MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

USD tăng vọt là dấu hiệu của khủng hoảng?

16-03-2015 - 15:06 PM | Tài chính quốc tế

Trong 45 năm qua, có 4 lần đồng USD đột ngột tăng giá với cường độ nhanh và mạnh như hiện nay. Những đợt tăng giá này đều là dấu hiệu báo trước các sự kiện lớn trên thị trường tài chính.

Đồng bạc xanh đang tiến tới quý tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 1992. Theo ngân hàng Bank of America, đây là dấu hiệu tốt cho thấy Cục dự trữ liên bang Mỹ sắp nâng lãi suất.

Khi thị trường kỳ vọng rằng lãi suất ở Mỹ sẽ tăng lên, đồng USD sẽ tăng giá. Nguyên nhân là do mọi người đổ xô đi đổi các loại tiền tệ khác thành USD hay đổ thêm tiền vào các khoản đầu tư bằng USD. Nhu cầu càng cao, đồng tiền lại càng tăng giá.

Tuy nhiên, trong quá khứ, đồng USD thường tăng giá so với các loại tiền tệ khác trong những giai đoạn thế giới xuất hiện căng thẳng cực độ về tài chính hoặc địa chính trị.

Trong 45 năm qua, có 4 lần đồng USD đột ngột tăng giá với cường độ nhanh và mạnh như hiện nay. Những đợt tăng giá này đều là dấu hiệu báo trước các sự kiện lớn trên thị trường tài chính: Lehman Brothers sụp đổ, Anh rút khỏi Cơ chế Tỷ giá châu Âu (ERM) năm 1992, cuộc chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên hay những cú sốc về lãi suất thời kỳ đầu những năm 1980.

Nếu so sánh với quá khứ, đợt tăng giá hiện nay của đồng USD được giới phân tích cho là giống với sự kiện Lehman sụp đổ nhất, mặc dù các điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay hoàn toàn khác.

Dưới đây là một đoạn trong báo cáo của Bank of America:

“Theo quan điểm của chúng tôi, một mối lo ngại khác là diễn biến của đồng USD phản ánh sự phân phối không hợp lý trong hệ thống tài chính. Dòng vốn vào Mỹ tăng mạnh là dấu hiệu của rủi ro hệ thống trên thị trường tài chính. Những cú sốc USD trong quá khứ đều có liên quan đến những sự kiện lớn trên thị trường.

Tuy nhiên, ngoại trừ một số sự kiện hiếm hoi ở các thị trường mới nổi, có rất ít dấu hiệu cho thấy rủi ro hệ thống đang tăng lên.

Điều còn thiếu ở đây là một cú sốc về lãi suất.

Hiện tại, các điều kiện trên thị trường tài chính quốc tế đang ở trạng thái khác thường so với trong lịch sử. Kể từ khi Lehman sụp đổ, toàn thế giới đã thực hiện cắt giảm lãi suất 558 lần. Bởi vậy, việc Fed nâng lãi suất dù chỉ là một bước đi rất nhỏ cũng sẽ tạo nên con sóng lớn trên hệ thống tài chính toàn cầu”.

>>> Fed nâng lãi suất và câu hỏi 9.000 tỷ USD

Tú Anh

Thu Hương

Business Insider

Trở lên trên