Tỷ phú năng lượng mặt trời “soán ngôi” giàu nhất Trung Quốc
Tỷ phú Li Hejun, nhà sáng lập công ty tấm pin năng lượng mặt trời dạng phim mỏng Hanergy, trở thành người giàu nhất Trung Quốc...
- 10-03-2015Nghị sĩ giàu nhất nước Mỹ chỉ đứng thứ 166 trong Quốc hội Trung Quốc
- 28-08-2014Jack Ma trở thành người giàu nhất Trung Quốc
- 29-12-2013Tới thăm ngôi làng giàu nhất Trung Quốc
Tỷ phú Li Hejun, nhà sáng lập công ty tấm pin năng lượng mặt trời dạng phim mỏng Hanergy, đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Trước đó, vị trí này thuộc về “vua” thương mại điện tử Jack Ma, nhà sáng lập tập đoàn Alibaba.
Hãng tin CNBC dẫn lời ông Rupert Hoogewerf, nhà sáng lập tạp chí chuyên xếp hạng người giàu ở Trung Quốc Hồ Nhuận, cho hay, tài sản của Li Hejun hiện được ước tính ở mức 26 tỷ USD. Mức tài sản này cao hơn khối tài sản ước tính 24,5 tỷ USD của Jack Ma.
Theo Hoogewerf, Li Hejun, Jack Ma, và tỷ phú bất động sản Wang Jianlin của tập đoàn Wanda Group hiện đang là “3 ông lớn” dẫn đầu danh sách giàu của Trung Quốc.
“Vị trí có thể sẽ lại thay đổi, nhưng đây thực sự là ba nhân vật đầu bảng”, Hoogewerf nói.
Theo chuyên gia này, trên số liệu chính thức, Trung Quốc hiện có 478 tỷ phú, nhưng con số này có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” và con số tỷ phú thực tế có thể lên tới gần 1.200.
“Cứ mỗi tỷ phú mà chúng tôi phát hiện được, chúng tôi bỏ lỡ ít nhất 1 tỷ phú khác, thậm chí là 2”, Hoogewerf phát biểu.
Điều này đặc biệt đúng khi ngày càng có nhiều người giàu Trung Quốc tìm cách che giấu tài sản của mình để tránh sự chú ý của cơ quan công quyền. Cuộc chiến chống tham nhũng của Chính phủ Trung Quốc đã khiến hàng nghìn người giàu ở nước này “sa lưới”, trong đó có nhiều người bị cáo buộc tham nhũng, hối lộ, gian lận, trong đó có những người đã phải lĩnh án tử hình.
Hoogewerf nói, chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc là được lòng dân, nhưng khiến giới giàu ở nước này rất hoang mang.
“Nhiều doanh nhân hốt hoảng. Mỗi sáng thức dậy họ đều nghĩ không biết ai sẽ là người tiếp theo bị bắt, và họ lo liệu người bị bắt có liên hệ gì với mình hay không”, Hoogewerf nói.
Theo Hoogewerf, ở Trung Quốc thậm chí còn đang có một website chuyên dò các mối quan hệ giữa quan chức với các doanh nhân giàu có cho tới tận thời họ học phổ thông “để giúp xác định ai là người tiếp theo có thể bị bắt”.
Chiến dịch chống tham nhũng là một lý do khiến nhiều người Trung Quốc chuyển gia đình và gia sản ra nước ngoài. Một cuộc thăm dò do Hồ Nhuận thực hiện phát hiện thấy 64% người giàu Trung Quốc đã chuyển ra nước ngoài hoặc có kế hoạch chuyển đi trong những năm tới.
Theo ông Hoogewerf, xu hướng này có thể sẽ tiếp diễn, đẩy giá bất động sản tăng cao ở những nước như Mỹ, Australia và các đích đến được ưa thích khác của giới nhà giàu Trung Quốc.
“Thị trường bất động sản Trung Quốc đang chững lại, nên giới nhà giàu ở đây muốn tìm một thị trường tăng trưởng. Nhiều người nghĩ đến chuyện sang Mỹ để thâu tóm bất động sản”, Hoogewerf nói.
Sự chú ý của giới nhà giàu Trung Quốc khi tìm đến thị trường bất động sản Mỹ đến nay tập trung vào mảng nhà ở. Người Trung Quốc là khách ngoại “sộp” nhất trên thị trường địa ốc Mỹ năm 2014, với mức mua đạt 22 tỷ USD.
Theo Hoogewerf, làn sóng tiếp theo có thể sẽ là các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc mua bất động sản thương mại ở Mỹ, bao gồm các dự án ở Los Angeles, Chicago và Brooklyn. “Hãy chờ xem liệu người Trung Quốc có làm thị trường bất động sản Mỹ thay đổi hay không”, Hoogewerf phát biểu.
Theo Diệp Vũ