MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tai nạn thường gặp khi đi du lịch, ai cũng nên biết để tránh hại thân

24-04-2023 - 05:01 AM | Sống

Tai nạn thường gặp khi đi du lịch, ai cũng nên biết để tránh hại thân

Từ dị ứng hải sản đến ngộ độc nấm, đây đều là những chuyện có thể xảy ra với bạn và gia đình trong kỳ nghỉ này. Hãy chủ động phòng tránh ngay từ bây giờ để có kỳ nghỉ tươi vui.

Chỉ còn gần 1 tuần nữa, chúng ta sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài. Rất nhiều gia đình đang rục rịch chuẩn bị cho chuyến đi biển, đi nghỉ dưỡng đầu hè. Thế nhưng, để chuyến đi vui vẻ trọn vẹn, ai cũng nên biết những tai nạn cần tránh.

1. Phòng tránh dị ứng hải sản

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân 17 tuổi phản vệ mức độ nguy kịch với tôm.

Theo thông tin từ người nhà, bệnh nhân có tiền sử dị ứng với tôm đồng, cua, lạc nên nghĩ ăn tôm biển sẽ không sao. Không ngờ loại hải sản này cũng gây dị ứng cho bệnh nhân. Do không biết cách sơ cứu (gia đình đốt vỏ tôm cho bệnh nhân uống chữa dị ứng), tình trạng của cô gái sau đó bị nặng hơn. 

Tôm biển lại là món ăn thường gặp trong thực đơn đi du lịch biển của các gia đình. Nhiều người không biết mình có bị dị ứng tôm biển hay hải sản nói chung hay không. Theo BS đa khoa Nguyễn Xuân Quang (Học viện Quân y), trước khi đi du lịch, mọi người nên mang theo thuốc chữa dị ứng để phòng ngừa rủi ro.

Đối với tình trạng dị ứng nhẹ như ngứa, phát ban… bác sĩ khuyến nghị bạn dùng thuốc kháng histamine như Benadryl theo chỉ dẫn.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, nếu việc dùng thuốc dị ứng không cải thiện triệu chứng thì cần đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt, tránh rủi ro đáng tiếc.

Ngoài ra, đối với những người bị dị ứng tôm, tốt nhất không nên ăn tôm biển cũng như các loại động vật có vỏ khác vì nguy cơ dị ứng rất khó tránh.

2. Nhận biết, tránh ăn phải bạch tuộc đốm xanh

Bạch tuộc là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Khi đi biển, hẳn sẽ có nhiều gia đình muốn thưởng thức loại hải sản này. Tuy nhiên, nếu chẳng may ăn phải bạch tuộc đốm xanh - loại bạch tuộc sản sinh độc tố cực mạnh trong cơ thể, bạn có nguy cơ tử vong nếu bị cắn chỉ trong vòng 2 phút.

Nhận biết bạch tuộc đốm xanh để tránh bị cắn cũng như ăn nhầm.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), bạch tuộc đốm xanh sản xuất chất độc tetrodotoxin vừa có tác dụng tự vệ vừa để tấn công con mồi. Chúng có trong tuyến nước bọt và thân bạch tuộc đốm xanh.

Để tránh những rủi ro không đáng có, chuyên gia khuyến cáo thời gian đi biển sắp tới, người dân nên hạn chế tiếp xúc bạch tuộc. Không sử dụng bạch tuộc đốm xanh làm thức ăn. Nếu bị cắn cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

3. Nhận biết, tránh ăn phải nấm độc

Thời gian này, nhiều gia đình đi du lịch muốn cùng nhau trải nghiệm những hoạt động trong cuộc sống đời thường, thay vì chỉ đi tham quan và chụp ảnh. Ví dụ như hoạt động hái nấm. Nhiều khu vực như Đà Lạt trở thành điểm hút du lịch nhờ có hoạt động này. Rất có thể kỳ nghỉ dài ngày tới đây, các gia đình sẽ cùng nhau trải nghiệm.

Hình ảnh đặc trưng của nấm độc.

Điều đáng lưu tâm là nhiều gia đình sẽ dùng nấm để chế biến thành các món ăn luôn. Lúc này, bạn cần phân biệt nấm ăn được và nấm độc (nấm không ăn được), tránh những rủi ro không đáng có. Bởi trong thực tế, không thiếu những trường hợp tử vong do ăn phải nấm lạ, nấm hái được trong rừng.

PGS.TS. Hoàng Công Minh (Trung tâm Phòng chống nhiễm độc, Học viện Quân y) cho biết, ở Việt Nam có khoảng 50-100 loài nấm độc khác nhau. Mùa xuân, thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loài nấm phát triển và đây cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm. So với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao.

Các dấu hiệu chung nhận diện nấm độc, bạn cần tránh ăn:

- Nấm có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc.

- Bên trong thân cây nấm màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc.

- Bộ phận độc nằm trong toàn bộ thể quả nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm), độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu.

Chuyên gia cũng khuyến cáo, nếu thấy một loại nấm lạ, còn băn khoăn thì tốt nhất không nên ăn, tránh rủi ro đáng tiếc.

Theo Tuấn Minh

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên