MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao ECB không lựa chọn polymer để phát hành đồng 10 euro mới?

25-09-2014 - 19:10 PM | Tài chính quốc tế

Theo ECB, tiền giấy có nhiều ưu điểm vượt trội so với tiền polymer.

Chất liệu polymer hạn chế khả năng thêm thắt một số yếu tố chống giả, đồng thời khó có thể khắc phục triệt để những lỗi kỹ thuật trên tiền polymer... là những nguyên nhân chính khiến NHTW Châu Âu (ECB) không lựa chọn polymer để phát hành mẫu mới của đồng 10 euro.

Ngày 23/9, ECB đã chính thức phát hành tờ tiền 10 euro mẫu mới trên 18 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu. Mẫu tiền mới này có màu sắc ngả về tông nâu thay vì đỏ như trước đây và vẫn được in dưới dạng tiền giấy. ECB đã không lựa chọn chất liệu polymer để in loạt tiền mới này mặc dù chất liệu polymer có độ bền cao hơn. 

Trong khi đó, bắt đầu từ năm 2016, NHTW Anh (BoE) sẽ chính thức chuyển sang in tiền polymer thay vì in tiền giấy như hiện nay. Đồng 5 bảng và 10 bảng sẽ là những tờ tiền đầu tiên được sản xuất bằng polymer. Theo BoE, tờ tiền polymer mới sạch hơn tiền giấy hiện hành, bền hơn, có độ an toàn cao, và có độ chống giả rất cao. Ngoài những lợi ích trên, việc in tiền bằng chất liệu polymer còn tiết kiệm cho Anh khoảng 100 triệu bảng trong 10 năm.

Mặc dù chi phí in tiền polymer cao hơn in tiền cotton nhưng tuổi thọ của tiền polymer cao gấp 2-3 lần tiền cotton nên sẽ không phải phát hành nhiều vì vậy giảm thiểu
được chi phí. Anh sẽ chính thức gia nhập nhóm các quốc gia sử dụng tiền polymer gồm khoảng 25 nước như New Zealand, Mexico, Singapore, Brunei, Romania, Úc, Việt Nam...

Theo ông Pascal Lebard, giám đốc Arjowiggins, nhà cung cấp giấy in tiền hàng đầu thế giới cho 140 ngân hàng trung ương, thì phát hành tiền giấy cotton vẫn là lựa chọn phổ biến của các quốc gia. Các thay đổi công nghệ trên tiền giấy cotton được xử lý dễ dàng hơn là trên tiền polymer. Chất liệu polymer hạn chế khả năng cài đặt một số yếu tố chống giả như không làm được bóng chìm định vị và dây phản quang. Chính vì lý do này mà ngân hàng trung ương Mỹ vẫn lựa chọn giấy cotton để in tiền sau khi đã thử phát hành tiền polymer mệnh giá 100 USD. 

Cũng với lý do tương tự, ngân hàng trung ương Singapore chỉ in tiền polymer ở mệnh giá nhỏ. Thái Lan cũng đã từng cho in thử một mệnh giá là 50 baht, đưa ra lưu hành nhưng sau đó đã đình chỉ thu hồi. Brazil cũng in thử một mệnh giá nhưng khi in có sự cố nên cuối cùng phải đình chỉ.

Với những kinh nghiệm của các nước sử dụng tiền polymer, ECB quyết định đồng euro vẫn tiếp tục được phát hành dưới dạng giấy cotton và được cài đặt thêm các yếu tố chống giả. Điều quan tâm nhất chính là chất lượng, thẩm mỹ và độ an toàn chống làm giả cao. Đồng 10 euro mới có một số điểm khác biệt trong thiết kế, cũng như các chi tiết bảo vệ được nâng cấp. Toàn bộ bề mặt đồng tiền được phủ một lớp bảo vệ làm tăng độ nhẵn và độ bền của đồng tiền so với loại cũ.

Đồng 10 euro mới có in chìm chân dung công chúa Europe – một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp cổ đại – chân dung này có thể nhìn thấy ở dạng dấu in chìm cũng như ở trên sọc dọc ba chiều.

Ngoài ra, trên đồng 10 euro mới còn in chữ ký của đương kim Chủ tịch ECB Mario Draghi. Một đặc điểm khác biệt nữa của đồng tiền mới là chữ "euro" được thể hiện không chỉ bằng ký tự Latinh và Hy Lạp, mà còn bằng ký tự Cyrillic (ký tự Slav), điều này liên quan đến việc Bulgaria gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2007. Các chữ cái viết tắt ECB cũng được in bằng 9 ngôn ngữ.

Sau khi lưu hành đồng tiền mới, các đồng tiền mẫu cũ vẫn được tiếp tục sử dụng cho đến khi được thu hồi hết khỏi lưu thông. Tổng cộng trong vài tuần tới đây ECB sẽ đưa vào lưu hành gần 4,3 tỷ đồng 10 euro mới.

Nguyễn Lê

huongnt

Tài chính Plus

Trở lên trên