Tư nhân hóa - Kho báu 9.000 tỷ USD
Các chính phủ nên tạo nên một làn sóng tư nhân hóa mới, và lần này tập trung vào bất động sản.
Hãy tưởng tượng bạn đang ngập trong nợ nần nhưng lại sở hữu một lượng lớn chứng khoán và nhiều tài sản chưa được dùng đến và gặp nhiều vấn đề trong việc cắt giảm chi tiêu. Bạn sẽ không nghĩ đến việc “dỡ” bớt khối tài sản cồng kềnh? Chính xác thì đây là tình cảnh mà chính phủ các nước phương Tây đang gặp phải.
Vào các thời điểm khác nhau và với những lý do khác nhau, các chính trị gia thường hối thúc chính phủ tư nhân hóa. Thời kỳ những năm 1980 ở nước Anh, Margaret Thatcher đã sử dụng tư nhân hóa để hạn chế quyền lực của các nghiệp đoàn. Sau đó, các nước Đông Âu cũng thực hiện tư nhân hóa khi chấm dứt nền kinh tế mệnh lệnh. Ngày nay, khi các nền kinh tế phát triển đang ở trong thời kỳ yên bình, mục tiêu chính khi tư nhân hóa là để huy động vốn.
Người nộp thuế có thể cho rằng tài sản lớn nhất của gia đình đã được bán đi nhưng vẫn còn rất nhiều thứ quý giá còn lại. Các doanh nghiệp nhà nước ở các nước thuộc nhóm OECD hiện đang có giá trị vào khoảng 2.000 tỷ USD. Thêm vào đó là cổ đông nhỏ tại nhiều công ty cùng với khoảng 2.000 tỷ USD trong các công ty công ích và những tài sản khác được nắm giữ bởi chính quyền địa phương.
Kho báu khổng lồ
Tuy nhiên, kho báu thực sự nằm ở những tài sản phi tài chính (như nhà cửa, đất đai, tài nguyên khoáng sản) – bộ phận mà IMF tin rằng có trị giá tương đương với 3/4 GDP trung bình của các nước giàu có. Tổng cộng, khối tài sản này của OECD có giá trị 35.000 tỷ USD.
Một số tài sản này có thể được bán đi, trong khi số khác thì không. Bảo tàng Louvre, đền Parthenon hay vườn quốc gia Yellowstone có giá bao nhiêu? Các quy tắc kế toán phức tạp của chính phủ khiến người ta khó có thể biết được chính xác giá trị của những kho báu này.
Chính phủ liên bang Mỹ sở hữu khoảng 1 triệu tòa nhà (trong số đó 45.000 tòa nhà được cho là không cần thiết hoặc không được sử dụng đến – theo kết quả kiểm toán năm 2011) và gần 1/5 diện tích đất đai của nước Mỹ, cùng với lượng lớn dự trữ dầu mỏ, khí đốt và các khoáng sản khác. Tài sản lớn nhất chưa được sử dụng của chính phủ Hy Lạp nằm trong hơn 80.000 tòa nhà không phải là di sản văn hóa và rất nhiều đất đai. Các chuyên gia của PwC cũng cho rằng chính phủ Thụy Điển có tài sản trị giá 100 – 120 tỷ USD. Nếu đây là đặc điểm chung của khối OECD, chính phủ các nước này đang ngồi trên đống tài sản có giá trị lên tới 9.000 tỷ USD – tương đương với gần 1/5 tổng nợ của họ.
Các chính phủ tỏ ra khá dè dặt trong việc khai thác những cơ hội này. Một phần nguyên nhân là do tư nhân hóa luôn luôn vấp phải làn sóng phản đối. Kế hoạch bán những đồng cỏ ở phía Tây của Cựu Tổng thống Ronald Reagan bị dập tắt bởi liên minh những nhóm vì môi trường và những người chăn nuôi gia súc. Năm 2010, chính phủ Anh cũng gặp khó khăn khi các nhà hoạt động vì môi trường ngăn chặn nỗ lực bán đất thuộc Ủy ban lâm nghiệp Anh.
Trong những năm gần đây, các vụ giao dịch lớn - ngoại trừ việc tái tư nhân hóa các ngân hàng được giải cứu - hầu hết diễn ra ở các thị trường mới nổi. Tư nhân hóa mới chỉ bắt đầu rầm rộ ở châu Âu: năm ngoái, chính phủ Anh bán cổ phần của Royal Mail và thương vụ này trở thành một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, thận trọng vẫn là tâm lý bao trùm. Ví dụ, Italia - nước có nợ tương đương 132% GDP - rất dè dặt khi thực hiện các kế hoạch tư nhân hóa, mặc dù nước này có nhiều tài sản để bán hơn so với hầu hết các nước giàu có khác. Cổ phần tại các tập đoàn trị giá 225 tỷ USD và tài sản phi tài chính có giá trị lên tới 1,6 triệu USD.
Có một số cách để thúc đẩy tư nhân hóa. Các dữ liệu thu thập được về tài sản công rất nghèo nàn, kể cả ở các nước Scandinavia - nơi các chính phủ tự hào về sự cởi mở của họ. Các chính phủ cần có ý tưởng rõ ràng hơn về những gì họ đang nắm giữ. Có quá ít nước đưa ra những bảng cân đối kế toán rõ ràng và chính xác. Kiểm kê một cách tỉ mỉ và chính xác là một cách hiệu quả.
Các chính phủ cũng cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn các tài sản công. Không có mô hình đồng nhất nào cho việc quản lý tài sản công, nhưng bất kỳ chính sách thành công nào cũng cần phải có những chỉ số tài chính theo - kiểu - tư - nhân, thay thế những nhân vật thiếu năng lực bằng các nhà quản lý giàu kinh nghiệm và tách biệt khỏi chính trường. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả tốt mà thậm chí còn dẫn tới tư nhân hóa một cách tự nhiên. Đây là trường hợp của Thụy Điển cách đây 1 thập kỷ, khi các doanh nghiệp được quản lý một cách chuyên nghiệp sẽ tự động cắt bỏ đầu tư ngoài ngành.
Những người kế vị của Thatcher và Reagan?
Tư nhân hóa không phải là liều thuốc chữa được bách bệnh dành cho những chính phủ chi tiêu bừa bãi. Bán tài sản chỉ mang lại hiệu ứng tạm thời cho những chính phủ nghiện chi tiêu quá mức. Thua lỗ khi bán ra cũng là một nguy cơ. Bán ra trong thời điểm thị trường khủng hoảng là một ý tưởng tồi.
Các chính phủ cũng phải chắt lọc bài học kinh nghiệm từ những làn sóng tư nhân hóa trong lịch sử. Nếu không được kiểm soát tốt, tư nhân hóa chỉ làm lợi cho một bộ phận nhỏ và có thể dẫn đến lỗ hổng. Điều này đã xảy ra ở Anh (trong lĩnh vực đường sắt và dịch vụ công ích) và các thị trường mới nổi (trong ngành viễn thông hay ngân hàng). Vụ bán Royal Mail là một bài học về rủi ro chính trị: định giá tài sản quá cao có thể khiến thương vụ thất bại, trong khi định giá tài sản quá thấp khiến người nộp thuế có cảm giác họ đang bị lừa gạt.
Dẫu vậy, đối với các chính phủ thực sự nghiêm túc về việc cải thiện ngân sách, tư nhân hóa là một công cụ hữu hiệu. Công cụ này cho phép các chính phủ cắt giảm nợ và cải thiện mức độ xếp hạng tín nhiệm, nâng cao hiệu quả nền kinh tế bằng cách thúc đẩy tiêu dùng và có thể áp dụng các kỹ năng cũng như nguồn vốn của khu vực tư nhân vào phát triển kinh tế.
Thatcher và Reagan đã sử dụng tư nhân hóa để chuyển đổi các doanh nghiệp trong ngành viễn thông, vận tải và các công ty công ích. Những hậu duệ của thế kỷ 21 cần phải làm điều tương tự đối với nhà cửa, đất đai và tài nguyên khoáng sản. "Kho báu" khổng lồ đang chờ đợi người bật nắp.
Thu Hương
Economist
Theo Economist
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!
Từ Khóa:
doanh nghiệp,
thị trường,
quản lý,
tài chính,
công ty,
sở hữu,
chứng khoán,
mỹ,
khoáng sản,
nền kinh tế,
Chính phủ,
thụy điển,
hy lạp,
kinh tế,
giá trị,
sử dụng,
chi tiêu,
Ronald Reagan,
đất đai,
nợ nần,
Anh,
Margaret Thatcher,
tư nhân hóa,
tòa nhà,
Đông Âu,
hiệu quả,
trị giá,
italia,
kho báu,
Công ích,
kho báu 9.000 tỷ USD,
bán Royal Mail