Tài sản, thu nhập của quan chức: Không giải trình được, thu hồi ngay?
Góp ý vào dự thảo Luật PCTN, nhiều ý kiến đề nghị với tài sản thu nhập không giải trình được thì thu hồi ngay không cần khởi kiện vụ án dân sự
- 17-07-2016Kê khai tài sản cán bộ: Đừng trông chờ sự "tự giác"!
- 10-07-2016Giám sát, kiểm tra kê khai tài sản: Bước chuyển cho công tác phòng, chống tham nhũng
- 25-06-2016Thiếu cơ chế kiểm soát, cán bộ kê khai tài sản vẫn chỉ để...cho đẹp
- 16-04-2016Kê khai tài sản: Làm cho có?
Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý được Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổng hợp từ ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành đối với dự thảo Luật Phòng chống Tham nhũng (PCTN).
Tập trung kiểm soát tài sản của người đứng đầu
Theo TTCP, kết quả đánh giá 10 năm thực hiện Luật PCTN đã chỉ ra những bất cập trong các quy định của Luật, đáng chú ý là các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập và còn vướng mắc về trình tự, thủ tục công khai bản kê khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập khi có yêu cầu; thiếu quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý...
Để khắc phục những hạn chế, Ban soạn thảo luật PCTN sửa đổi đã dành một chương (Chương III, từ Điều 38- Điều 69) quy định về “Minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập” nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính. Đây cũng là vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là đối với việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn.
Góp ý về “đối tượng kê khai tài sản, thu nhập” (Điều 42 dự thảo), có 4 ý kiến đề nghị bỏ “công chức xã, phường, thị trấn và người được bổ nhiệm vào ngạch công chức…” ra khỏi danh sách cần phải kê khai tài sản, thu nhập vì những đối tượng này không có thẩm quyền quyết định, khó có cơ hội tham nhũng…
Đồng quan điểm, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Bình Phước, Hà Nội cho rằng cần thu hẹp đối tượng kê khai để đảm bảo kiểm soát hiệu quả và đề nghị tập trung vào đối tượng là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị xã hội; các chức danh bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, người có chức vụ cao hoặc làm việc ở những lĩnh vực hay xảy ra tham nhũng.
Công khai lên phương tiện thông tin đại chúng
Cũng theo TTCP, có 36 ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương về quy định “công khai bản kê khai”, trong đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị bổ sung quy định việc công khai tài sản, thu nhập của các lãnh đạo chủ chốt lên các phương tiện thông tin đại chúng để cả xã hội giám sát nhằm nâng cao được trách nhiệm giải trình, sự liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp cho rằng, cần cân nhắc sự cần thiết xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bản kê khai tài sản, thu nhập, cũng như cách thức quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu này để đảm bảo quyền bí mật riêng tư, bí mật gia đình của cá nhân đã được Hiến pháp và Luật Tiếp cận thông tin quy định. Bộ Tư pháp đề nghị hệ thống dữ liệu về bản kê khai tài sản, thu nhập chỉ nên được quản lý tại cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập và được trích xuất trong trường hợp cần thiết.
Đối với quy định “nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập”, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đề nghị: Người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý thì ngoài việc kê khai tài sản của mình thì còn phải kê khai tài sản thuộc sở hữu của vợ (chồng), cha mẹ đẻ (cha mẹ nuôi), con đẻ (con nuôi); còn với người không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý thì chỉ kê khai tài sản của mình. Cơ quan này cũng nêu quan điểm, để đảm bảo việc kê khai được thực chất thì nên có quy định phần giải trình nguồn gốc tài sản ngay từ lúc kê khai lần đầu.
Đóng góp ý kiến, Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình đề nghị: Đối với tài sản thu nhập không giải trình được thì thu hồi ngay mà không cần khởi kiện vụ án dân sự như dự thảo quy định. Còn UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc tài sản hoặc tài sản tăng thêm thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra xác minh...
Cơ quan nào kiểm soát tài sản của người kê khai?
Cũng theo TTCP, để khắc phục hạn chế hiện nay khi giao cho cơ quan quản lý người có nghĩa vụ kê khai đồng thời quản lý bản kê khai và xác minh tài sản, thu nhập, làm cho việc kê khai rất hình thức, thực chất không giúp kiểm soát được biến động về tài sản, thu nhập, dự thảo Luật PCTN đã quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm: Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước…
Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người có nghĩa vụ kê khai được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên công tác tại các Ban của Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước và cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước.
TTCP kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đơn vị sự nghiệp, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập…