MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao châu Á đang trở thành thị trường trọng yếu của Netflix?

21-12-2020 - 14:23 PM | Doanh nghiệp

Tại sao châu Á đang trở thành thị trường trọng yếu của Netflix?

Khi tốc độ tăng trưởng ở Mỹ chững lại, Netflix đang đặt sự quan tâm của mình đến một khu vực khác trên thế giới: Châu Á.

Vào đầu tháng 12, Bloomberg đưa tin rằng Netflix sẽ tăng gấp đôi đầu tư vào châu Á trong năm 2021. Công ty này đã chi khoảng 2 tỷ USD cho nội dung trong khu vực này kể từ năm 2018. Trước thời kỳ đại dịch COVID-19, Netflix đang trên đà chi hơn 17 tỷ USD trên toàn cầu trong năm nay, phần lớn khoản chi này là cho thị trường Mỹ nơi có nhiều người đăng ký nhất.

Nhưng vì Netflix đã cung cấp dịch vụ phát trực tuyến nội dung theo yêu cầu ở Mỹ từ cách đây hơn một thập kỷ, nên thị trường này đang gần như bão hòa. Trong số 4 khu vực chính của Netflix, bao gồm Mỹ, châu Âu và châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ đang phát triển với tốc độ chậm nhất. Một nguyên nhân được cho là sự ra mắt của các dịch vụ cạnh tranh như Disney+.

Ngược lại, thị trường châu Á của Netflix lại đang mở rộng nhanh nhất và còn nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển. Đây cũng là khu vực nơi Netflix chào đón thêm hơn 1 triệu người đăng ký trả tiền trong quý gần nhất. Kể cả khi các lệnh phong tỏa kết thúc và người dùng trong khu vực sử dụng nhiều thời gian ngoài trời hơn, Netflix vẫn tiếp tục củng cố vị thế của mình ở châu Á so với các thị trường khác.

Sự tăng trưởng đang được thúc đẩy bởi sự gia tăng của băng thông rộng và điện thoại thông minh ở các quốc gia như Ấn Độ, nơi Netflix có quan hệ đối tác với gã khổng lồ viễn thông Reliance Jio để cung cấp đăng ký phát trực tuyến cho các thành viên của một số gói điện thoại nhất định. 

Một gói đăng ký Netflix ở một số quốc gia châu Á thường có giá dưới 5 USD/tháng, trong khi đó, gói phổ biến nhất của nó ở Mỹ là 14 USD/tháng. Điều đó đã giúp thúc đẩy sự phát triển của Netflix trong khu vực, nhưng cũng có nghĩa là nó tạo ra ít doanh thu trên mỗi người dùng ở châu Á hơn so với các địa điểm khác.

Netflix đầu tư nhiều hơn vào châu Á do sức hấp dẫn toàn cầu ngày càng tăng đối với những nội dung được sản xuất ở lục địa này, đặc biệt là ở Hàn Quốc. Dịch vụ phát trực tuyến này gần đây đã mua ba bộ phim Hàn Quốc ban đầu được dự định sẽ chiếu tại rạp. Đồng thời, Netflix tiếp tục chi tiêu cho sản xuất nội dung ở Hàn Quốc và nó hy vọng điều này sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng đăng ký trong nước mà còn có thể giúp thu hút người dùng ở mọi nơi khác.

Khoản đầu tư của gã khổng lồ phát trực tuyến ở châu Á là một đòn phủ đầu với đối thủ phát trực tuyến mới của họ, bao gồm cả Disney+. Dịch vụ phát trực tuyến của Disney đã ra mắt các phiên bản ở Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia, nhưng chưa có ở Philippines, Việt Nam, Thái Lan hoặc Hàn Quốc. Cả Netflix và Disney + đều không thể truy cập hợp pháp ở Trung Quốc đại lục.

Mặc dù đã đầu tư rất nhiều vào thị trường châu Á, Netflix vẫn chưa thể phát huy được hết tiềm năng tại khu vực này. Công ty này mới chỉ đạt 23,5 triệu người đăng ký ở châu Á, tương đương 2/3 số người đăng ký trả tiền ở Mỹ. Trong khi đó, ngay cả khi không bao gồm Trung Quốc, châu Á với dân số 2,9 tỷ người chiếm tới hơn 1/3 tổng dân số thế giới. 

Netflix có 36 triệu người đăng ký ở Mỹ Latinh và 62 triệu người ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Theo chia sẻ của Tony Zameczkowski, Phó chủ tịch phát triển kinh doanh của Netflix tại APAC, với CNBC vào tháng trước, thì Netflix vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu trong cuộc hành trình chinh phục châu Á. 

K Nguyễn

Nguồn: Quartz, Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên