MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài liệu tối mật, tuyệt mật của Việt Nam có thể được giải mật sau bao nhiêu năm?

Sáng 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về công bố các luật đã được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá 14.

Nằm trong số này, có Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước gồm 5 chương, 28 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019.

Bí mật Nhà nước, theo quy định của luật này là thông tin quan trọng, do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia dân tộc.

Theo đó, bí mật Nhà nước được xác định có 3 thuộc tính cơ bản: là thông tin quan trọng; thông tin chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất sẽ gây nguy hại; phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định.

Hình thức chứa đựng bí mật Nhà nước có thể là tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.

Điều 5 của luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm, gồm: làm lộ, chiếm đoạt, mua bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác kết nối Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông; truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện truyền thông, viễn thông trái quy định; đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông…

Về phạm vi bí mật Nhà nước, được xây dựng trên cơ sở phân loại lĩnh vực theo quy định của luật Tổ chức Chính phủ (15 lĩnh vực), đây cũng là kết quả nghiên cứu, rà soát nội dung bí mật Nhà nước tại 96 danh mục bí mật Nhà nước hiện hành.

Tại buổi họp báo, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, nội dung này đã được gửi xin ý kiến 39 bộ, cơ quan ngành bộ và các cơ quan, tổ chức ở Trung ương có liên quan trực tiếp đến việc lập danh mục bí mật nhà nước, đạt được sự đồng thuận cao của các cơ quan, tổ chức.

Trên cơ sở đó, danh mục bí mật Nhà nước được giao cho Thủ tướng Chính phủ ban hành với độ tuyệt mật, tối mật và mật, căn cứ trên đề xuất của người có trách nhiệm lập danh mục bí mật Nhà nước và thẩm định của Bộ Công an (trừ danh mục thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Quốc phòng).

Quy định này được cho là khắc phục được tồn tại của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước hiện hành, vì đã thống nhất một chủ thể ban hành danh mục quy định với cả 3 độ mật.

Bí mật Nhà nước được quy định theo ngành và lĩnh vực áp dụng thống nhất từ Trung ương đến địa phương, không quy định danh mục bí mật Nhà nước của địa phương, ông Sơn nhấn mạnh.

Thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước cũng là quy định mới so với pháp lệnh áp dụng từ năm 2000 tới nay. Cụ thể, luật quy định thời hạn bảo vệ đối với bí mật Nhà nước độ tuyệt mật là 30 năm, tối mật là 20 năm, mật là 10 năm.

Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ, đây là quy định tiến bộ của luật nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Mặt khác, luật cũng quy định, hết thời hạn bảo vệ, nếu thấy việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia dân tộc thì người đứng đầu cơ quan Nhà nước quyết định gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước. Mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo vệ ban đầu.

Đi kèm quy định này là quy định giải mật. Bí mật Nhà nước được giải mật khi hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước và thời gian gia hạn thời hạn bảo vệ hoặc giải mật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế… không còn thuộc danh mục bí mật Nhà nước.

Luật cũng quy định việc đương nhiên giải mật đối với trường hợp bí mật Nhà nước không còn thuộc danh mục bí mật Nhà nước; trường hợp bí mật Nhà nước chỉ cần bảo vệ trong khoảng thời gian nhất định hoặc đã hết thời hạn bảo vệ theo quy định mà cơ quan có thẩm quyền không quyết định gia hạn.

Theo Nguyễn Lê

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên