MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu – liều thuốc hữu hiệu để ngân hàng bứt phá và triển vọng nào cho DongABank?

11-10-2019 - 07:02 AM | Tài chính - ngân hàng

Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành ngân hàng, đồng thời cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt từ thị trường những năm vừa qua.

Theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2 (2016-2020) của Chính phủ thì việc cắt giảm nợ xấu song song với giảm đáng kể số các ngân hàng thương mại yếu kém là 1 trong 3 trụ cột chính.

Từ bắt buộc đến tự nguyện

Từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xác định có 9 trường hợp ngân hàng yếu kém bị buộc phải tái cơ cấu bao gồm TinNghia Bank, Trust Bank, SCB, FicomBank, Habubank, GPBank, Tienphongbank, WesternBank và Navibank. Trong suốt quá trình tái cơ cấu vừa qua, SCB đã cùng với Ficombank và TinNghia Bank hợp nhất thành ngân hàng SCB ngày hôm nay; Habubank sáp nhập vào SHB, Tienphongbank đổi thành TPBank, Navibank thành NCB, WesternBank nhập vào PVFC lập thành PvcomBank, TrustBank đổi thành Ngân hàng Xây dựng. GPBank là ngân hàng yếu kém duy nhất trong nhóm này chưa được tái cơ cấu lần nào.

Nhưng trong quá trình tái cơ cấu, Ngân hàng Xây dựng đã bị "lạc đường" để rồi bị mua bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng. GPBank cũng rơi vào trường hợp tương tự. Nhóm yếu kém này năm 2014 còn kết nạp thêm Oceanbank và đến nay cả 3 ngân hàng này đang thuộc sở hữu 100% vốn của Ngân hàng Nhà nước bởi NHNN đã mua lại 0 đồng và "bơm tiền" vào để cứu vớt hoạt động.

Ngoài ra năm 2015 nhóm ngân hàng yếu còn có thêm DongABank được gọi tên khi cựu lãnh đạo nhà băng này có nhiều sai phạm khiến ngân hàng bị âm vốn điều lệ và Ngân hàng Nhà nước đưa vào danh sách kiểm soát đặc biệt.

Ngoài các ngân hàng bị bắt buộc, quá trình tái cơ cấu còn ghi nhận thêm những ngân hàng tự tái cơ cấu bằng con đường mua bán sáp nhập (M&A) hoặc tự tái cơ cấu bằng cách bổ sung thêm vốn điều lệ, gọi thêm vốn đầu tư và cải tiến hoạt động của ngân hàng. Trong số đó có thể kể đến trường hợp MHB nhập vào BIDV, DaiABank sáp nhập với HDBank, MDB nhập vào Maritime Bank (nay là MSB) hay Phương Nam nhập vào Sacombank…

Tái cơ cấu là con đường nhanh nhất để thành công

Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã được các nước làm rất thành công suốt hàng chục năm qua, trong đó có những điển hình đến từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc…Ở Việt Nam, nhiều ngân hàng cũng đã chứng tỏ cho thị trường thấy tái cơ cấu là con đường nhanh và tốt nhất để tiến đến thành công.

Đầu tiên có thể kể đến Tienphongbank. Sau khi được nhóm nhà đầu tư đến từ tập đoàn DOJI đổ vốn vào năm 2012, ngân hàng đã tái cơ cấu mạnh mẽ, đổi tên thành TPBank. Đến nay, sau 7 năm, TPBank đã khoác lên mình diện mạo hoàn toàn mới: sở hữu hệ thống công nghệ thông tin với công tác số hoá đi đầu xu thế; lợi nhuận nằm trong nhóm top ngân hàng trong khi trước đây ở vị trí thứ 42; là 1 trong 3 ngân hàng đầu tiên không thuộc nhóm được NHNN lựa chọn nhưng đã đáp ứng sớm chuẩn Basel II; tỷ lệ nợ xấu chỉ ở trên dưới 1% và cũng chỉ mất có 2-3 năm để xử lý xong các tồn đọng cũ kể từ khi được tái cơ cấu.

DaiA Bank nhập vào HDBank là một ví dụ khác. Đây là thương vụ M&A tự nguyện đầu tiên trong lịch sử ngành ngân hàng. Năm 2013 DaiABank về với HDBank và chỉ trong vòng 2 năm, mọi hoạt động của hai ngân hàng đã thống nhất làm 1, HDBank đã bứt phá nhanh và đến nay thuộc nhóm ngân hàng cổ phần mạnh nhất của Việt Nam với lợi nhuận luôn thuộc top dẫn đầu.

Trường hợp của MHB nhập vào BIDV và MDB nhập vào Maritime Bank (MSB) cũng cho kết quả tích cực. BIDV sau khi nhận MHB vào năm 2015 đến nay đã vươn lên dẫn đầu hệ thống các ngân hàng đã cổ phần hoá về quy mô tài sản, về nhân sự và là ngân hàng có tổng doanh thu tốt nhất. Còn MSB thì có diện mạo hoàn toàn mới với kết quả hoạt động đang tốt lên từng ngày với không ít các sản phẩm và dịch vụ tiên phong trên thị trường.

Southern Bank nhập vào Sacombank giai đoạn đầu gây khó khăn cho Sacombank, nhưng đến nay sau gần 3 năm được phê duyệt tái cơ cấu hậu sáp nhập, ngân hàng cũng đang trở mình bật dậy mạnh mẽ. Số liệu ngân hàng này vừa thông báo gần đây cho kết quả bất ngờ với lợi nhuận hơn 2.500 tỷ đồng cùng tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức dưới 2% - tương đương với kết quả đạt được của thời kỳ ngân hàng thịnh vượng hồi những năm 2011-2012.

Triển vọng nào cho DongABank và các ngân hàng còn lại?

Trong nhóm các ngân hàng tái cơ cấu vừa qua, bên cạnh những điển hình về thành công thì cũng còn những nhà băng còn bước chậm. Chẳng hạn TrustBank tái cơ cấu lần 1 bất thành để bị mua lại 0 đồng, GPBank cũng vẫn giậm chân tại chỗ hay một số trường hợp khác còn chưa tạo được dấu ấn đậm nét trên thị trường.

Tuy nhiên trong giai đoạn 2 của công cuộc tái cơ cấu, các ngân hàng kể trên cũng được kỳ vọng sẽ có những biến chuyển tích cực khi chính sách của Chính phủ đang kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực. Ví dụ như 3 ngân hàng 0 đồng đang thu hút được sự quan tâm của các đối tác nước ngoài và muốn kế thừa NHNN gánh vác toàn bộ ngân hàng, hay các ngân hàng khác cũng được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài xem xét mua cổ phần…

DongABank có lẽ là trường hợp đang thu hút sự quan tâm. Sau 4 năm bị kiểm soát đặc biệt, ngân hàng này sắp tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bàn chuyện góp vốn, bù đắp lại các khoản vốn đã bị âm.

Không giống như các ngân hàng khác, trước khi bị kiểm soát đặc biệt, đây là ngân hàng với diện mạo hiện đại, chất lượng dịch vụ thuộc top đầu nhóm ngân hàng cổ phần và đã từng được giới đầu tư cũng như khách hàng đánh giá cao, được kỳ vọng sẽ nằm trong nhóm những ngân hàng tư nhân dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên, do những sai phạm của các cựu lãnh đạo ngân hàng, trong đó đứng đầu là ông Tổng giám đốc Trần Phương Bình, nên ngân hàng bị kiểm soát. Tuy nhiên đáng lưu ý, mặc dù bị kiểm soát nhưng các dịch vụ của ngân hàng vẫn tiến triển tốt, ngoại trừ tín dụng không được cho vay ra theo quy định của ngân hàng Nhà nước.

Bởi vậy, đến nay khi được NHNN chấp thuận cho đại hội cổ đông bất thường, hơn ai hết, các khách hàng và nhà đầu tư của nhà băng này là những người vui mừng nhất bởi đó có thể là một tín hiệu cho thấy cơ quan quản lý và các lãnh đạo hiện tại của ngân hàng này dường như đã tìm ra một hướng đi mới cho ngân hàng. Bởi vậy, người trả lời cho câu hỏi DongABank thời gian tới sẽ thế nào rõ ràng đang thuộc về các cơ quan quản lý, ở đây là Ngân hàng Nhà nước, thì chặng đường tiếp theo mới có thể mở ra, cho không chỉ bản thân ngân hàng này mà còn là hiệu quả của cả công cuộc tái cơ cấu của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.

P.V

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên