MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế giới di động có tài sản thương hiệu 53 tỷ đồng, còn Long Châu của FPT bằng 0 dẫu đã cán đích 1.000 cửa hàng?

19-03-2023 - 12:29 PM | Doanh nghiệp

Tại sao chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế giới di động có tài sản thương hiệu 53 tỷ đồng, còn Long Châu của FPT bằng 0 dẫu đã cán đích 1.000 cửa hàng?

Đó là số liệu phản ánh trên BCTC của các doanh nghiệp, nhưng trên thực tế không phải cứ có tài sản thương hiệu lớn hơn là nổi tiếng hay chiếm thị phần lớn hơn.

Trong lý thuyết marketing, Brand equity (Tài sản thương hiệu hay giá trị thương hiệu) là một trong những giá trị cộng thêm cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trong mắt khách hàng và người tiêu dùng. Giá trị này phản ánh cách người tiêu dùng nhìn nhận, cảm nhận, đánh giá, so sánh, phản ứng về một nhãn hiệu.

Tài sản thương hiệu được cấu thành từ 4 yếu tố chính: Mức độ nhận diện của thương hiệu, đặc trưng của thương hiệu, chất lượng cảm nhận, mức độ trung thành với thương hiệu.

Mặc dù được công nhận là một tài sản của doanh nghiệp nhưng giá trị tài sản thương hiệu không hề dễ tính toán. Định giá thương hiệu đòi hỏi sự nghiên cứu rất kỹ càng, cẩn trọng nhưng lại có thể cho ra kết quả gây tranh cãi.

Những cách định giá thương hiệu phổ biến hiện nay như dựa trên thu nhập lợi thế, cơ sở chi phí hay dựa trên giá trị chuyển nhượng. Mặc dù có những quan điểm không đồng ý với cách đánh giá dựa trên giá trị chuyển nhượng nhưng giao dịch mua bán thực tế là một bằng chứng khó có thể phủ nhận.

Theo eweek.com, khi cố gắng mua lại PepleSoft vào năm 2004, Công ty Oracle đã sẵn sàng tăng giá tiền chuyển nhượng từ 5 tỷ USD lên 6,3 tỷ và cuối cùng chốt lại ở con số khổng lồ 9,4 tỷ USD.

Không rõ giá trị thương hiệu của PeopleSoft trong thương vụ này là bao nhiêu nhưng giới phân tích chắc chắn tài sản ròng (Net asset) của PeopleSoft không thể tăng gần gấp đôi như vậy chỉ trong vòng 18 tháng. Nghĩa là những giá trị vô hình như thương hiệu hay lợi thế thương mại của PeopleSoft đã được Oracle định giá trên 4,4 tỷ USD.

Tại sao chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế giới di động có tài sản thương hiệu 53 tỷ đồng, còn Long Châu của FPT bằng 0 dẫu đã cán đích 1.000 cửa hàng? - Ảnh 1.

Trên góc độ kế toán, thương hiệu được lượng hóa cũng có thể xuất hiện trên BCTC của các doanh nghiệp với tư cách một tài sản cố định vô hình.

Ở Việt Nam, có thể bắt gặp tài sản thương hiệu xuất hiện trên báo cáo tài chính (BCTC) của một số doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Tài sản thương hiệu thường xuất hiện trên BCTC hợp nhất sau những thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập). Trong đó, đối tượng được mua lại phải là những tên tuổi đã có tiếng tăm nhất định.

Chẳng hạn, Thế giới di động mua chuỗi nhà thuốc An Khang, Vinamilk mua 75% cổ phần của CTCP GTNFoods, qua đó tham gia điều hành CTCP Sữa Mộc Châu hay Masan mua Vinmart, Vinacafe Biên Hòa, nước khoáng Vĩnh Hảo, Phúc Long...

Tại sao chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế giới di động có tài sản thương hiệu 53 tỷ đồng, còn Long Châu của FPT bằng 0 dẫu đã cán đích 1.000 cửa hàng? - Ảnh 2.

Nhà thuốc An Khang

Cuối năm 2021, trên bảng cân đối hợp nhất của CTCP đầu tư Thế giới di động (TGDĐ) xuất hiện tài sản giá trị thương hiệu với số dư hơn 53,5 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng là do mua công ty con trong kỳ, cụ thể là Công ty cổ phần bán lẻ An Khang, đơn vị sở hữu chuỗi nhà thuốc cùng tên.

CTCP bán Lẻ An Khang được thành lập ngày 21/08/2017, vốn điều lệ ban đầu là 12 tỷ đồng với 3 cổ đông cá nhân góp vốn.

TGDĐ bắt đầu mua 634.100 cổ phần, tương đương 49% vốn An Khang với giá 62 tỷ đồng từ năm 2018. Đến tháng 11/ 2021, TGDĐ hoàn tất thâu tóm 99,99% cổ phần của An Khang. Tại thời điểm hợp nhất BCTC, tổng tài sản thuần của An Khang là 73,1 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thương hiệu An Khang được định giá theo biên bản định giá độc lập, ghi nhận 53,5 tỷ đồng.

Tài sản thương hiệu của TGDĐ được khấu hao theo phương pháp đường thẳng trong thời gian 10 năm và đến cuối 2022, số dư tài sản này còn lại trên BCTC hợp nhất của TGDĐ là 48 tỷ đồng.

Tại sao chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế giới di động có tài sản thương hiệu 53 tỷ đồng, còn Long Châu của FPT bằng 0 dẫu đã cán đích 1.000 cửa hàng? - Ảnh 3.

Nhà thuốc Long Châu

Khác với TGDĐ, danh mục TSCĐ vô hình hợp nhất của CTCP bán lẻ kỹ thuật số FRT không có sự xuất hiện của tài sản thương hiệu.

Hay nói cách khác, hệ thống nhà thuốc Long Châu không đóng góp giá trị thương hiệu cho BCTC hợp nhất của FRT - Công ty mẹ của Long Châu.

Nguyên nhân do FRT là cổ đông góp vốn thành lập pháp nhân CTCP dược phẩm FPT Long Châu ngay từ đầu. Cụ thể, năm 2018, FRT tham gia góp vốn thành lập công ty con là Công ty CP dược phẩm FPT Long Châu theo Nghị quyết HĐQT số 09/2018-NQ HĐQT/GV/FRT.JSC ngày 13/09/2018.

Ban đầu, FPT Long Châu có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, trong đó FRT sở hữu 75% cổ phần. Từ 4 điểm bán quanh khu Tân Định, TP Hồ Chí Minh thủa sơ khai, đến cuối năm 2022, FRT đã đưa chuỗi nhà thuốc Long Châu cán mốc 1.000 điểm bán trên toàn quốc và đang là chuỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm có kết quả kinh doanh khả quan nhất so với các đối thủ trên thị trường.

Sự chênh lệch về giá trị tài sản thương hiệu trên BCTC hiện nay không tỷ lệ thuận với sự nổi tiếng của thương hiệu, càng không phản ánh được thị phần hay sự yêu thích của khách hàng. Không chỉ hệ thống Long Châu của FRT mà nhiều doanh nghiệp sở hữu sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng, được yêu thích nhưng lại không có tài sản thương hiệu trên bảng cân đối kế toán, như PNJ, Hòa Phát, FPT,...

Theo An Vũ

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên