Ông Đặng Hùng Võ: Bê trễ trong quản lý đất đai gây thất thoát lớn cho tài sản Nhà nước
Phần giá trị mà Nhà nước mất đi hoặc sẽ rơi toàn bộ vào tay chủ đầu tư nếu không có tham nhũng hoặc được san sẻ giữa nhà đầu tư và những người có thẩm quyền, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT chỉ ra một quy tắc đang diễn ra.
- 19-10-2017Chỉ định thầu đối với dự án BT khiến “người bán không có sản phẩm, người mua không có cái để so sánh”
- 19-07-2012Hà Nội vẫn chưa kết luận về “sai phạm nghìn tỷ” tại các dự án BT
Luật Đất đai đang tồn tại nhiều lỗ hổng lớn. Một trong những vấn đề được chỉ ra liên quan đến các dự án BT – đổi đất lấy hạ tầng.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, Luật Đất đai vốn có vai trò rất quan trọng trong thực hiện dự án BT nhưng thực chất, Luật này chỉ quy định về thẩm quyền giao đất chứ không quy định về giá đất. Trong khi vấn đề này lại là điểm mấu chốt.
"Cái người ta cần về BT là định giá chứ không phải thẩm quyền giao đất. Luật không quy định ai là người có trách nhiệm kiểm toán giá trị đất đai, công trình nhà đầu tư đã làm. Đây là lỗ hổng dẫn đến sự bê trễ trong quản lý các dự án BT hiện nay", nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nói và nhấn mạnh cách thức quản lý giá trị đất trong Luật Đất đai 2013 đang cực kỳ yếu kém.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng có chung quan điểm liên quan đến giá đất trong những dự án BT.
Theo ông, việc thực hiện theo giá UBND cấp tỉnh ban hành là thấp hơn rất nhiều so với giá của thị trường, gây thất thoát, lãng phí đất đai thuộc sở hữu toàn dân, làm lợi cho nhà đầu tư và một số người có chức, có quyền thông qua cơ chế xin cho.
Ví dụ đối với các dự án BT, giá công trình là giá giao cho chủ đầu tư tự lập rồi mới thẩm định, xét duyệt không thông qua đấu thầu. Khi giao đất lại không đấu giá mà chủ yếu giao theo khung do UBND tỉnh ban hành "lại còn giảm hệ số cơ chế xin – cho" khiến Nhà nước thiệt cả 2 đầu còn nhà đầu tư lợi cả 2 đầu.
"Cơ chế này tạo điều kiện cho tham ô, tham nhũng mà hoàng loạt vụ án đang và sẽ xét xử liên quan đến đất đai", ông Hùng nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, công ty Luật BASICO thì nói rằng kẽ hở lớn nhất trong các dự án BT là cái gì cũng đúng luật, nhưng "đúng một cách nguy hiểm và sai trái". Ông giải thích dự án BT khác hoàn toàn các dự án khác do giá trị của đất sẽ tăng khác biệt, vô cùng lớn trong tương lai. Vì vậy, ông Đức nhận định cần phải xác định được giá trị của đất theo thị trường. Thậm chí, nhà đầu tư trong một số trường hợp, để tham gia phải chấp nhận trả một mức giá rất cao chứ không nên như hiện tại, tức là bất cứ ai cũng được quyền tham gia.
Việc không xác định được giá trị thực của đất khiến cho Nhà nước bị thất thoát tài sản, theo ông Đặng Hùng Võ. Đặt ra vấn đề "tiền sẽ về túi ai", ông Võ chỉ ra một nguyên tắc: nếu không có tham nhũng, tiền sẽ rơi vào túi nhà đầu tư và ở trường hợp ngược lại, phần giá trị này sẽ được chia sẻ với những người có thẩm quyền. "Đây là quy tắc rất bình thường", ông nói.
Chính bởi vậy, ông Võ cho rằng một trong những điểm cần phải sửa đổi trong Luật Đất đai lần này là phải có cách xác định được giá trị thực của đất. Ông nhấn mạnh, đất đai thuộc thẩm quyền nhà nước thì phần giá trị phải đi vào ngân sách, nhất là trong tình trạng ngân sách Nhà nước đang thiếu nguồn cung, nợ công cao…
"Nếu để xổng mất giá trị đất đai như thế này thì đây chắc chắn là một câu chuyện buồn", ông Đặng Hùng Võ cho biết.