MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài sản tham nhũng chui qua lỗ hổng pháp luật

30-11-2016 - 08:18 AM | Xã hội

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng, pháp luật hiện còn nhiều lỗ hổng, tạo cơ hội cho các đối tượng phạm tội tẩu tán tài sản tham nhũng.

Ngày 29/11, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (Viện KSNDTC) và Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 4 (TPHCM) tiếp xúc cử tri quận 5 và quận 10.

Khó triệt vòi bạch tuộc tham nhũng

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Lê Minh Cường (phường 15, quận 10) nói: “Tôi cảm thấy bức xúc và hổ thẹn. Nhiều quan chức cao cấp thu vén cá nhân, tham ô, bố trí con cháu vào các vị trí quan trọng để trục lợi, gây bức xúc dư luận. Thu vén cá nhân đã đời rồi trốn ra nước ngoài. Tham nhũng như con bạch tuộc, tước đoạt tài sản của nhân dân. Việc quản lý bộ máy quá lỏng lẻo. Giao chức, giao quyền, giao tiền lại không kiểm tra, giám sát, dẫn đến tình trạng lộng quyền, tham nhũng. Cần phải có cơ chế, bộ phận giám sát cán bộ từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Những kẻ tham ô, bán rẻ danh dự phải đấu tranh loại trừ. Phải xem tham nhũng là gây nợ máu với nhân dân”.

Cử tri Nguyễn Văn Giang (phường 4, quận 5) nói rằng, người dân đang trông chờ Thủ tướng chỉ đạo xử lý các đơn vị, cá nhân sai phạm. Đó là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ, gây thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng, làm tăng gánh nặng nợ công, gây xáo trộn xã hội …

“Bây giờ, phá rừng rất nghiêm trọng. Sắp tới, trong ngành kiểm sát chúng tôi sẽ chỉ đạo cứ hành vi này, cáo trạng truy tố sẽ chọn khung hình phạt cao nhất. Nhưng vấn đề quan trọng là phải đồng bộ với quản lý của chính quyền và công an địa phương. Rừng bị phá, không bắt được ai, làm sao mà xử”.

Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí

Trả lời các cử tri, Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí thừa nhận tội phạm tham nhũng bỏ trốn đến những nước có hiệp định dẫn độ, tương trợ tư pháp với Việt Nam thì xử lý tương đối dễ dàng, còn trốn đến các nước chưa có hiệp định, nghe Việt Nam truy bắt điều tra, có hình phạt tử hình là nhiều nước không muốn dẫn độ tội phạm.

Theo ông Trí, tham nhũng còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế vì chi phí tham nhũng gộp vào cơ cấu giá dưới dạng chi phí không chính thức, đội giá thành lên cao.

“Trong xử lý trách nhiệm một số cán bộ, ngay cả chúng tôi cũng nhận thấy cần phải xử lý nghiêm hơn nữa. Ngay như chuyện thu hồi tài sản tham nhũng cũng hạn chế. Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, mình có thói quen để cơ quan thi hành án nghiên cứu bản án mà thu hồi tài sản nên tội phạm có thời gian tẩu tán tài sản ”, ông Trí cho biết.

Người đứng đầu Viện KSNDTC nói thêm: Pháp luật hiện nay chưa quy định người đứng tên tài sản giải trình về nguồn gốc của tài sản và nếu không giải trình được nguồn gốc minh bạch, hợp pháp của tài sản thì có thể bị thu hồi. Vì vậy, các đối tượng tham nhũng thường lợi dụng lỗ hổng này để nhờ người khác đứng tên tài sản tham nhũng.

“Cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật ngày càng chặt chẽ hơn. QH vừa ban hành nhiều đạo luật về quản lý chuyên ngành bịt các lỗ hổng để ngăn chặn tình trạng tham nhũng, gây thất thoát tài sản. Luật Phòng chống tham nhũng đang tổng kết sau 10 năm thực hiện, sắp tới tiếp tục bổ sung, điều chỉnh. Trước đây mình chỉ quan tâm đến tham nhũng khu vực nhà nước nhưng hiện nay tham nhũng khu vực nhà nước và tư nhân đan xen nhau. Còn quyền lực mà không kiểm soát là còn tham nhũng”, ông Trí nói.

Lấy đá ghè chân mình

Theo ông Trí, muốn phát hiện tội phạm nhận hối lộ thì không xử lý người đưa. Xử tội ngang nhau, người đưa hối lộ không dám khai báo. Một số cử tri bày tỏ lo ngại về vấn nạn tội phạm sử dụng ma tuý đá, ma tuý tổng hợp dẫn đến loạn thần, gây án một cách manh động, tàn bạo. Cử tri Trần Thế Hùng (phường 15, quận 5) thắc mắc: QH có cho làm mạnh không? Cần có chính sách mạnh tay đối với tội phạm ma tuý.

Người đứng đầu Viện KSNDTC cho biết khi thảo luận Bộ luật Hình sự (sửa đổi), các cơ quan chuyên môn và các ĐBQH tranh cãi quyết liệt là có giám định hàm lượng tinh chất ma tuý hay không. Theo Bộ luật Hình sự năm 1999, không giám định hàm lượng tinh chất, chỉ tính theo khối lượng ma tuý bắt được như heroin, thuốc phiện, cocain…

Tuy nhiên, trong quá trình xử, ngành toà án băn khoăn là những hành vi áp dụng hình phạt nghiêm khắc như tù chung thân, tử hình sợ sẽ bị oan nên bổ sung điều khoản “trường hợp cần thiết thì giám định hàm lượng tinh chất để xử lý tội phạm”. Quy định trên dẫn đến có trường hợp hình phạt lúc đầu là bị tử hình được giảm xuống dưới 20 năm.

“Ngành kiểm sát và công an không muốn giám định. Là Viện trưởng Viện KSNDTC, tôi nói thẳng tội phạm không quan tâm đến tinh chất, chỉ quan tâm đến số lượng ma tuý bao nhiêu để tính tiền mà mình lại tính tinh chất. Bộ máy, phương tiện máy móc để giám định không phải lúc nào cũng kịp thời và có thể giám định được. Bắt tạm giam, tạm giữ có lịch, có ngày. Khi giám định, cơ chế thực hiện quy định bao lâu phải trả lời kết quả. Đến ngày mà kết quả chưa có, tiếp tục giữ đối tượng là vi phạm luật, không khéo phải thả ra”, ông Trí nói.

Theo Huy Thịnh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên