Tại sao 40 nhân tài ở Đà Nẵng xin nghỉ việc dù phải đền tiền tỷ?
Đề án 922 được Đà Nẵng triển khai từ năm 2006. Đến nay, 460 người tham gia đã tốt nghiệp, trong đó 375 người đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP.
- 22-05-201840 'nhân tài' ở Đà Nẵng xin thôi việc
- 21-05-2018Đà Nẵng khởi kiện 32 nhân tài vi phạm hợp đồng
- 01-10-2016Đà Nẵng đề xuất “chuyển nhượng” nhân tài
Theo thông tin trên báo VnExpress, tính đến tháng 5/2018, đã có 93 người đã rút khỏi Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922).
Trong đó, 40 người đã xin thôi việc chấp nhận đền bù tiền tỷ với các lý do đoàn tụ gia đình, sức khỏe không tốt, hoặc muốn tìm công việc khác. 47 học viên vi phạm hợp đồng (chủ yếu không đạt kết quả theo yêu cầu của Đề án).
Bà Dương Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (trực thuộc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng) cho biết với báo trên, nhân tài xin thôi việc phần lớn ở các sở, ngành.
Không chỉ học viên Đề án 922 ở Sở Kế hoạch xin ra khỏi Đề án, 4 người theo diện thu hút nhân tài cũng xin thôi việc.
Theo bà Hằng, nhiều người xin nghỉ để "tìm cơ hội mới theo sở thích cá nhân".
Cũng chia sẻ với báo VnExpress, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ nói "40 nhân tài xin nghỉ việc đa số đang làm việc hợp đồng".
Nói về việc đền bù tiền ngân sách, ông Đồng nói: "Như trước đây họ nhận một tỷ, thì bây giờ chỉ phải bồi hoàn một tỷ đồng. Học phí các học viên đã nhận là tiền thuế của dân, nên phải bồi hoàn. Những người vi phạm hợp đồng vẫn được lợi vì đồng tiền đã trượt giá".
Trước bất cập trên, sáng 23/5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, tới đây sẽ giao cho Ban Tổ chức, Bộ Nội vụ và Ban Công tác đại biểu xây dựng đề án theo hướng để cán bộ, công chức yên tâm cống hiến cho sự nghiệp chung.
Về chế độ đãi ngộ cán bộ, công chức quá thấp, không đáp ứng điều kiện sống, theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Nghị quyết cải cách về tiền lương hiện nay đã được ban hành, ghi nhận trên báo Dân trí.
Khu vực một cửa tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng. Ảnh: PLO
Cũng trao đổi bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, ĐB Dương Trung Quốc đánh giá: "Đà Nẵng đang ở trong thời kỳ khủng hoảng được gọi là ‘cơn sốt vỡ ra’ sau một thời gian phát triển, nảy sinh những vấn đề cần giải quyết hết sức cụ thể như vấn đề cán bộ, chính sách".
Theo ông Quốc, dường như lâu nay chúng ta có hệ thống giá trị sai về nhân tài. Chẳng hạn như ta hoàn toàn phụ thuộc yếu tố bằng cấp dù bằng cấp rất quan trọng. Nhân tài ở đây không phải chỉ những người xuất chúng.
"Nhân tài mà theo quan niệm cổ điển, dùng người nào đúng việc đấy, họ được hưởng thụ tương xứng với đóng góp của họ, đấy là sử dụng nhân tài. Chứ sử dụng nhân tài không phải thu hút về lượng lớn tiến sĩ, những nhà khoa học mà không được làm khoa học thì đó là cách sử dụng lãng phí chứ đừng nói hiệu quả", báo Vietnamnet ghi lời ĐB Quốc.
Thời Đại