Tài khoản của Giám đốc công ty địa ốc Alibaba đã bị các ngân hàng phong toả theo yêu cầu của Bộ Công an
Báo Thanh Niên vừa đưa tin, Bộ Công an đã làm việc với các ngân hàng phong tỏa tài khoản của ông Nguyễn Thái Lĩnh (đại diện pháp luật của Công ty địa ốc Alibaba) và bà Võ Thị Thanh Mai (phụ trách pháp lý của Công ty địa ốc Alibaba).
Được biết, ông Lĩnh là em ruột và bà Mai là vợ của ông Nguyễn Thái Luyện (Tổng Giám đốc Công ty địa ốc Alibaba).
Ngoài ra, theo thông tin từ Cơ quan Cảnh Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận đã gửi giấy mời đến các khách hàng mua đất của Công ty địa ốc Alibaba đến làm việc. Một số trường hợp khác, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã gửi giấy triệu tập đến một số chủ đất có quan hệ làm ăn mua bán, phân lô bán nền với Công ty địa ốc Alibaba.
Hiện cơ quan công an các tỉnh, thành cũng kêu gọi khách hàng nên tỉnh táo nhận thức các sai phạm của Công ty địa ốc Alibaba và cung cấp thông tin cho cơ quan công an để phục vụ công tác điều tra.
Trước đó, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu Bộ Công an vào cuộc điêu tra làm rõ những dấu hiệu sai phạm của Công ty địa ốc Alibaba trong quá trình hoạt động. Vừa qua, cơ quan chức năng một số địa phương đã tiến hành cưỡng chế một số dự án "ma" do Công ty địa ốc Alibaba phân phối.
Thông tin từ Chi cục Thuế huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) mới đây cho biết, cơ quan này vừa kiểm tra hoá đơn thuế các doanh nghiệp bất động sản ở tỉnh, phát hiện nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu liên quan Công ty Alibaba hoạt động bất thường.
Cụ thể, các doanh nghiệp bất động sản bị kiểm tra, gồm: Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp; Công ty cổ phần bất động sản địa ốc Big Bang; Công ty cổ phần bất động sản địa ốc Chiến Thắng; Công ty cổ phần bất động sản địa ốc Chiến Binh Thép; Công ty cổ phần bất động sản địa ốc Ali Land; Công ty cổ phần địa ốc đầu tư và phát triển Spartaland; Công ty cổ phần địa ốc đầu tư và phát triển TL Land; Công ty cổ phần Ali Xanh; Công ty cổ phần địa ốc đầu tư và phát triển 108 và Công ty cổ phần địa ốc Long Thành Ali.
Kết quả xác minh cho thấy, trong 10 doanh nghiệp kiểm tra trên thì có 7 doanh nghiệp cùng đăng ký địa điểm hoạt động tại ấp Tân Phước, xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Đây cũng là địa điểm mà Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (trụ sở tại TP.HCM) đặt văn phòng chi nhánh.
Điểm bất thường là nhiều doanh nghiệp trên dù đã thành lập hơn 2 năm nhưng lại không phát sinh bất cứ hoạt động giao dịch nào. Các liên hóa đơn doanh nghiệp đặt mua tại Chi cục Thuế huyện Long Thành đến nay vẫn chưa xuất liên nào.
Tất cả các thông báo về in hóa đơn, đăng ký thuế của 10 doanh nghiệp nêu trên đều có chung địa chỉ là 120-122 đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM. Đây cũng chính là địa chỉ đăng ký hoạt động của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba.
Ngoài ra, qua kiểm tra cho thấy, ông Nguyễn Thái Lĩnh - Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba cũng là người đứng tên cho thuê đất làm địa điểm đăng ký kinh doanh đối với 7/10 công ty nói trên.
Theo Chi cục thuế huyện Long Thành, việc nhiều doanh nghiệp cùng đăng ký hoạt động tại một địa điểm và đã thành lập nhiều năm nhưng không có hoạt động gì có thể nhằm mục đích thành lập cho đủ cơ sở pháp lý để có danh rao bán nhà đất. Bởi đến nay, các doanh nghiệp không hoạt động, không có dự án được cấp phép nhưng vẫn rao bán đất nền trên mạng.
Hiện cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã lập hồ sơ 3/10 doanh nghiệp nói trên để cung cấp cho Bộ Công an nhằm phục vụ điều tra các dự án bất động sản liên quan đến Công ty Alibaba tại Đồng Nai.
Cục thuế tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện đang xem xét kỹ toàn diện, đề xuất hậu kiểm đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp này.
Đối với những doanh nghiệp còn lại, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai đang chờ báo cáo chi tiết của Chi cục Thuế huyện Long Thành, từ đó có căn cứ đề xuất các cơ quan chức năng hướng xử lý.