Tại sao Brexit chưa hủy hoại nền kinh tế Anh?
3 tháng sau ngày bỏ phiếu rời EU, nhiều người Anh lại cảm thấy chưa bao giờ tình hình tốt đến vậy.
- 24-08-2016Hậu Brexit: Những tín hiệu tăng trưởng tích cực từ kinh tế Anh
- 21-08-2016Kinh tế Anh không bị tác động nhiều sau quyết định rời khỏi EU
- 28-07-2016Thống kê chính thức đầu tiên về sức khỏe kinh tế Anh hậu Brexit
Trang mạng "Politico" mới đây đã có bài bình luận với tiêu đề: “Tại sao Brexit chưa hủy hoại nền kinh tế Anh?”.
Theo bài viết, sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là vấn đề Brexit, đã có nhiều ý kiến nói về thời kỳ suy thoái của nền kinh tế Anh hậu Brexit, thế nhưng cho tới nay, gần 3 tháng sau ngày bỏ phiếu quyết định rời EU, nhiều người Anh lại cảm thấy chưa bao giờ tình hình lại tốt đến như vậy.
Không hề bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn do kết quả cuộc trưng cầu dân ý, nền kinh tế Anh đã khởi sắc suốt ba tháng qua, nhờ vào sức tiêu dùng mạnh mẽ, sự cải thiện lớn về sản xuất công nghiệp và đầu tư kinh doanh. Và bức tranh vẫn rất sáng sủa, dù chưa hẳn toàn màu hồng, với các số liệu ban đầu cho thấy sản xuất và dịch vụ vẫn ổn định, doanh thu bán lẻ cao hơn dự kiến.
Điều gì đã diễn ra?
John Redwood, một thành viên đảng Bảo thủ phản đối việc tham gia EU, nói: “Tôi không thấy những yếu tố để Brexit có thể gây ra suy thoái ở Anh”.
Nền kinh tế Anh đã không đổ nhào sau ngày 23/6 nhờ sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh sẵn có, sự hòa hợp chính trị mau lẹ và phản ứng hợp lý của Ngân hàng Trung ương Anh. Theo Ngân hàng ING của Hà Lan, năm 2015, Anh là một trong những nền kinh tế hiệu quả nhất trong các nước phát triển, ghi dấu mức tăng trưởng 2,3%, chỉ kém chút ít so với Mỹ (2,4%) song cao hơn hẳn mức 1,6% của khu vực đồng euro. Tỷ lệ việc làm tăng cao tới mức chưa từng thấy trong hơn một thập kỷ, trong khi tỷ lệ lãi suất thấp và lạm phát còn thấp hơn kích thích thị trường nhà ở và mua bán tiêu dùng phát triển.
Các nhà kinh tế nói rằng khi một nền kinh tế tăng trưởng như thế thì rất khó có thể làm nó bị trật bánh, một phần là bởi nhiều quyết định đầu tư và chi tiêu đã được chốt về dài hạn. Ví dụ, các công ty thường chọn giảm lợi nhuận, rút thêm tiền dự trữ hoặc nâng giá hơn là phải cắt giảm lực lượng lao động hoặc thay đổi các quyết định đầu tư. Còn các cá nhân rất ghét phải thay đổi cách thức chi tiêu của mình trừ phi có điều gì xảy ra làm thay đổi cuộc sống của họ, như việc bị sa thải.
Những diễn biến chính trị cũng có phần đóng góp. Thay vì rơi vào những tháng ngày cãi vã xung đột, đảng Bảo thủ cầm quyền đã nhanh chóng để Thủ tướng bị thua cuộc trong cuộc trưng cầu dân ý, ông David Cameron ra đi và bổ nhiệm bà Theresa May thay thế trong vòng có vài ngày. Bà May, là người ủng hộ việc "ở lại" trước cuộc bỏ phiếu, đã thành lập một nội các xem ra cân bằng quan điểm "ra đi" – có ba nhân vật then chốt ủng hộ Brexit được giao các vị trí quan trọng – với chủ nghĩa thực dụng rất cần thiết để đạt được một thỏa thuận ra khỏi EU.
Jean-Michel Six, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi thuộc hãng Standard & Poor’s, nói: “Nhiều người đã dự đoán đảng Bảo thủ sẽ nổ tung. Điều đó đã không xảy ra. Đảng Bảo thủ thể hiện khả năng bước tiếp một cách đáng kinh ngạc, quên luôn ông Cameron và chỉ định một Thủ tướng mới gây ấn tượng cho các thị trường và dư luận. Điều đó đã rất thuyết phục”.
Tới tháng 8/2016, Ngân hàng Trung ương Anh tiếp tục cải thiện tình hình khi tiến hành “mọi điều có thể” cho nền kinh tế, khiến cho đồng bảng Anh yếu đi, giúp đẩy mạnh xuất khẩu và du lịch. Đợt cắt giảm lãi suất lần đầu tiên của ngân hàng kể từ năm 2009, cùng với nhiều biện pháp kích thích khác, cũng đem tới một thông điệp mạnh mẽ cho các thị trường, công ty và người tiêu dùng, kiểu như: các giới chức phụ trách tiền tệ của đất nước này sẽ không khoanh tay đứng nhìn và để mặc cho Brexit phá nát nền kinh tế.
Những thời điểm khó khăn còn ở phía trước
Tuy nhiên, không phải mọi chỉ số vẫn tiếp tục hướng lên. Về tiêu dùng, doanh thu các khu vực thương mại đã bị ảnh hưởng sau khi vẫn đứng vững trong tháng 7/2016, giảm 1,5% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước. Về lĩnh vực kinh doanh, một cuộc điều tra xu hướng công nghiệp của Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) hồi tháng 7 đã cho thấy sự lạc quan về tình hình kinh doanh trong quý trước đã giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 1/2009. CBI cũng thấy rằng mong muốn đầu tư của các công ty vào xây dựng và sản xuất đã giảm mạnh.
Điều mà các nhà kinh tế dường như đã mắc sai lầm đó là thời điểm diễn ra sự giảm tốc do Brexit. Thay vì lo ngại về các khoản đầu tư và việc thắt lưng buộc bụng ngay sau cuộc bỏ phiếu, người dân Anh đã nhàn nhã hưởng một mùa hè với thời tiết khá đẹp, một kỳ Thế vận hội Olympic thành công và nhân tình hình chính trị và tài chính vẫn êm đẹp để tiếp tục chi tiêu. Song điều đó chỉ làm chậm lại cái ngày phải trả giá về kinh tế. Một làn sóng bất ổn sắp sửa phá vỡ hiện trạng kinh tế chính trị ở Anh khi đất nước này bắt đầu các cuộc đàm phán khó khăn về tương lai quan hệ của mình với EU.
Theo quan điểm của Kathrin Muehlbronner, nhà phân tích hàng đầu ở hãng Moody’s Investors Service, người tiêu dùng Anh sẽ bắt đầu cảm nhận được tác động của sự suy thoái sau Brexit chỉ khi thị trường việc làm bị suy yếu, điều mà có lẽ sẽ xảy ra vào năm tới.
Tác động ít gay gắt nhưng kéo dài
Thực ra, một số nhà kinh tế, như James Knightley ở ngân hàng ING, vẫn dự đoán về Brecession (suy thoái hậu Brexit) sẽ diễn ra vào năm 2017. Chuyên gia Robert Wood ở Ngân hàng Mỹ đã viết: “Tăng trưởng giảm có vẻ không mạnh như ta chờ đợi song có thể kéo dài”. Nó phụ thuộc nhiều vào cách hành động của người ngoài cuộc.
Không phải là những lao động nước ngoài mà những người Anh ủng hộ Brexit muốn ngăn chặn mà là những nhà đầu tư nước ngoài như các công ty xe hơi Nhật Bản hay các nhà mua bán bất động sản Trung Quốc đã đổ tiền để Anh lấp kín thâm hụt tài chính hiện thời. Khi nghi ngại về quan hệ Anh với EU tăng lên, nhiều người dự đoán tiền nước ngoài sẽ không đổ vào, khiến nước Anh khó mà “dựa vào lòng tốt của người ngoài” được nữa.
Rõ ràng, các nhà hoạch định chính sách của Anh có thể, và sẽ, cố gắng ngăn chặn những tác động tiêu cực này. Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammon dự kiến sẽ công bố các biện pháp tài chính đầu tiên của mình vào ngày 23/11 và chắc chắn phải thay đổi chính sách thắt lưng buộc bụng của cựu Bộ trưởng Tài chính George Osborne, bổ sung các kế hoạch cắt giảm thuế và kế hoạch chi tiêu để kích thích nền kinh tế. Và Ngân hàng Anh có thể tiếp tục giảm lãi suất và bổ sung mua trái phiếu, theo con đường mà Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã đi trước.
Song những động thái này có thể vẫn chưa đủ để ngăn nền kinh tế đã có thời khởi sắc khỏi nguy cơ bế tắc. Ngay cả bà May cũng thừa nhận rằng “có thể những thời điểm khó khăn còn ở phía trước”.
Theo TTXVN/Báo tin tức