Tái diễn thất thu phí đậu ôtô
Ứng dụng công nghệ và tăng mức phí ôtô đậu dưới lòng đường là chủ trương đúng nhưng việc triển khai bộc lộ hàng loạt bất cập, dẫn đến tình trạng thất thu dai dẳng
425 triệu đồng là con số ước tính thu được mỗi ngày theo đề án thu phí ôtô đậu dưới lòng đường tại TP HCM. Thế nhưng, với mức thu thống kê từng tháng sau hơn 1 năm triển khai lại cho ra những con số không thể tin!
Thu không đủ chi vẫn tái diễn
Không thể phủ nhận việc ứng dụng công nghệ và tăng mức phí theo giờ đối với ôtô đậu dưới lòng đường tại TP HCM đã mang lại những hiệu quả nhất định. Đề án sau khi triển khai trên 23 tuyến đường đã hạn chế đáng kể tình trạng xe đậu "chây ì". Không ít tài xế đã phải cân nhắc chuyển qua phương tiện khác hoặc tìm bãi giữ xe ở các trung tâm thương mại, cao ốc... Vì vậy, ở các tuyến đường đang tổ chức thu phí, lượng xe tới đỗ không dày đặc như trước, giao thông xung quanh cũng trở nên thông thoáng hơn.
Đường Lê Lai (quận 1, TP HCM) - một trong những tuyến có mật độ ôtô đậu dưới lòng đường cao nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện tình trạng “không thể thu phí” vì bất cập về công nghệ
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, tình trạng thất thoát tại các bãi đỗ vẫn nghiêm trọng. Việc tổ chức thu phí ôtô đậu dưới lòng đường bắt đầu thực hiện vào tháng 8-2018, lực lượng trật tự đô thị được giao thu phí tại hiện trường các bãi đỗ, thuộc các quận 1, 5 và 10. Tuy nhiên, thống kê sau 2 tháng đầu, tổng kinh phí thu được trên 23 tuyến đạt khoảng 439 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra ban đầu. Đáng chú ý, số liệu phân tích cho thấy so với mức thu trên hệ thống của tháng 8 và 9-2018 lần lượt chỉ đạt 15% và 9%. Số tiền không thu được tương ứng khoảng 1,5 tỉ đồng và 880 triệu đồng. Đặc biệt, mức thu sau đó vẫn tiếp tục giảm, các tháng 10, 11 và 12-2018 lần lượt giảm là 81,1 triệu đồng, 73,6 triệu đồng và 70,3 triệu đồng.
Bãi giữ ôtô ở đường An Dương Vương (quận 5, TP HCM), nhiều vị trí bị các cửa hàng kinh doanh chiếm dụng, tài xế tới đậu thì bị đẩy đuổi
Để hạn chế thất thu, cuối năm 2018, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM xây dựng phương án chi trả các khoản phí cho hoạt động thu phí ôtô đậu dưới lòng đường, trong đó đề ra tỉ lệ để lại 100% mức phí chi trả cho công tác thực hiện. Lý do là nếu theo phương án của Sở Tài chính, các quận 1, 5 và 10 đều cho rằng mức để lại không đủ để chi trả. Trong đó, các quận nêu nguyên nhân mức thu ở từng địa bàn biến động khác nhau, cao hay thấp tùy thuộc vào... ý thức, trách nhiệm của lực lượng thu phí.
Dù để lại 100% nhưng việc thất thu cứ thế tái diễn vì nhiều vấn đề bất cập, trong đó nhiều nguyên nhân xuất phát từ lực lượng thu phí của các quận. Để khắc phục, từ tháng 5-2019, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích thanh niên xung phong (gọi tắt là lực lượng TNXP) bắt đầu được giao thay thế đội ngũ trật tự đô thị tại hiện trường các bãi đỗ xe. Song, bất cập vẫn diễn ra, thất thoát vẫn nghiêm trọng, thu vẫn không đủ bù chi. Trong báo cáo sau hơn 1 tháng đảm nhận việc thu phí (từ ngày 1-5 đến 11-6), lực lượng TNXP cho biết tổng mức thu chỉ khoảng 184 triệu đồng, trong khi chi phí nhân công đã hơn 840 triệu đồng.
Lộ rõ những bất cập
Hàng loạt bất cập đã được các cơ quan chức năng chỉ ra, tuy nhiên thực tế việc giải quyết vẫn bế tắc dù đã triển khai sau hơn 1 năm. Trong đó, theo lực lượng TNXP, công nghệ thu phí hiện vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn trong việc cài đặt ứng dụng, trong khi phần mềm hiện cũng của Viettel, chưa liên kết với các nhà mạng khác như MobiFone, VinaPhone... Việc thanh toán phí qua SMS cũng chỉ cho thuê bao Viettel, các mạng di động khác không thực hiện được.
Trong khi đó, tình trạng tài xế nại lý do không quen sử dụng công nghệ, không hợp tác với nhân viên thu phí vẫn diễn ra phổ biến. Qua ghi nhận thực tế, tại nhiều bãi đỗ xe đang thu phí, không ít trường hợp tài xế "chây ì" không đóng phí trước sự bất lực của lực lượng TNXP. Trong nhiều trường hợp, TNXP chỉ có thể ghi nhận, chụp hình và nhắc nhở. Thậm chí đã có những trường hợp bị chụp hình vi phạm tới 74 lần nhưng vẫn không đóng phí và nhân viên thu phí cũng chỉ "bó tay".
Đáng chú ý, hiện nay đang phổ biến tình trạng "cát cứ" ở bãi đỗ xe như nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp có mặt tiền ở những tuyến đường có tổ chức thu phí chiếm dụng, không đóng phí và trực tiếp cản trở việc thu phí. Tại nhiều bãi đỗ như Thủ Khoa Huân (quận 1); An Dương Vương, Lê Hồng Phong (quận 5)..., không ít vị trí bị các nhà mặt tiền chiếm dụng, sẵn sàng đuổi xe khi tới đậu. Đơn cử như trên đường An Dương Vương, qua ghi nhận, nhiều nhân viên của các cửa hàng bán phụ kiện ôtô, dán keo xe… trên tuyến đường này hễ thấy ôtô đi chậm mở xi-nhan là lao ra bắt khách. Tuy nhiên, khi biết chủ xe không vào cửa hàng thì lập tức yêu cầu đi chỗ khác, với lý do "mặt bằng làm ăn buôn bán, thuê mỗi tháng mấy chục triệu"...
Tương tự, rất nhiều người lái ôtô tới đậu vào ô vạch trên đường phía trước nhiều cửa hàng khác ở đường Lê Hồng Phong (quận 5) cũng bị bảo vệ, nhân viên yêu cầu đi chỗ khác, tránh mặt tiền buôn bán. Lực lượng TNXP thu phí tại khu vực này cũng không làm được gì. Thử đặt phép tính chỉ với 1 ô đỗ xe bị chiếm dụng 24/24 giờ, với mức phí tăng lũy tiến theo giờ (cao nhất 25.000 - 30.000 đồng/giờ) thì con số thất thu không nhỏ.
Xe gửi bị mất cắp, hư hại, ai chịu?
Một vấn đề được nhiều tài xế thắc mắc đó là xe gửi tại những bãi đỗ này nếu bị mất cắp hoặc hư hỏng khi đậu thì ai là người chịu trách nhiệm và bồi thường? Vấn đề này thực tế đã xảy ra trên đường Thủ Khoa Huân (quận 1), khi trong tháng 7-2019 xảy ra trường hợp một biển báo đặt bên đường rơi xuống rồi đè móp một ôtô, gây hư hỏng nhẹ. Tài xế sau đó phản ứng thì nhân viên thu phí lúng túng, không biết xử lý thế nào.
Người lao động