Tài sản ảo tạo ra những kiểu làm giàu kỳ quặc: Bất kỳ ai cũng có thể đầu tư vào biểu tượng cảm xúc như mua vàng
Giờ đây, bạn thậm chí có thể đầu tư vào biểu tượng cảm xúc (emoji) hình trái tim hay bất kỳ hình nào khác như cách bạn làm với một thỏi vàng.
Khi NFT ngày càng trở nên phổ biến trong giới nghệ thuật, thể thao và âm nhạc, một số nhà đầu tư đang đặt cược vào giá trị của một chuỗi các emoji, ví dụ như hình ảnh liên tiếp của một vận động viên lướt sóng, cây cọ và ngón tay cái.
Những nhà đầu tư đầu tiên sử dụng các mã nhận dạng emoji được gọi Yat. Chuỗi các emoji có thể là những đường link trong phần thông tin trên mạng xã hội của họ. Yat Labs - công ty cho phép nhà đầu tư mua Yat, cho biết những biểu tượng này sẽ sớm được hỗ trợ thanh toán điện tử.
Naveen Jain - nhà đồng sáng lập của Yat Labs, đang sống tại Nasville và sử dụng emoji đại bàng làm Yat, cho hay: "Nếu Yat của bạn là con rồng lửa, việc này nói lên rất nhiều điều về một người. So với việc tên người dùng là Naveen512, đường link trên sẽ cho người click vào biết, mã vùng của họ."
Một chuỗi emoji từ 1-5 ký tự có giá từ 4 USD đến hàng trăm nghìn USD. Thông thường, chuỗi càng ngắn và dễ nhớ thì giá lại càng cao. Yat Labs cho biết họ đã bán được gần 160.000 Yats với tổng giá trị 20 triệu USD kể từ tháng 2 năm ngoái, khi công ty ra mắt. Mức giá cao nhất là của 1 emoji chìa khóa với 425.000 USD.
Paris Hilton, Lil Wayne và G-Eazy là những người nổi tiếng đã đầu tư vào loại tài sản này. Họ cho biết, những ngôi sao này không nhận được khoản chiết khấu và quà tặng từ Yat. G-Eazy đã mua đoạn emoji con dơi-hoa hồng (Bat-Rose) vào tháng 4 để sử dụng trên các trang cá nhân trên mạng xã hội và làm nội dung quảng bá cho các album trong tương lai.
Rapper cho biết: "Tôi nghĩ rằng biểu tượng đó nói lên danh tính của tôi là G-Eazy, một con người thích bóng tối và kẻ ‘lãng mạn vô phương cứu chữa’." Đối với anh, Yats là một loại biệt danh thời hiện đại.
Bất kỳ ai cũng có thể mua Yat gồm 3-5 ký tự trên trang web của công ty này bằng thẻ tín dụng hoặc Google Pay. Ngoài ra, một số đồng tiền số cũng được chấp nhận thanh toán.
Nhà đầu tư Michael Arrington - người cũng có cổ phần trong Yat Labs, cho biết gần đây anh đã chi 200.000 USD ngân sách của công ty quản lý tài sản của mình để mua đoạn emoji tên lửa-mặt trăng (Rocket-Moon). Đẩy giá "lên trời" là một chiến lược phổ biến trong thị trường tiền số và Arrington muốn sử dụng Yat làm công cụ xây dựng thương hiệu cho công Arrington XRP Capital của mình.
Vì người dùng không thể mua 1 hoặc 2 emoji trực tiếp trên trang web, nên cách duy nhất ông có thể mua đoạn emoji trên là tham gia cuộc đấu giá ảo do Yat Labs tổ chức. Arrington ban đầu hy vọng mua được Yat với giá 10.000 USD nhưng lại bị một người khác trả giá cao hơn. Cuối cùng, đoạn emojji này được bán với giá 150.000 USD.
Các chủ sở hữu Yat có thể kiếm tiền khi có ai đó muốn mua Yat mà họ đã sở hữu. Việc mua emoji lấp lánh (Sparkle-Sparkle-Sparkle) không có nghĩa là bạn sẽ được trả tiền mỗi khi ai đó nhắn tin bằng 3 emoji này liên tiếp. Arrington cho biết công ty của ông không thể ngăn cản ai sử dụng Rocket-Moon, nhưng "chúng tôi sở hữu nó và điều này thật tuyệt".
Yat không tự động trở thành NFT. Chủ sở hữu Yat có thể tạo một token chứng minh quyền sở hữu dãy emoji trên blockchain. Việc gắn quyền sở hữu Yat vào một blockchain sẽ tốn thêm chi phí, giá của nó sẽ neo trên hệ thống Ethereum và có thể lên đến hơn 100 USD.
Một số chuyên gia hoài nghi về độ tin cậy của Yat. David Geral - tác giả của cuốn "Attack of the 50 Foot Blockchain" và cây viết của trang web tin tức cùng tên, cho biết ai cũng có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của Yat với các emoji riêng. Ông nói: "NFT này đại diện cho một chuỗi các chữ cái viết tắt, hay nó là một thứ ngớ ngẩn."
Hơn nữa, các trang web được liên kết với URL Yat không phải lúc nào cũng dễ làm vì việc nhập chuỗi emoji trên bàn phím QWERTY tiêu chuẩn có thể gặp khó khăn.
Joseph Skewes - chuyên gia IT ở Adelaide, sở hữu hơn 2.000 Yat và chi hàng chục nghìn USD cho chúng, trong đó có tiền tiền tiết kiệm và khoản lãi từ việc đầu tư tiền số. Anh nói: "Tôi đã sưu tầm đá, đĩa DVD, tiền xu khi còn nhỏ. Do đó, tôi nghĩ rằng đây là một phần tính cách của mình khi sưu tầm và mua những thứ kỳ quặc này." Yat mà Skewes sử dụng trên các tài khoản mạng xã hội cá nhân của mình là chuỗi emoji lấp lánh, mặt cười ngược, lấp lánh (Sparkle-Upside Down Smiley-Sparkle).
Jenna Pilgrim - CEO của một công ty phần mềm tiền số tại New York, đã mua 1 Yat vào tháng 5 để báo hiệu cho khách hàng rằng cô đã bắt kịp xu hướng đang hot. Cô gái 27 tuổi này cho biết mình quyết định lựa chọn chuỗi emoji ca nô - cây thường xanh - lá phong để đại diện cho quê hương Canada và tính cách hướng ngoại của mình.
Cô nói: "Yat là một công ty emoji kỳ quặc và không có ý nghĩa gì. Nhưng ở thời đại ngày nay, với việc NFT liên tục xuất hiện, thì các phiên bản mới được lan truyền là điều bình thường."
Tham khảo WSJ