MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc và kế hoạch "siêu đô thị" Bắc Kinh

21-07-2015 - 17:17 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc đã bắt đầu triển khai kế hoạch xây dựng "siêu đô thị" với khoảng 130 triệu dân. Thế nhưng tham vọng này đang gặp các rào cản lớn trong vấn đề kết nối giao thông và chính sách quản lý.

Mỗi sáng đúng 5g30 ông Lưu Đức Thịnh, 62 tuổi, lại cùng hàng chục người già khác lọ mọ thức dậy và kiên nhẫn xếp hàng chờ xe tại các trạm xe buýt đón khách từ một thành phố nhỏ ở tỉnh Hà Bắc vào thủ đô Bắc Kinh.

Cũng như bao người khác, ông Lưu xếp hàng nhưng chẳng bao giờ... lên xe. Ông đứng đó để giữ chỗ cho con trai. Khoảng 6g30, hàng loạt viên chức trẻ như con ông Lưu sẽ ùa đến, thế chân vào chỗ bố mẹ để kịp lên chuyến xe sớm nhất, mất khoảng ba giờ để vào thành phố.

Câu chuyện xếp hàng giành chỗ chờ xe này chỉ là một phần trong bức tranh lớn hơn của các hệ lụy từ kế hoạch xây dựng siêu thành phố đang được chính quyền trung ương Trung Quốc triển khai ở tỉnh Hà Bắc và các khu vực ngoại vi thủ đô Bắc Kinh.

Kết nối các vùng chưa từng hợp tác

Theo báo New York Times, trong nhiều thập niên qua Trung Quốc luôn giới hạn quy mô thủ đô Bắc Kinh bằng các chính sách nhập cư ngặt nghèo. Nhưng nay chính quyền đã bắt tay vào kế hoạch tham vọng đưa Bắc Kinh trở thành trung tâm của một siêu thành phố với 130 triệu dân.

Siêu thành phố có tên Kinh Tân Ký (Jing Jin Ji, trong đó Jing là Kinh trong Bắc Kinh, Jin là Tân trong Thiên Tân và Ji là Ký, tên theo truyền thống của tỉnh Hà Bắc) theo kế hoạch sẽ có diện tích lớn gấp sáu lần New York của Mỹ. Kế hoạch được triển khai với mong muốn thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía bắc Trung Quốc, trở thành “phòng thí nghiệm” cho các giải pháp phát triển đô thị hiện đại.

Vùng đô thị mới liên kết ba khu vực sẽ kết nối các cơ sở nghiên cứu và trung tâm văn hóa của Bắc Kinh với năng lực kinh tế của thành phố cảng Thiên Tân và các khu vực ngoại vi xa trung tâm thủ đô của tỉnh Hà Bắc.

Chính quyền thành phố Bắc Kinh vừa công bố kế hoạch triển khai dự án, trong đó cam kết sẽ di chuyển phần lớn cơ quan hành chính, nhà máy, bệnh viện tới các khu vực ngoại vi xa trung tâm nhằm giảm bớt áp lực dân số, giảm tải mật độ giao thông và tăng cơ hội việc làm thu nhập cao cho các khu vực kém phát triển.

Tâm điểm của kế hoạch là việc mở rộng tuyến đường sắt cao tốc quy mô lớn có thể kết nối các thành phố lớn với nhau chỉ trong khoảng một giờ di chuyển.

Thiếu dịch vụ công cơ bản

Tuy nhiên, nhiều tuyến đường bộ và đường sắt mới, nằm trong kế hoạch xây dựng siêu thành phố Kinh Tân Ký, sẽ phải mất nhiều năm nữa mới hoàn thành. Do đó với nhiều người, giờ đây thời gian đến công sở bị kéo dài hơn vì nhiều xa lộ dẫn vô thủ đô thường xuyên tắc nghẽn.

Trong khi đó, phía tỉnh Hà Bắc áp dụng chính sách giá nhà rẻ nên người dân đang lũ lượt đổ về nơi này. Chỉ trong một thập niên, dân số ở thị trấn Yên Giao (tỉnh Hà Bắc) tăng gấp 10 lần lên khoảng 700.000 người.

Họ là người làm việc trong thủ đô nhưng không đủ tiền sống trong đó, đành chen chúc nhau trong các tòa chung cư cao ngất. Vấn đề của khu đô thị mới mọc này là dịch vụ công khan hiếm.

Cư dân Trịnh Lâm Vân, nhân viên kinh doanh ở Bắc Kinh, ngày nào cũng mất năm giờ trên phương tiện vận tải công cộng than thở: con anh vừa vào lớp 1 năm nay và sĩ số lớp đã là 65 em.

Thị trấn Yên Giao không có các trạm chờ xe buýt, không có rạp chiếu phim và chỉ có hai công viên rất nhỏ. Chưa kể vào mùa mưa các đường phố ngập lụt vì hệ thống tiêu thoát nước không tốt.

Chính quyền các khu vực quanh Bắc Kinh như Yên Giao đều gặp vấn đề tương tự: không có nguồn thu để đầu tư vào trường học, đường sá cũng như các dịch vụ giao thông. Cơ sở hạ tầng phát triển rất ì ạch.

Cho tới tận gần đây, tuyến đường cao tốc vẫn không thể kết nối các thành phố trọng yếu xung quanh Bắc Kinh. Báo cáo quy hoạch gần đây cho biết có khoảng 18 tuyến xa lộ “bị chặt đầu”, cách họ gọi những tuyến đường huyết mạch chính vẫn chưa được kết nối với các khu vực khác.

Theo Kim Thoa

Tuổi trẻ

Trở lên trên