MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao các sếp thường thích những nhân viên lạc quan?

11-01-2021 - 07:09 AM | Sống

Tại sao các sếp thường thích những nhân viên lạc quan?

Người lạc quan dễ tìm được việc hơn.

Tôi là một nhà nghiên cứu về hạnh phúc, bạn có thể nghĩ rằng tôi cố gắng giúp mọi người loại bỏ những điều bất hạnh trong sự nghiệp của họ. Nhưng sự bất hạnh thực sự đóng một chức năng quan trọng, báo hiệu bạn cần phải thay đổi. Nó thúc đẩy chúng ta chuyển công ty hoặc ngành nghề, thậm chí chỉ thúc đẩy chúng ta bí mật cập nhật sơ yếu lý lịch của mình ở nhà. Thật hạnh phúc khi tôi nhảy việc từ kỹ sư máy tính sang làm ở đài tin tức quốc gia CBS và cho đến bây giờ, tôi là một nhà nghiên cứu tâm lý tích cực.

Nhưng đây là điều đáng bàn: Chuyện buồn lặp đi lặp lại cũng có thể thúc giục chúng ta tìm kiếm thứ gì đó phù hợp hơn, nhưng như vậy thì chúng ta không vui bằng chủ đích theo đuổi nó. Từ quan điểm khoa học, một tư duy tích cực, lạc quan là nguồn cung cấp nhiên liệu tốt hơn cho cuộc hành trình, tốt hơn là bất mãn hay tiêu cực rồi tìm kiếm một con đường mới.

Suy nghĩ lạc quan tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta trong những thời điểm không chắc chắn, thúc đẩy chúng ta hành động theo hướng tích cực. Lý do là những người lạc quan thường mong đợi những điều tốt đẹp sẽ xảy ra khi đối mặt với thách thức, và quan trọng nhất là: họ tin rằng hành vi của họ có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra thay đổi tích cực.

Khi tư vấn cho những người bị mất việc, chúng tôi gần như có thể xác định ngay lập tức ai là người lạc quan: Họ mau chóng tìm một công việc mới bởi vì họ tin rằng những điều tiêu cực chỉ là tạm thời; họ cập nhật sơ yếu lý lịch của mình, lên LinkedIn và kết nối với các đồng nghiệp cũ để tìm cơ hội. Những người bi quan cũng có những hành vi đó, nhưng thường mất nhiều thời gian hơn và ít nhiệt tình hơn. Điều này ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

Sự lạc quan cũng rất hữu ích trong quá trình phỏng vấn, các ứng viên sẽ tỏ ra dễ mến và có năng lực hơn. Khi nhà tuyển dụng hỏi về một thách thức gần đây và cách bạn giải quyết nó, thì cách bạn trả lời sẽ cho biết hiệu suất của bạn trong tương lai. Tôi hay nói với các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm nhân viên lạc quan rằng: chỉ cần lắng nghe cách mọi người trả lời câu hỏi đó và bạn sẽ biết ai là người lạc quan. Những người lạc quan tập trung vào các khía cạnh tích cực của công việc và các lĩnh vực mà họ có quyền kiểm soát nhiều hơn. Nếu một người phỏng vấn đưa ra câu trả tập trung vào các giải pháp thay vì chỉ thảo luận về vấn đề, thì người đó xứng đáng được vào vòng hai.

Khi chúng ta tìm được một công việc mới, sự lạc quan cũng sẽ mang lại lợi ích. Nghiên cứu của tôi đã phát hiện ra rằng những người lạc quan trong công việc có nguy cơ kiệt sức thấp hơn 5 lần so với những người bi quan, và nhiệt tình làm việc hơn gấp 3 lần. Trong một nghiên cứu được thực hiện tại MetLife, các nhà nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania phát hiện ra rằng các nhân viên bán hàng lạc quan bán hàng tốt hơn những người bi quan tới 37%. Những người lạc quan cũng được cho là kiếm được nhiều tiền hơn trong suốt sự nghiệp và hài lòng hơn với con đường của họ hơn.

Khía cạnh hay nhất từ nghiên cứu về sự lạc quan là: tư duy của chúng ta rất dễ uốn nắn - giống như cơ bắp, chúng ta có thể tập luyện để phát triển nó. Tư duy của chúng ta không chỉ đơn thuần là kết quả của bộ gen và sự giáo dục. Nếu bạn tập trung vào những điều tích cực, có ý nghĩa của cuộc sống và những điểm mạnh của bản thân, bạn có thể đào tạo bộ não một cách khoa học, để mặc định nó phải suy nghĩ theo hướng tích cực.

Ba thói quen hàng ngày mà chúng tôi đã nghiên cứu và nhận thấy vô cùng hiệu quả trong việc xây dựng sự lạc quan là: nghĩ về ba điều cụ thể mà bạn biết ơn mỗi ngày; gửi email tích cực cho người lạ vào mỗi buổi sáng để khen ngợi hoặc cảm ơn họ; và dành vài phút mỗi ngày viết về khoảnh khắc ý nghĩa nhất trong 24 giờ qua.

Thay vì tập trung vào những điều phức tạp, lời phàn nàn và khó chịu, những hành động đơn giản này sẽ định hướng lại bộ não của chúng ta, giúp chúng ta sống có ý nghĩa và biết ơn. Những bài tập này rất có ích trong lúc chúng ta đang chờ đợi, nhưng nó cũng giúp chúng ta vun đắp hạnh phúc, thành công trong công việc mới.

Nguồn: HBR

Theo Mai Lâm

Doanh nghiệp & Tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên