Tại sao chứng khoán giảm điểm mạnh khi FED tăng lãi suất lần này?
Theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường chứng khoán giảm mạnh do nhà đầu tư lo rằng nếu FED tiếp tục quan điểm “Diều hâu” mà không đúng liều lượng, kém linh hoạt thì có thể dẫn đến hiện tượng “đình lạm”.
- 22-09-2022Thủ tướng chỉ đạo các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô sau khi Fed tiếp tục nâng lãi suất
- 22-09-2022Fed tăng lãi suất cơ bản 0,75% lần thứ 3 liên tiếp, cảnh báo đến năm 2024 mới bắt đầu hạ lãi suất
- 16-09-2022Khả năng Fed tăng lãi suất và tác động tới kinh tế Việt Nam
Đúng như dự đoán, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm %. Đây là lần thứ 3 liên tiếp FED nâng lãi suất 0,75 điểm % và cơ quan này cũng phát tín hiệu lãi suất có thể tăng mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Phản ứng sau quyết định của FED, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 21/9 đồng loạt đi xuống. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 522 điểm, tương đương 1,7%, và đóng cửa ở gần 30.184 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,71% và dừng ở gần 3.790 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite sụt 1,79% còn 11.220 điểm. Sau phiên giảm điểm 21/9, S&P 500 thấp hơn 10% so với một tháng trước và kém 21% so với đỉnh lịch sử thiết lập hôm 3/1 năm nay.
Trước những diễn biến trên, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV- để có những lý giải sâu hơn về diễn biến này.
PV: Thưa chuyên gia, vì sao thị trường chứng khoán lại diễn biến tiêu cực dù FED nâng lãi suất đúng như kỳ vọng?
TS. Cấn Văn Lực: Mức tăng 0,75 điểm % đã được dự báo trước và khả năng FED còn tăng tiếp lãi suất là khá cao, ít nhất là cho đến giữa năm 2023, thậm chí là hết năm 2023 nếu lạm phát dịu đi nhưng chậm và còn ở mức cao.
Việc chứng khoán giảm điểm, thường là nhẹ nếu như mức tăng lãi suất là khớp với dự báo trước đó. Tuy nhiên, lần này chứng khoán toàn cầu, nhất là chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh là có lý do.
Một là, lần này, vì mức giảm lãi suất của FED cơ bản đã được tiên lượng, nên các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến “FED nói gì, đưa ra tín hiệu gì tiếp theo” mới là quan trọng. Theo đó, Chủ tịch FED tiếp tục thể hiện quan điểm “kiên định với mục tiêu chống lạm phát”, khá cứng rắn với lạm phát, trong bối cảnh lạm phát tiêu dùng (CPI) của Mỹ chỉ giảm nhẹ (từ 9,1% so cùng kỳ trong tháng 6, xuống 8,5% trong tháng 7 và 8,3% trong tháng 8), chủ yếu là do giá xăng dầu giảm, còn lạm phát lõi (loại trừ giá năng lượng và lương thực – thực phẩm) của Mỹ tăng trở lại trong tháng 8 (lên mức 6,3% so cùng kỳ, từ mức 5,9% của tháng 6 và tháng 7). Điều này chứng tỏ lạm phát của Mỹ chưa giảm mạnh như mong đợi của FED.
Vì thế, nhà đầu tư lo rằng nếu FED tiếp tục quan điểm “Diều hâu” (thắt chặt tiền tệ) mà không đúng liều lượng, kém linh hoạt thì có thể dẫn đến hiện tượng “đình lạm” (kinh tế đình trệ và lạm phát vẫn cao), hậu quả của phương châm “hạ cánh cứng”.
PV: Ông có thể nói sâu hơn về khả năng đình lạm có thể xảy ra?
TS Cấn Văn Lực: Về khả năng đình lạm, chúng ta cần tiếp theo theo dõi, phân tích và nhận định. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, với số liệu về việc làm vẫn khá ổn (thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 8 khoảng 3,7%, tăng nhẹ từ mức 3,5% trong tháng 6), tiêu dùng vẫn tăng nhẹ, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết vẫn khả quan, hệ thống ngân hàng vẫn khá ổn…, rất khác so với những lần đình lạm hay suy thoái trước đây.
Thứ hai, chỉ số căng thẳng chuỗi cung ứng, giá cả và lạm phát toàn cầu gần đây đang dịu dần (từ đầu tháng 7), tất nhiên, vẫn có một số quốc gia lạm phát còn tăng như Anh, Nhật hay lạm phát ở Châu Âu còn khó đoán (do các lệnh cấm vận khó lường), nhưng đà chung là đang giảm nhẹ, nên kỳ vọng lạm phát thấp hơn trong năm 2023 là có cơ sở nhất định. Nên gần đây, kịch bản về suy thoái được bàn thảo nhiều hơn.
PV: Ông đánh giá như thế nào về khả năng suy thoái kinh tế tại Mỹ và Châu Âu?
TS Cấn Văn Lực: Vấn đề suy thoái kinh tế tại Mỹ còn nhiều tranh cãi, các dự báo lớn cuối tháng 8 đang đưa ra xác suất khoảng 45-47%. Tôi cho rằng khả năng “suy thoái nhẹ” là có, nhưng có thể là đợt suy thoái ngắn (trừ biến cố bất thường xảy ra) với 3 lý do chính: (i) nền kinh tế Mỹ hiện nay vẫn khá vững chãi với các chỉ số về việc làm, về sức cầu tiêu dùng và sức khỏe doanh nghiệp như nêu trên; (ii) lạm phát (CPI) của Mỹ đang giảm nhiệt và ở mức không quá cao như những lần suy thoái trước (trên 12%), chỉ số giá chi tiêu cá nhân (PCE) của Mỹ giảm từ 6,8% so cùng kỳ trong tháng 6 xuống 6,3% trong tháng 7; (iii) FED linh hoạt, chủ động hơn trong các công cụ điều hành của mình.
Với Châu Âu, tình thế xấu hơn do chịu tác động nhiều từ các lệnh cấm vận, hạn chế về năng lượng, nhất là khí đốt, nhất là mùa đông tới gần. Nhóm nghiên cứu của Deutsche Bank dự báo kinh tế quý 2/2023 của EU sẽ giảm khoảng 3% so với quý 2/2022. Theo đó, Châu Âu có thể rơi vào suy thoái từ đầu năm 2023.
Đó là lý do tại sao chứng khoán toàn cầu giảm điểm.
PV: Trong bối cảnh này, Việt Nam nên làm gì thưa ông?
TS. Cấn Văn Lực: Chúng ta cần theo dõi sát sao, đánh giá tác động cùng với giải pháp cụ thể theo kịch bản…v.v. Khả năng điều hành nghệ thuật, khôn khéo, kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đồng bộ của các nhà hoạch định chính sách hiện nay là rất quan trọng. Tôi tin là Việt Nam chúng ta đang đi theo hướng này.
Xin cảm ơn chuyên gia!
Nhịp sống Thị trường