MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn Nhật ồ ạt đổ vào Đông Nam Á

01-11-2014 - 09:11 AM | Tài chính quốc tế

Nền kinh tế trong nước yếu ớt thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là đầu tư vào Đông Nam Á.

Không phải lúc nào sự kiện khai trương trung tâm mua sắm mới cũng thu hút sự chú ý của Thủ tướng của một nước, nhưng Aeon Mall khai trương ở Phnom Penh là một sự kiện đặc biệt. Khu trung tâm được xây dựng bởi dòng vốn từ Nhật Bản là trung tâm thương mại lớn nhất của Campuchia, được tích hợp cả sân trượt băng, rạp chiếu phim và sân chơi bowling. Đối với Thủ tướng Hun Sen, đây là biểu tượng của dòng vốn đầu tư Nhật Bản. Chính phủ các nước trên khắp Đông Nam Á đều đang cố gắng thu hút nhà đầu tư Ấn Độ và đồng yên cũng đang ồ ạt chảy về khu vực này.

Năm ngoái, số vốn mà Nhật Bản đầu tư vào khu vực Đông Nam Á đã tăng gấp đôi, lên 2.300 tỷ yên (tương đương 24 tỷ USD). Một phần trong số này đến từ các vụ mua bán và sáp nhập (M&A) được thực hiện bởi các doanh nghiệp Nhật – bộ phận có “núi” tiền mặt dự trữ lên tới 229.000 tỷ yên. Nhà mạng SoftBank mới đây vừa rót 100 triệu USD vào Tokopedia (công ty thương mại điện tử Indonesia) trong khi tập đoàn Toshiba cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào Đông Nam Á trong vòng 5 năm tới. Cách đây 1 năm, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản là Mitsubishi UFJ Financial Group đã chi 536 tỷ yên mua 72% cổ phần của ngân hàng Thái Lan Bank of Ayudhya. 

Làn sóng đầu tư đầu tiên của Nhật Bản và Đông Nam Á diễn ra trong những năm 1980 và 1990. Dòng tiền ồ ạt đổ vào Thái Lan, Malaysia và Singapore, giúp các nước này phát triển ngành ô tô và điện tử. Làn sóng ấy chững lại sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-98, khi các doanh nghiệp Nhật bắt đầu tập trung vào Trung Quốc – thị trường có thế mạnh là nguồn cung lao động giá rẻ. 

Giờ đây, khi chi phí nhân công ở Trung Quốc tăng lên mạnh mẽ và căng thẳng chính trị giữa Nhật Bản và Trung Quốc có nguy cơ nóng trở lại, Đông Nam Á lại trở thành thị trường rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản. Năm ngoái, lượng vốn Nhật Bản đầu tư vào Trung Quốc đã giảm gần 2/5. Mặc dù Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật, số vốn các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Đông Nam Á cao hơn gấp gần 3 lần. 

Tuy nhiên, một số người nhận định rằng làn sóng đầu tư từ Nhật Bản sẽ sớm kết thúc. Năm 2013, NHTW Nhật Bản (Bank of Japan) bắt đầu mua trái phiếu với mục đích thúc đẩy tăng trưởng và chấm dứt giảm phát. Các gói nới lỏng định lượng khiến lượng tiền mặt tại các ngân hàng tăng lên nhanh chóng. Vì nhu cầu vay vốn ở Nhật rất thấp, các ngân hàng phải đi tìm kiếm người đi vay ở nước ngoài. Lượng tín dụng mà các ngân hàng Nhật giải ngân cho phần còn lại của châu Á (trong đó có Trung Quốc) đã tăng mạnh kể từ cuối năm 2012. Nếu Nhật thay đổi chính sách tiền tệ, dòng chảy vốn hiện nay sẽ bị đảo ngược.
 
Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản muốn các doanh nghiệp nội địa đầu tư nhiều hơn ở quê nhà. Nới lỏng định lượng làm đồng yên yếu đi và khiến điều này trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, dân số già có nghĩa là thị trường nội địa bị thu hẹp và do đó các công ty không muốn xây nhà máy mới. Những công ty như Canon (vừa tuyên bố sẽ tăng sản xuất ở Nhật Bản) sẽ gặp phải một vài rào cản. Các doanh nghiệp Nhật giờ đây chú trọng đến lợi nhuận nhiều hơn trong quá khứ và điều này thôi thúc họ tìm kiếm triển vọng tươi sáng hơn ở nước ngoài. 

Chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, xuất khẩu của Nhật Bản cũng phải chịu những tác động tiêu cực. Ngân hàng Deutsche Bank ước tính rằng đầu tư ra nước ngoài khiến cán cân thương mại của Nhật Bản giảm khoảng 16.000 tỷ yên trong năm 2012 – cao hơn so với con số thâm hụt thương mại 7.000 tỷ yên của năm đó. Lợi nhuận thu được từ nước ngoài không đủ để bù đắp cho cán cân vãng lai.  

Rủi ro ở đây là Nhật Bản có thể trở thành một nền kinh tế “thực lợi” hơn. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp Nhật không đầu tư ở trong nước và giúp mặt bằng lương tăng lên mà chỉ tập trung vào các mảng đầu tư ở nước ngoài. Khi đó kinh tế Nhật dựa vào cho thuê tài sản thay vì những hoạt động kinh tế trong nước.

Dẫu vậy, những khó khăn trên dường như không thể ngăn bước chân của doanh nghiệp Nhật. Ở ngay ngoại ô Phnom Penh, một khu công nghiệp vừa được thành lập để thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật như Minibea và Ajinomoto.

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên