Việt Nam không được xếp vào top 10 nước có khả năng thay thế BRICS
Coface loại Việt Nam ra khỏi các nước mới nổi mới bởi mặc dù có tiềm năng lớn về kinh tế, hệ thống tài chính của Việt Nam không đạt yêu cầu.
Hãng tín dụng và bảo hiểm Coface của Pháp vừa công bố báo cáo liệt kê danh sách 10 quốc gia có tiềm năng trở thành những nền kinh tế mới nổi soán ngôi nhóm BIRCS.
Coface loại Việt Nam ra khỏi các nước mới nổi mới bởi mặc dù có tiềm năng lớn về kinh tế, hệ thống tài chính của Việt Nam không đạt yêu cầu. Ngoài các điều kiện về tiềm năng tăng trưởng, Coface đặt ra tiêu chí hệ thống tài chính của nước đó phải có khả năng hỗ trợ đầu tư mà không tạo nên rủi ro tăng trưởng quá nóng.
“Sau 10 năm tăng trưởng mạnh mẽ, 5 nền kinh tế mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (nhóm BRICS) đang giảm tốc”, Coface nhận định trong báo cáo. Hãng này cũng dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình của nhóm BRICS trong năm 2014 sẽ sụt giảm 3,2 điểm phần trăm so với mức trung bình trong 10 năm gần đây.
10 nước được Coface liệt kê theo hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm Peru, the Philippines, Indonesia, Colombia and Sri Lanka. Đây là những quốc gia “có tiềm năng lớn được khẳng định bằng môi trường kinh doanh thuận lợi”.
Nhóm thứ hai gồm Kenya, Tanzania, Zambia, Bangladesh và Ethiopia. Nhóm này có môi trường kinh doanh ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng.
Hiện nay, 10 nước này đang chiếm 11% dân số thế giới trong khi nhóm BRICS chiếm 43% (theo số liêu năm 2011). Tổng GDP của 10 nước chỉ bằng 70% GDP của BRICS trong năm 2001. Trung bình, 10 nước có thâm hụt cán cân vãng lai ở mức 6% GDP trong khi các nước BRICS trước đây có thặng dư cán cân vãng lai.
Tuy nhiên, 10 nước mới có lạm phát trung bình thấp hơn 2,8% so với lạm phát của BRICS năm 2001. Họ đã biết điều chỉnh nguồn cung và không dựa quá nhiều vào đầu tư. Nhóm BRICS đang chuyển sang một giai đoạn mới, khi sức cạnh tranh trong xuất khẩu giảm sút và họ cũng không có đủ khả năng để cung cấp những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Thu Hương