WSJ: Xuất khẩu Việt Nam “tỏa sáng” bên cạnh các nước láng giềng châu Á
Trong khi hoạt động xuất khẩu của các quốc gia châu Á vẫn chưa thể hồi phục, xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Tờ Wall Street Journal vừa có bài báo với những nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam với tựa đề “Vietnam Shines as Neighbors Await Export Bounce” (tạm dịch: Việt Nam tỏa sáng trong khi các nước láng giềng chờ đợi xuất khẩu hồi phục).
Hiện nay, một trong những câu hỏi nóng bỏng về các nền kinh tế châu Á là tại sao hoạt động xuất khẩu vẫn yếu ớt bất chấp các nền thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều đồng loạt hồi phục. Tuy nhiên, đây không phải là câu hỏi dành cho Việt Nam.
Theo chuyên gia kinh tế đến từ ngân hàng HSBC Trinh Nguyen, Việt Nam đang được hưởng lợi lớn từ môi trường trong khu vực. Trong 12 tháng kết thúc vào tháng 1 vừa qua, xuất khẩu của Việt Nam vượt xa so với các nước trong khu vực. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 15% trong thời kỳ này, bất chấp hoạt động xuất khẩu của các nước ASEAN đang suy giảm.
Với chi phí nhân công ở mức thấp, Việt Nam đang thu hút được các nhà sản xuất tìm kiếm những địa điểm rẻ hơn so với Trung Quốc – nơi chi phí nhân công đang tăng lên nhanh chóng.
Trong khi nước láng giềng Thái Lan gặp phải nhiều bất ổn chính trị, Việt Nam trở thành thị trường đem lại sự ổn định. “Nếu bạn là một công ty nước ngoài đang tìm kiếm địa điểm ở nước ngoài để mở rộng sản xuất, một trong những yếu tố cân nhắc sẽ là các nhà hoạch định chính sách ở nước đó có duy trì chính sách ổn định hay không”, bà Trinh Nguyen nói.
Trong mấy năm gần đây, nhu cầu nội địa ở Việt Nam sụt giảm do chính sách tiền tệ bị thắt chặt để đối phó với lạm phát. Tuy nhiên, điều này lại giúp xuất khẩu đóng vai trò quan trọng hơn đối với tăng trưởng. Những khoản đầu tư lớn của Intel, Samsung và nhiều tập đoàn khác đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Còn theo Devika Mehndiratta – chuyên gia kinh tế đến từ ANZ, Việt Nam đặc biệt hưởng lợi từ hai xu hướng chủ đạo trong ngành điện tử.
Thứ nhất, trong khi nhu cầu ở Mỹ và châu Âu nhìn chung là yếu, hoạt động kinh doanh đồ điện tử lại phát triển ở Trung Quốc. Bất chấp những lo ngại về đà giảm tốc của kinh tế, thị trường Trung Quốc vẫn là nhân tố hỗ trợ cho xuất khẩu của ASEAN bởi nhu cầu đối với mặt hàng điện tử.
Thứ hai, kể cả ở Mỹ - nơi kim ngạch nhập khẩu mặt hàng điện tử nói chung gần như không thay đổi trong năm 2013, thiết bị viễn thông là mảng vẫn có tăng trưởng. Đây là mảng mà Việt Nam có thế mạnh. Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
“Việt Nam ngẫu nhiên trở thành một điểm đến yêu thích của ngành điện tử”, bà Mehndiratta nói. Bà bổ sung thêm rằng trong 5 hoặc 6 năm gần đây, ngành điện tử của Việt Nam đã phát triển từ chỗ gần như không có gì đến giai đoạn cất cánh mạnh mẽ.
Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng điện tử tăng gần 68% trong năm 2012 và 35% trong năm 2013. Xuất khẩu điện thoại tăng lần lượt 85% và 67% trong 2 năm này.
Tuy nhiên, bài báo cũng nhận định Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thử thách ở phía trước. Việt Nam mới chỉ bắt đầu dọn sạch nợ xấu khỏi hệ thống ngân hàng và quá trình này phải mất nhiều năm để hoàn tất. Thêm vào đó, sẽ không phải là một bất ngờ lớn nếu như lạm phát lại vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Dẫu vậy, Việt Nam vẫn có cơ hội chiếm được thị phần lớn hơn khi các nhà sản xuất đẩy mạnh việc tìm kiếm địa điểm sản xuất thay cho Trung Quốc. Báo cáo của HSBC cho thấy sản lượng công nghiệp tăng trưởng trong khi hàng tồn kho ở mức thấp. HSBC dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng 20% trong năm 2014.
Bà Trinh Nguyen nhận định với dân số khoảng 90 triệu người chưa có đủ nguồn lực để hỗ trợ cho thị trường nội địa, cách để Việt Nam tăng trưởng thu nhập và sản lượng là cung cấp hàng hóa cho các nước giàu có hơn. Giống như ở Trung Quốc, đây là chiến lược không thể duy trì mãi mãi. Tuy nhiên, chiến lược này vẫn hiệu quả ở Việt Nam, ít nhất là trong thập kỷ tới.
Thu Hương