MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao bãi biển Đà Nẵng liên tục bị sạt lở?

13-03-2017 - 08:32 AM | Xã hội

Lãnh đạo Sở Tài nguyên môi trường Đà Nẵng khẳng định việc bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng là do các yếu tố tự nhiên nhưng các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là do con người.

Chính quyền nói do tự nhiên

Bãi biển Đà Nẵng , một trong những bãi biển từng được bình chọn đẹp nhất hành tinh, đang bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng. Tình trạng này xuất hiện từ tết nguyên đán 2017 đến nay và vẫn đang tiếp diễn.

Nhiều đoạn bờ biển bị nước lấn sâu vào đất liền tạo nên các ao xoáy, cây cối bị bật rễ. Một số vị trí bờ biển bị sóng ngoạm vào đất liền đến hơn 20m.

Sóng biển còn cuốn cả vật dụng kinh doanh của các điểm phục vụ du khách. Đây là lần đầu tiên biển Đà Nẵng bị xâm thực mạnh gây sạt lở như vậy.

Tình trạng sạt lở bờ biển Đà Nẵng khá nghiêm trọng
Tình trạng sạt lở bờ biển Đà Nẵng khá nghiêm trọng

Tinh trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng khiến đích thân ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đi thị sạt hiện trường và chỉ đạo khắc phục.

Ông Nguyễn Xuân Anh đề nghị các ngành chức năng tìm hiểu nguyên nhân sự việc. Bí thư Đà Nẵng cũng cho rằng, biển Đà Nẵng là tài sản vô giá, tình trạng sạt lở có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp du lịch.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, rất lo lắng trước tình trạng biển Đà Nẵng sạt lở và đích thân đi kiểm tra
Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, rất lo lắng trước tình trạng biển Đà Nẵng sạt lở và đích thân đi kiểm tra

Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Đà Nẵng, cho biết tình trạng sạt lở bờ biển đang diễn ra là do nguyên nhân tự nhiên.

Cụ thể, ông Nam cho rằng đây là thời điểm dòng chảy theo mùa thay đổi bất thường, do dòng Rip (dòng nước chảy rút xa bờ) và địa hình đáy biển không đồng nhất. Cả 3 nguyên nhân trên cùng xuất hiện khiến biển bị sạt lở.

"Vị trí biển xảy ra sạt lở không có công trình xây dựng nên không thể nói do con người gây ra", ông Nam khẳng định với Bí thư Nguyễn Xuân Anh.

Nhà khoa học lên tiếng

Trao đổi với PV, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng khoa Môi trường và công nghệ hóa – Trường Đại học Duy Tân, nhận định đây là sự việc bất thường.

"Chúng tôi đã có những khảo sát cụ thể tại các vị trí sạt lở ngay khi hiện tượng này vừa mới bắt đầu. Các ngư dân sống ven bờ biển hàng chục năm qua cũng khẳng định việc sạt lở hàng năm là có nhưng chưa bao giờ thấy biển Đà Nẵng bị sạt lở nghiêm trọng như hiện nay", Tiến sĩ Phương nói.

Theo bà Phương, những nguyên nhân gây nên hiện tượng sạt lở mà Sở Tài nguyên môi trường Đà Nẵng đưa ra chỉ đúng một phần rất nhỏ.

Nguyên nhân của tình trạng này là do tự nhiên hay do các công trình xây dựng?
Nguyên nhân của tình trạng này là do tự nhiên hay do các công trình xây dựng?

"Những nguyên nhân tự nhiên đó góp phần cho việc sạt lở xảy ra nhanh hơn chứ không phải nguyên nhân chính. Các hiện tượng đó có từ hàng chục năm qua nhưng tại sao đến bây giờ biển Đà Nẵng mới bị như vậy? Đó mới là vấn đề?", bà Phương đặt câu hỏi.

Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Duy Tân đã tiến hành khảo sát những khu vực xảy ra sạt lở. Theo khảo sát thì ở các điểm đó không hề có công trình nào đang xây dựng trên bãi biển. Tuy nhiên, bà Phương cùng nhóm của mình nhận định những công trình xây dựng trên đường Võ Nguyên Giáp chạy dọc bờ biển là nguyên nhân.

"Những vị trí sạt lở nghiêm trọng nhất là từ giao lộ Nguyễn Văn Thoại – Võ Nguyên Giáp đến giao lộ Ngô Thì Sĩ – Võ Nguyên Giáp. Chạy dọc theo đoạn đường này là rất, rất nhiều công trình xây dựng đang được thi công mọc san sát nhau.

Những công trình này cách bờ biển chưa đến 100m. Việc thi công các tòa nhà cao tầng phải đào móng sâu và bơm nước ngầm lên quá nhiều.

Việc bơm nước dẫn đến yếu tầng nền và tạo điều kiện cho nước biển (phía đối diện con đường) xâm thực vào. Đây là nguyên nhân chính và kết hợp với các yếu tố tự nhiên dẫn đến sạt lở nghiêm trọng", bà Phương nhận định.

Một công trình xây dựng cao tầng đối diện, có khoảng cách chưa đến 100m với vị trí sạt lở nghiêm trọng trên bờ biển Đà Nẵng
Một công trình xây dựng cao tầng đối diện, có khoảng cách chưa đến 100m với vị trí sạt lở nghiêm trọng trên bờ biển Đà Nẵng

Theo bà Phương, việc bơm nước ngầm quá nhiều sẽ gây ra sạt lở. Đây là cơ sở khoa học đã được chứng minh và là kiến thức phổ thông mà mọi sinh viên theo học ngành môi trường biển hoặc địa chất đều nắm rõ.

"Tôi hy vọng ý kiến của mình sẽ được lãnh đạo TP Đà Nẵng lắng nghe. Chúng tôi cần được tạo điều kiện để nghiên cứu kỹ hơn và đưa ra kết luận cuối cùng. Thời gian nghiên cứu sẽ không tốn quá nhiều thời gian và có thể sẽ cứu được biển Đà Nẵng.

Bãi biển Cửa Đại (Hội An) đã bị sạt lở, tàn phá hoàn toàn. Tôi nghĩ rằng Đà Nẵng phải coi đó là bài học để ứng xử với tình hình hiện nay", bà Phương đề xuất.

Theo Đình Thức

Trí thức trẻ

Trở lên trên