MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vỡ mộng tại “thiên đường”

24-02-2016 - 09:31 AM | Tài chính quốc tế

Phần Lan được xem là một trong những điểm đến lý tưởng của người tị nạn Iraq nhưng gần đây, nhiều người đã tự bỏ tiền túi để mua vé máy bay trở lại Baghdad.

Hết kiên nhẫn

Thống kê của cơ quan xuất nhập cảnh Phần Lan mới đây cho thấy trong số 32.500 đơn xin tị nạn được nộp hồi năm ngoái, khoảng 4.100 đơn bị bác bỏ cũng như hết hạn. Giới chức Phần Lan trước đó cho hay bọn buôn người đã rêu rao với những người tị nạn rằng quốc gia Bắc Âu này có thời gian xét đơn tị nạn nhanh chóng và dễ dàng cho đoàn tụ gia đình.

Thực tế hoàn toàn trái ngược! Phần Lan khẳng định sẽ từ chối hầu hết đơn xin tị nạn và yêu cầu những người xin tị nạn trong độ tuổi lao động làm một số công việc không lương trong khi chờ xét duyệt. Ngán ngẩm, khoảng 3.000 người Iraq đã trở về quê nhà, bằng tiền vé tự có hoặc nhờ sự giúp đỡ của đại sứ quán Iraq thay vì nhận tiền hỗ trợ của chính phủ Phần Lan dành cho những ai tự nguyện hồi hương.

Nhìn nhận thực trạng trên, ông Tobias van Treeck, nhân viên Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM), nói với Reuters: “Phần lớn họ nói muốn được đoàn tụ với gia đình nhưng một số than thở về điều kiện sống ở Phần Lan, như thức ăn không hợp và thời tiết quá lạnh”. Cảm thấy không được chào đón cũng là một lý do. Lạ lẫm với cảnh di cư ồ ạt, nhiều dân Phần Lan thể hiện thái độ thù địch với người tị nạn.

Siết chặt biên giới

Tại Đức, số người tị nạn chọn ra đi không cao song sau vụ tấn công tình dục ở TP Cologne đêm giao thừa vừa qua, tình trạng kỳ thị người nhập cư gia tăng. Gần đây liên tục xuất hiện những tin tức như đám đông “reo hò” khi đám cháy thiêu rụi mái một khách sạn cũ dự định làm nơi ở cho người nhập cư ở thị trấn Bautzen hay tờ rơi hô hào “chống cự tới cùng trước người nước ngoài xâm lược” ở thị trấn Nauen…

Dù vậy, với nhiều người không còn nơi để quay về, họ phải đi tiếp tới những quốc gia châu Âu có điều kiện phúc lợi và cơ hội tị nạn cao hơn. Nhưng hành trình này đang gặp phải nhiều rào cản hơn bao giờ hết. Theo đài BBC ngày 22-2, hơn 5.000 người di cư đang mắc kẹt tại biên giới Hy Lạp sau khi Macedonia từ chối tiếp nhận người tị nạn Afghanistan (chỉ nhận người Syria và Iraq). Trong khi nhiều người mạo hiểm mạng sống leo qua hàng rào thép gai thì hơn 4.000 người khác đi thuyền từ đảo Aegean tiếp tục cập cảng Piraeus (Hy Lạp) và mắc kẹt ở đây.

Hy Lạp nổi giận vì hành động của Macedonia song Skopje biện bạch họ buộc phải làm thế bởi các nước Serbia, Áo và Slovenia đã đóng cửa biên giới với người nhập cư. Trước đó 3 ngày, Áo giới hạn số người tị nạn được tiếp nhận xuống còn 80 người/ngày ở biên giới phía Bắc.

Quyết định này bị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Thomas de Maizière phê phán là “không thể chấp nhận” vì tuy chỉ tiếp nhận 80 người/ngày song Áo lại cho phép tới 3.200 người qua biên giới để tới Đức. Ngoại trưởng Czech, ông Tomas Prouza, cảnh báo hiệu ứng domino từ việc đóng cửa biên giới sẽ khiến hàng chục ngàn người mắc kẹt, không thể tiếp tục hành trình cũng như trở về quê nhà.

Lợi nhuận “khủng”

Báo cáo của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) hôm 22-2 cho biết các tổ chức buôn người đã thu lợi đến 6,6 tỉ USD hồi năm ngoái, hầu hết đến từ làn sóng di cư đã đưa khoảng 1,8 triệu người đến châu Âu. Theo Reuters, hơn 12.000 kẻ tình nghi thuộc các băng nhóm buôn người tại Bulgaria, Ai Cập, Hungary, Iraq và Kosovo… đã được xác định, với các hoạt động từ làm giả giấy tờ đến hối lộ quan chức. Tuy nhiên, Europol cho biết có rất ít bằng chứng cho thấy những “kẻ khủng bố tình nghi” tham gia buôn người tị nạn vào châu Âu ở quy mô đáng kể.

 

Theo Xuân Mai

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên