Warren Buffett: "Đừng than khóc nữa, nước Mỹ vẫn ổn!"
Có lẽ “Nhà tiên tri xứ Omaha” nên chuyển tên thành “Nhà lạc quan xứ Omaha”. Xuyên suốt báo cáo thường niên năm 2015 của tập đoàn Berkshire Hathaway là lời trấn an Warren Buffett về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
- 25-02-2016Những điều Warren Buffett không bao giờ làm
- 05-01-20162 bài học từ bữa trưa với Warren Buffett
- 02-01-201610 câu nói kinh điển về đầu tư của Warren Buffett
Trong bối cảnh chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 dâng cao, những lời phàn nàn được nhắc đi nhắc lại. Mức nợ cao, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng chậm chạp và chênh lệch giàu nghèo là những vấn đề được các ứng cử viên thường xuyên nhắc đến. Tuy nhiên Warren Buffett cho rằng họ đã lầm.
“Năm nay là năm bầu cử, và các ứng cử viên không thể ngừng nói về những vấn đề của nước Mỹ. Trong không khí tiêu cực u ám ấy, nhiều người Mỹ giờ đây tin rằng con cháu của họ không thể có cuộc sống tốt bằng họ. Đó là quan điểm hoàn toàn sai: những đứa trẻ được sinh ra ở Mỹ trong thời điểm này là những đứa trẻ may mắn nhất lịch sử”, Buffett viết trong lá thư thường niên gửi cổ đông.
Ông nhấn mạnh rằng tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Mỹ hiện cao gấp 6 lần so với năm 1930, năm mà ông sinh ra. “Công dân Mỹ hiện nay không thông minh hơn hay làm việc chăm chỉ hơn so với năm 1930, nhưng đang làm việc hiệu quả hơn. Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai, phép màu kinh tế Mỹ vẫn còn đó”.
Khoản nợ ngày càng phình to khiến nhiều người lo lắng nước Mỹ có thể vỡ nợ, nhưng Buffett không tin vào điều đó. “240 năm qua đã chứng minh sẽ là một sai lầm lớn nếu bạn chống lại nước Mỹ, và triết lý đó vẫn đúng với thời điểm hiện tại”.
“Hoạt động thương mại và sáng tạo, hai “con ngỗng vàng” sẽ tiếp tục đẻ trứng vàng cho nước Mỹ. Những lời hứa về an sinh xã hội sẽ trở thành hiện thực và thậm chí còn hào phóng hơn. Những đứa con của nước Mỹ sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều so với bố mẹ của chúng”.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi nhà kinh tế học Emmanuel Saez đến từ ĐH California-Berkeley, hiện tình trạng chênh lệch giàu nghèo ở Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ năm 1928. Nhiều người đã viện cớ này chỉ trích chủ nghĩa tư bản tự do và kêu gọi Chính phủ can thiệp.
Tuy nhiên, Buffett vẫn cho rằng “miếng bánh” mà thế hệ tương lai chia nhau “sẽ lớn hơn rất nhiều so với hiện nay, và cách mà miếng bánh ấy được chia sẻ vẫn sẽ là điều gây nhiều tranh cãi. Con người không thể biết trước xã hội sẽ tiến hóa như thế nào. Khi bố mẹ tôi còn trẻ, họ thậm chí chưa có tivi để dùng. Năm 50 tuổi, tôi cũng không thể hình dung được rằng mình sẽ cần đến một chiếc máy tính cá nhân. Bạn có thể thấy hai sản phẩm này đã tạo nên một cuộc cách mạng lớn lao như thế nào", ông viết.
Mỗi năm Warren Buffett đều gửi thư cho các cổ đông của Berkshire Hathaway trước thềm đại hội cổ đông. Lá thư này thu hút được rất nhiều sự chú ý của dư luận vì ngoài những điều viết về tình hình kinh doanh của Berkshire, ông thường đưa ra những lời khuyên về đầu tư cũng như cuộc sống.