Uganda đẩy nhanh cải cách kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài
Tổng thống Uganda Yoweri Museveni ngày 24/8 đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu khoáng sản nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách kinh tế tại quốc gia Đông Phi này.
- 26-07-2015Ảnh hưởng của gói cải cách mới đối với nền kinh tế Hy Lạp thế nào?
- 03-07-2014Cải cách kinh tế Việt Nam: Hai bước tiến và một bước lùi
Tổng thống Uganda Yoweri Museveni ngày 24/8 đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu khoáng sản. Đây được coi là một đông thái nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách kinh tế tại quốc gia Đông Phi này và thu hút đầu tư nước ngoài.
Từ năm 2011, Tổng thống Yoweri Museveni đã yêu cầu Bộ Năng lượng và Phát triển Khoáng sản tạm ngừng xuất khẩu tất cả các loại khoáng sản chưa qua chế biến vì cho rằng nguồn tài nguyên thiên của Uganda, không giống như lĩnh vực nông nghiệp hay thủy sản và du lịch, đang bị cạn kiệt nên cần được bảo vệ và sử dụng hợp lý, tiết kiệm.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Phát triển Khoáng sản Uganda, ông Irene Muloni cho biết việc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu nguồn tài nguyên thiên nhiên thô nhằm giải quyết sự "tắc nghẽn" trong sự phát triển của ngành công nghiệp khai khoáng nhiều tiềm năng trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, nhằm thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản tại quốc gia châu Phi này, nhất là khai thác quặng đồng, phosphat..., và nâng kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực chủ chốt này.
Theo ông Bộ trưởng Uganda, từ nay tất cả các công ty khai thác mỏ trong và ngoài nước đều được cấp giấy phép hoạt động và có giá trị pháp lý như nhau. Từ năm 2011, do lệnh cấm xuất khẩu các khoáng sản chưa qua sơ chế, nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Mỹ, Anh, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU), đã hủy các hợp đồng hợp tác, liên doanh với nước chủ nhà, chủ đầu tư và ngừng hoạt động, rút khỏi nước này hoặc họat động cầm chừng chờ những thay đổi mới trong lĩnh vực rất quan trọng tại đây.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Phát triển Khoáng sản Uganda nhấn mạnh ngày 1/10 tới, Uganda sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế về khai khoáng (IMC) tại thủ đô Kampala nhằm kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế và khu vực tham dự vào lĩnh vực khai khoáng tại quốc gia châu Phi giàu tài nguyên thiên nhiên.
Theo các chuyên gia kinh tế, Uganda là một trong những quốc gia châu Phi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhất là mỏ đồng, cobalt và phosphat có trữ lượng lớn. Đặc biệt, gần đây nước này đã phát hiện một số giếng dầu khí có trữ lượng tương đối và có thể khai thác thương mại trong những năm tới. Tuy nhiên, Uganda vẫn chưa có cuộc khảo sát quy mô và khoa học để đánh gia chính xác tiềm năng khoáng sản của họ.
Ngoài ra, quốc gia Đông Phi này có diện tích đất đai màu mỡ, lượng mưa tương đối đều nên ngành nông nghiệp cũng là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, thu hút trên 80% lực lượng lao động. Các sản phẩm nông ngiệp như bông vải, cà phê, chè..., là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu mang lạị nguồn ngoại tệ đáng kể của nước này hiện nay.
Những năm gần đây, nhờ sự giúp đỡ của nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Uganda đang đẩy nhanh quá trình khôi phục và ổn định kinh tế thông qua các chính sách cải cách tài chính, tiền tệ, mở rộng sản xuất, giảm tỷ lệ lạm phát, tăng cường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài nên kinh tế quốc gia châu Phi này đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế đang gặp những thách thức do Uganda tham gia vào cuộc chiến tại các nước láng giềng như Cộng hòa Dân chủ Congo, Nam Sudan, tình trạng tham nhũng gia tăng, sự chậm trễ trong cải cách kinh tế, tình hình an ninh chưa ổn định..., là những nguyên nhân khiến quốc gia châu Phi này hiện vẫn nằm trong nhóm các nước kém phát triển ở khu vực và thế giới.
Vietnam+