MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái định vị thương hiệu, Tường An (TAC) lãi tăng 159% trong quý 1

21-04-2021 - 11:14 AM | Doanh nghiệp

Tái định vị thương hiệu, Tường An (TAC) lãi tăng 159% trong quý 1

Trong kỳ công ty tập trung phát triển các sản phẩm cốt lõi, sản phẩm cao cấp, đồng thời tái định vị thương hiệu Tường An.

CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC) đã công bố BCTC quý 1/2021 với doanh thu và lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ.

Theo đó doanh thu trong kỳ đạt 1.583 tỷ đồng tăng 53% so với cùng kỳ, sau khi trừ giá vốn lợi nhuận gộp đạt 218 tỷ đồng tăng gần 40% so với quý 1/2020.

Trong kỳ Tường An có 9,4 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, chi phí tài chính tăng nhẹ, chi phí QLDN giảm đáng kể từ gần 24 tỷ đồng xuống còn 8,6 tỷ đồng tuy nhiên chi phí bán hàng ở mức cao với 113 tỷ đồng tăng thêm 15% so với cùng kỳ 2020. Kết quả sau khi trừ các khoản chi phí TAC lãi sau thuế 77,6 tỷ đồng cao gấp 2,6 lần cùng kỳ tương đương EPS đạt 2.292 đồng.

Theo giải trình từ phía công ty lợi nhuận tăng cao là do trong kỳ công ty đã tập trung phát triển các sản phẩm cốt lõi, sản phẩm cao cấp, đồng thời tái định vị thương hiệu Tường An, mở rộng ngành hàng và quản lý tốt chi phí quản lý mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tái định vị thương hiệu, Tường An (TAC) lãi tăng 159% trong quý 1 - Ảnh 1.

Lên kế hoạch cho năm 2021, TAC cho biết sẽ tiếp tục tập trung gia tăng thị phần ở hai dòng sản phẩm trung và cao cấp, thực hiện chiến lược khu vực hóa, xây dựng kế hoạch kinh doanh mùa vụ và danh mục sản phẩm phù hợp với từng địa phương nhằm tạo ra sức mạnh cạnh tranh, gia tăng thị phần.

Công ty cũng tiến hành đầu tư, mở rộng nhà máy dầu Phú Mỹ: Nâng công suất nhà máy tinh luyện; Đầu tư một số hạng mục máy móc thiết bị, mở rộng kho, bồn chứa. Mở rộng diện tích xây dựng nhà máy Vinh từ: 8.800 m2 lên 17.000m2 , nâng công suất nhà máy dầu tại Vinh từ 40.000 tấn/năm lên 150.000 tấn/năm nhằm tiết giảm chi phí sản xuất và logistics, đồng thời gia tăng năng lực cung ứng hàng hóa cho thị trường miền Bắc và miền Trung.

Ngoài ra, năm 2021, nhằm tăng cường sự hiệp lực dựa trên nền tảng vận hành của toàn Tập đoàn, bao gồm TAC, KDC cùng các công ty liên kết và các công ty thành viên, cổ đông cũng đã phê duyệt tất cả các giao dịch liên quan, bao gồm nhưng không giới hạn các giao dịch: mua bán thành phẩm, nguyên liệu, hàng hóa, vật tư, bao bì, dịch vụ, chia sẻ chi phí; cho vay, vay, hợp tác kinh doanh trên cơ sở tối ưu hóa dòng tiền và các hoạt động tài chính của các bên…

Trần Dũng

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên