. Mục tiêu của Trung Quốc là xây dựng một xã hội phồn vinh, phát triển bền vững, hòa bình, tiến bộ và tăng cường hợp tác quốc tế.
Không nghi ngờ gì về việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn tăng cường quan hệ lâu dài với Hoa Kỳ. Nhưng cũng tồn tại không ít nghi ngờ rằng Trung Quốc vẫn nuôi dưỡng sự thù hằn với phương Tây, và lo sợ rằng đây chỉ là sự tích lũy về mặt thời gian trước khi có một cuộc trả đũa.
Tuy nhiên, Trung Quốc không thể tự biến mình thành nô lệ của quá khứ, quá khứ chỉ là tấm gương để soi tới tương lai. Nhìn về phía trước bao giờ cũng tốt đẹp hơn quay lại nỗi óan thù từ quá khứ.
Theo Mai Lê
Báo Doanh nhân Việt Nam toàn cầu/National Interest