MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao dân không bỏ vàng ra xây dựng đất nước?

13-05-2016 - 14:00 PM | Tài chính - ngân hàng

“Vì không có lĩnh vực đầu tư kinh doanh hiệu quả, rủi ro của môi trường đầu tư kinh doanh quá lớn nên người dân mới phải ôm vàng cất đi thay vì bỏ ra xây dựng đất nước…”.

TS. Vũ Đình Ánh
TS. Vũ Đình Ánh
Chuyên gia kinh tế
52 bài viết

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đã nhận định như vậy khi ông đề cập đến kiến nghị gây chú ý của Hiệp hội kinh doanh vàng VN (VNBA). Đó là thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia để huy động lượng vàng người dân đang “ôm” (có thể lên tới 500 tấn) vào phát triển kinh tế đất nước.

Ông Ánh cho biết, kiến nghị thành lập Sở Giao dịch vàng Quốc gia đã được đề cập từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa hình thành. Lý do là chúng ta không thấy có nhu cầu cần thiết để thành lập nên Sở giao dịch này.

Theo lý giải của ông Ánh, bản chất của vàng trên thị trường hiện nay là quan hệ mua-bán. Hình thức vay huy động vàng đã chấm dứt. Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu vàng về bán đấu giá cho các doanh nghiệp sử dụng vàng trong nước. Biến động của giá vảng trong nước chỉ còn liên quan đến cân đối tự thân của vàng trên thị trường.

Vậy Sở giao dịch này ra đời cụ thể sẽ làm gì? Có cần thiết phải tồn tại Sở giao dịch này để huy động vàng trong dân không? Chưa kể, Sở Giao dịch này sẽ vận hành như thế nào với vai trò huy động vàng trong dân? Vàng huy động được sẽ được sử dụng ra sao và bằng cách gì? Trong bối cảnh việc huy động vàng đảm bảo bằng vàng đã không thể thực hiện (do vàng chỉ còn tồn tại dưới dạng quan hệ mua-bán theo quy định của pháp luật hiện hành) thì đây là những câu hỏi không dễ trả lời và dễ giải quyết”, ông Ánh nói.

Các chuyên gia kinh tế cũng phân tích rằng, huy động vàng trong dân cho đầu tư phát triển đất nước không nhất thiết phải thành lập ra Sở giao dịch vàng. Mấu chốt của vấn đề huy động vàng của dân xây dựng đất nước chính là ở hỏi và câu trả lời: Tại sao người dân lại ôm vàng?

“Nhìn vào nền kinh tế hiện thời thấy rõ các rủi ro về nguy cơ lạm phát, mất giá của đồng tiền; không có lĩnh vực đầu tư kinh doanh nào khả dĩ để người dân có thể mạnh dạn “đổ tiền” vào. Do đó, người dân phải mua vàng, ôm vàng rồi đem về nhà cất là điều khó tránh”-ông Ánh phân tích.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng đồng tình và cho rằng, muốn người dân bỏ vàng ra xây dựng đất nước, cách tốt nhất là Nhà nước xử lý tốt các bất cập của môi trường đầu tư kinh doanh, kiềm chế tốt lạm phát; tạo ra các chính sách ổn định thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Người dân khi đó sẽ tự thân bỏ tiền ra làm ăn thay vì mua vàng về cất kho.

Với Sở giao dịch vàng quốc gia nếu hình thành, theo các chuyên gia-sẽ chỉ như “cái chợ” mua bán trung gian vàng, trong đó bán buôn vàng là chủ yếu. Sở này vẫn có thể hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc mua bán, giao dịch vàng.

Chúng ta vẫn đạt mục tiêu giảm bớt được nhu cầu giao dịch vàng vật chất, giảm lượng ngoại tệ nhập khẩu vàng; loại bỏ những loại hình giao dịch vàng bất hợp pháp (sàn vàng chui); giảm thiểu tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thông qua việc thu thuế của các tổ chức, cá nhân giao dịch vàng; cơ quan chức năng có thể giám sát, quản lý được lượng giao dịch vàng để điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

Đặc biệt, thông qua sở giao dịch, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thay vì nhập khẩu…

Theo Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VNBA), trong nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vàng, trong khi xuất khẩu không đáng kể. Do vậy, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn vàng. Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam những năm tới rất lớn.

Dự kiến đến tháng 7.2017, Việt Nam có thể không còn được vay vốn ODA mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường với lãi suất cao. Bởi vậy, việc nghiên cứu giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cho phát triển kinh tế là rất cấp bách trong điều kiện hiện nay.

Theo Bạch Dương

Dân Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên