Vì sao "ngân hàng trong bóng tối" bùng nổ?
Ngân hàng trong bóng tối đã góp phần gây nên khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, nếu được quản lý tốt hơn, chúng có thể giúp đảo ngược cuộc khủng hoảng tiếp theo.
- 09-01-2014Hiểu thêm về "ngân hàng trong bóng tối"
- 09-07-2013Tôi đã trở thành nhân viên “ngân hàng trong bóng tối” như thế nào?
Mới đây, Mark Carney - Thống đốc của NTHW Anh và là người đứng đầu Ủy ban ổn định tiền tệ (FSB, tổ chức quốc tế được lập ra để bảo vệ hệ thống tài chính trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai) – được hỏi đâu là mối nguy hiểm lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới. Ông đã chọn câu trả lời là hệ thống ngân hàng trong bóng tối ở các thị trường mới nổi.
Không ai có thể phủ nhận “ngân hàng trong bóng tối” (shadow banking) là có thể trở thành “ông ba bị” dọa nạt kinh tế toàn cầu. Hệ thống này đã phát triển nhanh chóng trên quy mô lớn, dưới những dạng thức khó nắm bắt. Nếu được sử dụng hiệu quả, chúng sẽ đem lại lợi ích trong khi nếu cơ quan quản lý lơ là, chúng sẽ vỡ tung và kéo theo hậu quả khôn lường.
FSB định nghĩa “ngân hàng trong bóng tối” là những khoản vay giữa các định chế tài chính không phải ngân hàng. Cơ quan này cũng thừa nhận hệ thống ngân hàng trong bóng tối chiếm khoảng 1/4 giá trị giao dịch trong hệ thống tài chính toàn cầu với quy mô tài sản tăng từ 26.000 tỷ USD cách đây 1 thập kỷ lên 71.000 tỷ USD tính đến đầu năm 2013. Ở một số nước, ngân hàng trong bóng tối còn phát triển với tốc độ nhanh hơn: ví dụ, ở Trung Quốc, chúng tăng trưởng 42% chỉ riêng trong năm 2012.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này. Điểm mấu chốt là tín dụng (mọi loại hình tín dụng, từ các công ty tín thác ở Trung Quốc cho tới các mô hình cho vay P2P ở châu Âu hay các quỹ thị trường tiền tệ). Một khái niệm rộng lớn hơn sẽ bao gồm bất cứ hoạt động nào giống như hoạt động ngân hàng được thực hiện bởi một công ty không được quản lý như một ngân hàng. Xét theo khái niệm này, “ngân hàng trong bóng tối” sẽ bao gồm cả hệ thống thanh toán qua điện thoại của Vodafone, nền tảng giao dịch trái phiếu được thiết lập bởi các công ty công nghệ hay các sản phẩm đầu tư mà BlackRock cung cấp cho thị trường.
The Economist cho rằng những dịch vụ này đang sinh sôi nảy nở bởi các ngân hàng chính thống đang chùn bước sau khi thua lỗ nặng trong khủng hoảng tài chính và bị kìm kẹp bởi quy định ngày càng siết chặt, yêu cầu về vốn tối thiểu bị nâng lên và những khoản phạt hàng tỷ USD.
Trong bối cảnh ấy, các ngân hàng buộc phải cắt giảm cho vay, đóng cửa một số bộ phận không cần thiết. Ví dụ, ở Mỹ, các ngân hàng đầu tư không còn được phép tự doanh. Kể từ năm 2007, các ngân hàng Anh đã cắt giảm khoảng 30% tín dụng cho doanh nghiệp. Và, mới đây nhất, Barclays khẳng định kế hoạch cắt giảm 14.000 nhân dự.
Ngân hàng trong bóng tối sinh ra để bù đắp những khoảng trống này.
Mong manh dễ vỡ
Nếu nói rằng Google có thể giúp mọi người có thể quản lý tiền bạc một cách hiệu quả hơn, điều này đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên, vấn đề thuộc về tín dụng. Xét trên một số khía cạnh, hoạt động cho vay ở bên ngoài hệ thống ngân hàng đang nở rộ là điều tích cực.
Tuy nhiên, cũng có lý do buộc các ngân hàng phải được giám sát chặt chẽ: hiện tượng bất cân xứng về kỳ hạn (đi vay số tiền lớn trong ngắn hạn để cho vay trong dài hạn), tỷ lệ đòn bẩy quá cao và có mối quan hệ quá phức tạp với các định chế tài chính khác. Những đặc điểm này khiến chúng trở nên quá mỏng manh.
Khi hệ thống ngân hàng gặp rắc rối, người nộp thuế sẽ chịu thiệt bởi chính phủ bảo hiểm số tiền gửi và quá lo sợ để cho phép chúng sụp đổ.
Ông Carney đáng lẽ phải vui mừng hơn nếu như một công ty của Anh có thể nhận được khoản vay dài hạn từ quỹ hưu trí hoặc công ty bảo hiểm nhân thọ thay vì từ một ngân hàng. Nếu công ty đó không thể trả nợ, chủ nợ sẽ mất tiền nhưng không có tỷ lệ đòn bẩy quá cao và không gây rủi ro cho toàn hệ thống.
Tuy nhiên, nếu không được quản lý chặt chẽ, ngân hàng trong bóng tối trở nên hết sức nguy hiểm. Một trong những thủ phạm của khủng hoảng tài chính chính là các “công cụ đầu tư được tái cấu trúc” – sản phẩm được các ngân hàng tạo ra để bán những khoản nợ được đóng gói thành trái phiếu. Đây là những sản phẩm độc lập, nhưng sẽ gây nên rắc rối khi kéo theo cả ngân hàng đã tạo ra chúng.
Một nguồn bất ổn khác là các quỹ thị trường tiền tệ - nơi các tổ chức và cá nhân đầu tư tiền mặt dư thừa. Trước đây, các quỹ thị trường tiền tệ vẫn được cho là không có rủi ro. Tuy nhiên, rõ ràng là kết luận đó không chính xác.
Vấn đề của Trung Quốc
Thảm họa đã giúp các cơ quan quản lý rút ra những bài học hữu ích. Những ngân hàng trong bóng tối gây nên nhiều rắc rối nhất cũng có chênh lệch kỳ hạn lớn nhất hoặc không có đủ vốn để chịu lỗ. Không có gì đáng ngạc nhiên, các ngân hàng trong bóng tối vốn được tạo ra chỉ để tận dụng lợi thế quản lý lỏng lẻo trở thành bộ phận mỏng manh và cũng nguy hiểm nhất.
Cơ quan quản lý ở nhiều nước hướng đến mục tiêu xóa bỏ lợi thế này. Giờ đây, các ngân hàng phải hạch toán đầy đủ trên bảng cân đối kế toán. Các quỹ thị trường tiền tệ phải nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao hơn. Tỷ lệ đòn bẩy cũng được giới hạn.
Giống như ông Carney đã nói, làm cho các ngân hàng trong bóng tối an toàn hơn là công việc còn lâu mới được hoàn thành. Ví dụ, các nhà quản lý Mỹ vẫn đang để các quỹ thị trường tiền tệ tạo ấn tượng cho nhà đầu tư rằng họ không bao giờ mất tiền.
Tuy nhiên, mối nguy lớn nhất nằm ở Trung Quốc – nơi các ngân hàng bị cấm mở rộng cho vay ở một số ngành nhất định trong khi bị áp trần lãi suất tiền gửi. Chính sách quản lý này tạo điều kiện cho ngân hàng trong bóng tối bùng nổ dưới nhiều dạng thức.
Khủng hoảng ngân hàng trong bóng tối sẽ không khiến Trung Quốc sụp đổ bởi chính phủ có thể sử dụng các ngân hàng nhà nước để giảm bớt hệ lụy và có đủ tiền để lập lại trật tự. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt. Ngân hàng trong bóng tối có thể khiến hệ thống tài chính an toàn hơn, nhưng chỉ khi mọi thứ trở nên rõ ràng.
Thu Hương