MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao khủng bố tấn công thủ đô của Bỉ?

23-03-2016 - 10:22 AM | Tài chính quốc tế

Thủ đô Brussels của Bỉ là một thành phố cổ kính nhộn nhịp, nổi tiếng với những bưu thiếp tuyệt đẹp, socola và bia. Tuy nhiên, nơi đây cũng được xem là mảnh đất màu mỡ của các chiến binh thánh chiến.

CNN dẫn lời cảnh sát Bỉ cho hay, vụ tàn sát ở Paris cũng được lên kế hoạch tại đây. Ngoài ra, nghi phạm chính của vụ khủng bố ở Pháp là Salah Abdeslam cũng ẩn nấp tại một căn hộ ở Brussels sau khi từ bỏ nhiệm vụ, vứt chiếc thắt lưng chứa chất nổ ở một con phố tại Paris.

Việc Bỉ bất ngờ bắt giữ được Abdeslam dường như là một may mắn lớn. Dù một chiến dịch an ninh lớn được triển khai, nhưng mọi dấu vết của tên này dường như bay biến cho tới khi cảnh sát tiến hành một cuộc tìm kiếm bằng chứng tại nơi ẩn nấp của Abdeslam và có cuộc đọ súng, giúp họ biết được có một nhân vật quan trọng nào đó đang ở bên trong.

Abdeslam và một nam giới khác được cho là đã tẩu thoát trong khi một nghi phạm da trắng đánh lạc hướng cảnh sát. Ba ngày sau, cảnh sát đã dồn được Abdeslam vào đường cùng trong một cuộc đột kích giữa ban ngày, chấm dứt cuộc săn lùng xuyên quốc gia kéo dài hơn 4 tháng.

Tuy nhiên, giới chức Bỉ vẫn không biết liệu còn kế hoạch khủng bố nào đang được hoạch định không dù Abdeslam đã bị bắt sống và đang chờ ngày được dẫn giải sang Pháp.

Các vụ tấn công kiểu Paris

Bỉ vẫn rất thận trọng và luôn cảnh giác. Mức độ cảnh báo của Bỉ duy trì ở cấp "kề miệng hố", với việc lực lượng an ninh cảnh báo về mối đe dọa tấn công rất dễ xảy ra.

Trong vài tuần gần đây, CNN đã tới Molenbeek, khu vực khét tiếng là mảnh đất màu mỡ của hệ tư tưởng thánh chiến bạo lực, để tìm hiểu điều gì - nếu có - đã thay đổi kể từ vụ tàn sát ở Paris cách đây 4 tháng.

Phóng viên của CNN phải mất cả tháng mới thuyết phục được người dân ở đây trò chuyện. Nhiều cư dân tại khu vực này đã bị những kẻ cực đoan gửi lời đe dọa trực tiếp tới điện thoại di động của họ, cảnh báo không được nói chuyện với truyền thông.

Các quan chức Bỉ vẫn chưa thể ngăn chặn dòng chảy chiến binh đổ về lãnh thổ IS và có lẽ, đáng lo hơn cả là chính quyền lo ngại các chiến binh sẽ đem các vụ tấn công kiểu Paris trở lại châu Âu.

Brussels chỉ cách các thành phố lớn như Paris, Amsterdam, Cologne, Strasbourg, Frankfurt, Berlin vài giờ đi xe hoặc đi tàu. Bất cứ ai cũng có thể đi lại giữa các thành phố châu Âu trong vài giờ. Chỉ mới gần đây, đặc biệt là sau vụ tàn sát ở Paris, một số nước châu Âu mới bắt đầu kiểm tra người nhập cư.

Nỗi lo thường trực về IS

Tính trên đầu người, Bỉ là nước có nhiều công dân nhất đang chiến đấu sát cánh bên IS tại Syria. Các chuyên gia cho hay, gần 500 nam nữ đã rời Bỉ để tới Syria và Iraq kể từ năm 2012. Cùng lúc, hơn 100 người Bỉ đã hồi hương sau một thời gian sống ở lãnh thổ IS, nhiều người trong số này đã bị bắt ngay lập tức.

Tuy nhiên, tất cả những người trò chuyện với CNN đều thừa nhận, không thể biết chính xác có bao nhiêu người đã đi và bao nhiêu người đã trở lại.

Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon thừa nhận, những kẻ tuyển quân của IS vẫn hoạt động mạnh trên đất Bỉ. "Các hoạt động tuyển quân vẫn diễn ra, dù ở mức thấp hơn mọi khi. Rất khó tìm được người chịu trách nhiệm... bạn có thể làm việc đó ở một căn phòng nhỏ trong nhà".

Geraldine Henneghien, bà mẹ của một đứa con sát cánh với IS và đã bị giết ở Syria nói, việc nhận diện các manh mối cho thấy ai đó đã bị biến thành kẻ quá khích không hề dễ dàng. "Các dấu hiệu đều khác nhau, và khi nhìn riêng rẽ, sẽ rất khó thấy. Chỉ khi nhìn toàn cảnh, bạn mới có thể nhận ra đó là các dấu hiệu, rằng nó là một phần của quá trình tuyển quân".

Ali (tên giả) đã đồng ý nói chuyện với CNN. Ali thổn thức khi kể chuyện hai người anh, thành viên của nhóm Hồi giáo Sharia4Belgium, đã tới Syria và một người đã chết. Ali cho rằng sự phân biệt đối xử và "thiếu hụt cơ hội" ở Bỉ khiến nhiều thanh niên trẻ đi theo con đường có hại chỉ vì không được chấp nhận ở quê nhà. Những kẻ tuyển quân cho IS đã nắm được cảm giác bị gạt ra ngoài rìa của các thanh niên trẻ.

Ali cũng tin rằng cơ quan an ninh Bỉ nhắm mắt làm ngơ cho nhiều người tới Syria như một cách thoát khỏi những người này.

Không gì có thể đem con trai trở lại, song bà Henneghien cho rằng Bỉ nên hành động nhiều hơn nữa để khuyến khích những thanh thiếu niên như con bà trở về nhà.

Theo Hoài Linh

Vietnnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên