Yếu tố chính trị trong vụ BNP
Đối với BNP tất cả các điều khoản trên là một đòn quá nặng vừa về phương diện tài chính, vừa đối với uy tín của tập đoàn ngân hàng đứng hàng thứ ba trên thế giới.
Cuối tháng 5/2014, báo New York Times tiết lộ tập đoàn ngân hàng lớn nhất của Pháp là BNP Paribas có nguy cơ phải nộp phạt lên tới 10 tỷ USD - tương đương với 7,3 tỷ euro. Đối với BNP tất cả các điều khoản trên là một đòn quá nặng vừa về phương diện tài chính, vừa đối với uy tín của tập đoàn ngân hàng đứng hàng thứ ba trên thế giới, sau liên doanh ING của Hà Lan và ICBC của Trung Quốc.
Vi phạm của BNP
Trước hết cùng nhìn lại xem vì sao BNP sa lưới Tư pháp Mỹ: Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Washington đã ban hành luật cấm vận đối với các nước được coi là thù địch. Cho dù BNP không phải là trường hợp duy nhất, nhưng Mỹ nghi ngờ BNP Paribas trong giai đoạn 2002-2010 đã luồn lách lệnh cấm vận của Hoa Kỳ nhắm vào các quốc gia là Iran, Cuba và Soudan, sử dụng đồng USD để giao dịch với các quốc gia này.
Văn phòng Quản lý Tài sản Nước ngoài (OFAC) trực thuộc bộ Tài chính Mỹ từ năm 2007 đã phát hiện BNP đứng ra làm trung gian giữa người mua và người bán, dùng đồng USD để giao dịch với các quốc gia bị cấm vận cho dù BNP không vi phạm lệnh cấm vận của Liên hợp quốc.
“Cho tới nay, cái lỗi duy nhất mà BNP phạm phải là đã giao dịch bằng USD. Cả Ngân hàng Trung ương Pháp và Liên hợp quốc đều nhìn nhận BNP không hề vi phạm lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế nhắm vào một số quốc gia. Điều đó có nghĩa là BNP không bị phạt vì gian lận sổ sách, vì tội rửa tiền hay vì vi phạm bất kỳ điều khoản nào khác về luật tài chính.
Rõ ràng là Mỹ muốn trừng phạt các tập đoàn, các doanh nghiệp không tuân thủ chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ”, một chuyên gia tài chính ngân hàng thuộc văn phòng tư vấn Weave cho biết.
Mặc dù BNP không trực tiếp giao dịch với Iran, nhưng tập đoàn ngân hàng Pháp bị ghép vào tội “nhập nhằng” trên giấy tờ, tránh ghi rõ tên tuổi của những thân chủ nằm trong danh sách “bất hảo” của Mỹ.
Nói một cách dễ hiểu, nếu như Iran bán dầu hỏa cho một quốc gia X và cần mua vào hàng hóa, lương thực của Y thì ngân hàng BNP đứng ra làm trung gian để tiền của X được trả thẳng vào tài khoản của Y và Iran không nhất thiết phải xuất hiện trên giấy tờ của BNP.
Nhưng khi các khoản thanh toán đó được tính bằng USD, tức là một lúc nào đó các khoản giao dịch này phải đi qua phòng thanh toán của Mỹ đặt tại New York. Và khi mà có liên quan đến đồng USD, thì Văn phòng Quản lý Tài sản Nước ngoài OFAC hoàn toàn có thẩm quyền can thiệp vào hoạt động của BNP cũng như của bất cứ một tập đoàn nào khác.
Phạt để làm gương?
Chuyên gia tài chính, ngân hàng thuộc văn phòng tư vấn Weave, Eric Delannoy cho rằng, khoản tiền phạt lên tới 10 tỷ USD là không thực tế và thậm chí là không thể hiểu nổi. Bởi trước đó, hai ngân hàng khác cũng bị phạt vì những lý do tương tự đó là ngân hàng Standard Chartered và ING chỉ bị phạt mỗi bên khoảng 600 triệu USD mà thôi.
Bản thân BNP đề phòng rủi ro bị sa lưới của Tư pháp Mỹ đã dự trù hẳn một khoản tiền gần 1 tỷ USD để đương đầu với các thủ tục pháp lý đó. “Theo tôi có những yếu tố khác khiến BNP bị phạt nặng như vậy”, Eric Delannoy khẳng định.
Những yếu tố đó gồm: Thứ nhất hiện nay chính quyền Washington ý thức được rằng, công luận Mỹ vẫn còn phẫn nộ về những hành vi sai trái của giới ngân hàng, tạo ra khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Do vậy Mỹ muốn xử BNP để làm gương. Thứ hai, chiến tranh kinh tế đã lan sang cả mặt trận chính trị: BNP Paribas là một trong những tập đoàn ngân hàng lớn nhất châu Âu. Do vậy, ý đồ của Mỹ muốn qua vụ này làm suy yếu ngành tài chính của châu Âu.
Một thí dụ cụ thể chứng minh cho điều đó là Mỹ sắp ngưng cấm vận Iran. Nhiều hợp đồng làm ăn rất hứa hẹn đang mở ra. BNP là một trong những tập đoàn ngân hàng có uy tín nhất đối với Iran.
Chĩa mũi dùi, đánh thẳng vào BNP không ngoài mục đích cản bước tiến của một mối cạnh tranh nguy hiểm của các doanh nghiệp Mỹ. “Tôi nghĩ là vụ xử phạt BNP Paribas trước hết là một vấn đề chính trị chứ không chỉ đơn thuần là một cuộc đọ sức giữa Mỹ với Pháp - và qua Pháp là EU - về phương diện kinh tế”, một số chuyên gia nhận định.
Lập luận này được củng cố thêm khi vào mùa xuân vừa qua, Mỹ là quốc gia đã lên tiếng mạnh mẽ nhất, chỉ trích một phái đoàn cả trăm doanh nhân Pháp viếng thăm Teheran để bắt mạch tình hình và chuẩn bị cho những bước sắp tới, một khi biện pháp trừng phạt kinh tế Iran được bãi bỏ.
“Từ những năm 1980, 90% các vụ kiện mà Tư pháp Mỹ nhắm vào các tập đoàn vì lý do gian lận thuế khóa đều là các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó lại càng củng cố cho lập luận là Mỹ muốn làm suy yếu các mối đe dọa, những ai có thể cạnh tranh với các hãng của Mỹ”, chuyên gia Delannoy phân tích thêm.
Trong 5 năm qua, Tư pháp Mỹ đã chĩa mũi dùi vào khoảng 15 tập đoàn của EU, trong đó có những tên tuổi như tập đoàn viễn thông Alcatel của Pháp, Siemens của Đức, ngân hàng HSBC của Anh… với tổng số tiền nộp phạt thu về là hơn 7 tỷ USD! Và hiện nay, một khoản tiền phạt 10 tỷ đang treo lơ lửng trên đầu của BNP, trong khi ngân hàng này có mức lãi hàng năm là 6 tỷ euro- tức khoảng 8 tỷ USD.
Tuy BNP không sợ bị đe dọa xóa tên nếu như phải nộp cho chính quyền Mỹ 10 tỷ USD, nhưng điều lo ngại hơn cả là tập đoàn ngân hàng Pháp có thể bị mất giấy phép hoạt động trên đất Mỹ. Trong trường hợp đen tối nhất đó, BNP coi như bị cấm cửa một thị trường đem vế đến 10% doanh thu của mình.
Tuy nhiên, lần này, Paris và Washington vẫn tiếp tục thương lượng về số phận của ngân hàng BNP. Chưa có gì ngã ngũ, khi mà Pháp dọa đặt hiệp định tự do mậu dịch Mỹ-EU lên bàn cân.
Tờ Wall Street Journal số ra ngày 12/6/2014 đưa tin Bộ Tài chính Mỹ ngày 11/6/2014 cho biết trong tháng 2 và 3/2014 đã cấp giấy phép cho BNP “tiến hành một số các khoản dịch vụ tài chính và thương mại với Iran”. Theo một số các nhà quan sát, thông báo này của Bộ Tài chính Mỹ có thể là tín hiệu đầu tiên, mở đường cho việc Mỹ có thể sẽ nhẹ tay trong vụ xử phạt ngân hàng BNP Paribas. |
Quang Minh