Tương lai của ngành ngân hàng thế giới: Đã đến lúc thay đổi!
Những thay đổi lớn nhất phải đến từ các ngân hàng. Họ phải quen dần với vai trò là một bộ phận giúp thị trường tài chính hoạt động trơn tru thay vì là “cái rốn của vũ trụ” như hiện nay.
Kể từ khi khủng hoảng tài chính nổ ra, dư luận có nhận định chung rằng các ngân hàng nên vận hành như một ngành phục vụ lợi ích của công chúng thay vì như những sòng bạc. Chí ít thì điều này đang xảy ra nếu xét đến tình hình tài chính của các ngân hàng.
Năm 2006, 8 ngân hàng Mỹ được cơ quan quản lý gắn mác “đặc biệt quan trọng đối với hệ thống tài chính toàn cầu” đã tạo ra mức lợi nhuận chỉ có được ở các casino với tỷ lệ ROE lên tới 30%. Ở thời điểm hiện tại, con số đã giảm xuống chỉ còn 11%.
Những con số trên vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã công bố kế hoạch buộc các ngân hàng phải tăng vốn. Bằng một phép tính đơn giản, chính sách mới sẽ khiến tỷ lệ ROE của các ngân hàng giảm xuống chỉ còn 8% - thấp hơn mức lợi suất mà các công ty cấp nước ở Mỹ có được.
Không chỉ có vậy, giới chức Mỹ còn tiếp tục giáng những đòn nặng nề vào các ngân hàng với những khoản phạt khổng lồ. NHTW châu Âu cũng có kế hoạch tổng kiểm tra sổ sách của các ngân hàng đang hoạt động tại eurozone để tìm kiếm những khoản nợ được che giấu khéo léo. Động thái này cũng khiến các ngân hàng phải tăng vốn. Mới đây nhất, NHTW Anh (BoE) gây ngạc nhiên khi ban hành luật mới cho phép thu hồi tiền thưởng dành cho các nhân viên ngân hàng trong 7 năm nếu phát hiện điều gì sai trái. Hơn 5 năm sau khủng hoảng, các nhân viên ngân hàng vẫn bị “khủng bố” bởi các luật lệ hà khắc.
Kết quả là, ngành ngân hàng đã trở nên an toàn và mờ đục hơn so với suy nghĩ của nhiều người. 8 ngân hàng lớn của nước Mỹ đã từng có tổng số dư nợ và đầu tư lớn gấp 23 lần vốn cấp 1. Giờ đây tỷ lệ chỉ còn 14 lần. Các ngân hàng cũng không còn được phép đầu cơ trên thị trường tài chính. Rất nhiều thương vụ phải được giao dịch thông qua các sở giao dịch.
Các ngân hàng lớn buộc phải trở nên an toàn hơn là điều tốt. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ nhiều ngân hàng không thể thay đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp. Chỉ một số ít có thể thích nghi với hoàn cảnh, nhanh chóng cắt giảm nhân sự và bán bớt tài sản. Ví dụ, Morgan Stanley và UBS đã giảm bớt hoạt động kinh doanh để tập trung vào quản lý tài sản.
Tuy nhiên, rất nhiều ngân hàng vẫn đang bám vào lối mòn cũ kỹ với hi vọng nền kinh tế hồi phục và lãi suất tăng sẽ đem lợi nhuận trở lại. Vì hi vọng này sẽ sớm lụi tắt, các ngân hàng (đặc biệt là những ông lớn như Deutsche Bank và Citigroup) sẽ cần đến những biện pháp cải tổ mạnh mẽ hơn. Những bộ phận quá lớn phải được thu hẹp, điển hình như những mảng kinh doanh tạo ra mức lợi nhuận quá thấp như giao dịch trái phiếu, tiền tệ và hàng hóa. Các ngân hàng cũng phải cắt giảm lương thưởng dành cho nhân viên. Với số tiền lương thưởng lớn như hiện nay, cắt giảm sẽ giúp các ngân hàng tăng lợi nhuận đáng kể.
Các nhà quản lý có thể đẩy nhanh quá trình này bằng cách đưa cho các ngân hàng một bức tranh luật lệ rõ ràng hơn. Sự thất thường của các khoản phạt, chính sách thuế và chính sách tiền lương chỉ cản trở quá trình điều chỉnh. Tuy nhiên, những thay đổi lớn nhất phải đến từ các ngân hàng. Họ phải quen dần với vai trò là một bộ phận giúp thị trường tài chính hoạt động trơn tru thay vì là “cái rốn của vũ trụ” như hiện nay.
Thu Hương