Tại sao đầu cơ lại là sự lãng phí lớn?
Thời gian nhiều năm gần đây, với sự phục hồi của các thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán, phong trào đầu cơ chờ giá lên đã nở rộ một cách mạnh mẽ, từ đó có nhiều người lãi lớn và giàu lên, cùng lúc đó là
Điều đầu tiên cần nhận thấy rằng, dù tài sản là bất động sản hay chứng khoán thì tài sản chính là một hàng hóa, và vì vậy, nó có giá trị sử dụng và từ đó tạo ra giá trị. Nhà đầu tư là người mua tài sản để vận hành nó tạo ra giá trị sử dụng và từ đó thu về được dòng tiền đều đặn trong dài hạn, đây là giá trị tiền tệ mà tài sản đó tạo ra. Ví dụ, bạn đầu tư mua một mảnh đất và sau đó xây một dãy nhà cho thuê, hàng tháng và hàng năm bạn thu được tiền thuê đều đặn, đây chính là hoạt động đầu tư. Giá trị thật của một tài sản là ở dòng tiền mà nó làm ra cho xã hội, tức là tài sản phải thực sự được sử dụng, hàng hóa có giá trị sử dụng sẽ tạo ra giá trị.
Trong trường hợp bạn mua một mảnh đất và bỏ không, chỉ đơn thuần chờ giá lên, mảnh đất này không được đưa vào sử dụng, lúc này không được gọi là đầu tư mà chính là đầu cơ. Đầu cơ khác đầu tư là gì? Đầu tư là việc tạo ra dòng tiền từ tài sản và chủ yếu tập trung vào dòng tiền đó dài hạn, đầu cơ là hướng đến sự ăn chênh lệch giá đơn thuần mà không quan tâm nhiều đến giá trị sử dụng của tài sản.
Ngoài sự lãng phí về giá trị sử dụng, sự lãng phí lớn nhất đối với nền kinh tế khi xuất hiện ngày càng nhiều người đầu cơ thay vì đầu tư? Đó là sự lãng phí thời gian khủng khiếp. Hàng triệu người dành nhiều giờ mỗi ngày vắt óc suy nghĩ, chỉ vì cố gắng dự báo giá cả tài sản lên hay xuống, tiếp xúc với nhiều chủ thể khác nhau để tìm kiếm thông tin và chi phí rất cao về những mảnh đất không hề được đưa vào sử dụng, trên những chứng khoán được giao dịch hàng ngày, trong khi trên bình diện xã hội, việc dự báo giá cả để ăn chênh lệch giá tự nó chỉ là trò chơi có tổng bằng 0, tức là tiền chảy từ túi người này sang túi người kia, nó không tạo ra giá trị tăng thêm mới cho toàn xã hội (Giá trị thực sự của một chứng khoán và bất động sản là nằm ở việc sử dụng những tài sản này để tạo ra dòng tiền cho xã hội). Nếu thời gian này được sử dụng để đầu tư vào lao động và sản xuất kinh doanh, giá trị tăng thêm cho nền kinh tế sẽ được tạo ra.
Điều nguy hiểm khác đó là đầu cơ giá lên khiến cho giá cả tài sản tăng vọt và phát tín hiệu sai về cầu giả tạo hay cầu ảo về nhu cầu tài sản và khiến cho nguồn lực của nền kinh tế bị phân bổ lệch lạc, như vốn vay ngân hàng chảy sang lĩnh vực đầu cơ mà không chảy vào sản xuất kinh doanh, xuất hiện các bong bóng tài sản và nguy cơ khi bong bóng vỡ tạo ra những nợ xấu khổng lồ trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, đầu cơ những nguồn lực khan hiếm như bất động sản sẽ khiến những người có thu nhập thấp không thể tiếp cận được nguồn lực này với giá phải chăng. Nhu cầu đầu cơ cao cũng hút một lượng vốn vay lớn từ ngân hàng, đẩy mặt bằng lãi suất tăng cao và khiến những người có nhu cầu vay vốn thực sự cho sản xuất kinh doanh khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
Một hệ quả khác của việc những người đầu cơ giàu lên không phải do năng lực lại khuyến khích một xu thế không coi trọng lao động sản xuất, coi việc kiếm tiền là điều dễ dàng và từ đó đưa đến một sự xa xỉ trong lối sống, điều không thực sự là tốt trong bối cảnh mức sống của toàn dân còn thấp như hiện nay. Và phải chăng Nhật Bản phát triển thần kỳ vì dân của nước họ chú tâm vào sản xuất kinh doanh và lao động nhiều hơn là đầu cơ hưởng chênh lệch giá tài sản?
Tỷ phú Warrent Buffet, nhà đầu tư hàng đầu của nước Mỹ, là một nhà đầu tư giá trị thực thụ bởi vì khi quyết định bỏ vốn vào doanh nghiệp nào, ông phải đi vào các doanh nghiệp và đóng góp vào việc giúp họ cải tiến khả năng quản trị, tăng năng suất và từ đó, ông nhận về dòng cổ tức hàng năm được chia từ doanh nghiệp. Cái mà Việt Nam cần hiện nay là cần nhiều hơn nữa các nhà đầu tư, những người sẽ mua các tài sản và thực sự vận hành nó để tạo ra giá trị cho xã hội, tránh sự lãng phí nguồn lực của nền kinh tế.