MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao 'đứa con tinh thần' trị giá hàng nghìn tỷ USD của Chủ tịch Tập Cận Bình lại trở thành động lực tăng trưởng tiếp theo cho Trung Quốc?

14-08-2020 - 19:14 PM | Tài chính quốc tế

Star Market được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu thành lập vào tháng 11/2018. Chỉ trong 12 tháng, sàn giao dịch tương tự Nasdaq đã phát triển thành thị trường tăng trưởng lớn nhất châu Á cho các công ty công nghệ, với tổng vốn hóa đạt 2,8 nghìn tỷ CNY (400 tỷ USD), có khoảng 133 công ty đã niêm yết.

Ji Xinhua như đang "đi trên mây". 2 tháng trước sinh nhật lần thứ 41, công ty UCloud Information Technology của ông đã vượt qua được rào cản vốn là điều khó khăn đối với hàng chục doanh nghiệp lớn của Trung Quốc và trước đó đã đi nửa vòng trái đất đến New York để gọi vốn.

UCloud – cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên đám mây, đã trở thành công ty đầu tiên có cấu trúc sở hữu cổ phần 2 tầng được chấp thuận niêm yết trên sàn STAR của Trung Quốc. Cổ phiếu của UCloud được chào bán ở mức 33,23 CNY (4,73 USD), tăng hơn gấp đôi trong phiên giao dịch đầu tiên tại Thượng Hải và vọt lên mức kỷ lục là 115 CNY vào ngày giao dịch thứ 16.

Theo đó, Ji – đang nắm giữ 50,8 triệu cổ phiếu của công ty, tương đương 12% cổ phần, chính thức trở thành triệu phú. Ông nằm trong số 130 người được Nasdaq của Trung Quốc thúc đẩy đà tăng trưởng tài sản trong suốt 12 tháng hoạt động. Chia sẻ với SCMP, Ji cho hay: "Chúng tôi có thể đã mở ra một lối đi cho các công ty công nghệ triển vọng khác trong việc tiếp cận nguồn vốn trong nước. Nhiều người bạn của tôi nói rằng ở thời điểm đó họ sẽ tìm cách IPO ở nước ngoài nếu chúng tôi không vượt qua được bước xét duyệt."

Trước đó, hàng tá start-up lớn nhất của Trung Quốc bao gồm Baidu và Alibaba đã tìm đến New York để niêm yết. Còn giờ đây, khi quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xấu và các chính trị gia Mỹ có kế hoạch hủy niêm yết một loạt công ty Trung Quốc, thì ngày càng nhiều công ty đại lục lựa chọn việc gọi vốn ở quê nhà.

Xu hướng này, cùng với việc các công ty Trung Quốc trị giá hàng tỷ USD rút khỏi Nasdaq và NYSE, đã khiến một số quan chức tài chính của Mỹ lo ngại. Theo Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung, có tới 156 công ty Trung Quốc trị giá 1,2 nghìn tỷ USD đã niêm yết trên sàn Nasdaq, NYSE và NYSE vốn hóa nhỏ tính đến ngày 25/2/2019.

Các công ty Trung Quốc chủ yếu tìm đến hai "địa điểm": Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông vốn đã chiếm vị trí quan trọng trong những đợt IPO trên toàn cầu trong 7 năm qua và sàn STAR tại Thượng Hải – được thành lập chỉ 18 tháng trước để khuyến khích các công ty công nghệ lớn niêm yết "tại nhà".

Wei Shanwei – phó tổng giám đốc Huajing Securities, nhận định: "Sàn STAR chắc chắn là sàn giao dịch tiên phong trong kế hoạch cải cách thị trường của Trung Quốc. Chúng tôi đã tư vấn cho các công ty thuộc nền kinh tế mới trong nhiều năm nay, và những đổi mới trên STAR là chưa từng có trong quá khứ."

Tại sao đứa con tinh thần trị giá hàng nghìn tỷ USD của Chủ tịch Tập Cận Bình lại trở thành động lực tăng trưởng tiếp theo cho Trung Quốc?  - Ảnh 1.

Lượng vốn huy động trong các thương vụ IPO ở các thị trường "hot" nhất thế giới từ 1/7/2019 đến 24/7/2020.

Star Market được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu thành lập vào tháng 11/2018 trong đợt triển khai kế hoạch ban hành chính sách bổ sung cho mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu với trọng tâm là tiêu dùng. Chỉ trong 12 tháng, sàn giao dịch tương tự như Nasdaq đã phát triển thành thị trường tăng trưởng lớn nhất châu Á cho các công ty công nghệ, với tổng vốn hóa đạt 2,8 nghìn tỷ CNY (400 tỷ USD), có khoảng 133 công ty đã niêm yết.

Trong khi đó, sàn Kosdaq của Hàn Quốc, với 1.400 cổ phiếu niêm yết kể từ khi hoạt động vào năm 1996, có vốn hóa 246,4 tỷ USD. Còn Jasdaq tại Tokyo có trị giá 86,3 tỷ USD. Hiện tại, Nasdaq là sàn niêm yết của 5 trong số 10 công ty có vốn hóa lớn nhất hành tinh và 4 trong số 5 công ty trị giá nghìn tỷ USD, với vốn hóa 16,2 nghìn tỷ USD. 

Động lực thúc đẩy mạnh mẽ nhất đối với STAR trong năm vừa qua là sự kiện niêm yết của SMIC vào ngày 16/7, đây là nhà sản xuất chip silicon lớn nhất Trung Quốc. Công ty này từng niêm yết ở Mỹ và Hồng Kông, nhưng đã tuyên bố rút khỏi New York vào tháng 5 năm ngoái.

14 tháng sau khi tuyên bố ý định rời New York, SMIC đã huy động được 53,3 tỷ USD CNY trên STAR, và cổ phiếu cũng tăng gấp 3 lần kể từ khi bắt đầu phát hành. Hiện tại, vốn hóa của công ty này là 263 tỷ CNY, gấp nhiều lần quy mô so với 16 năm giao dịch dưới hình thức ADR tại New York.

STAR chỉ mất 8 tháng để ghi nhận đà tăng vọt kể từ yêu cầu của ông Tập, đây là tốc độ "ánh sáng" đối với SSE trong vai trò là nhà điều hành. Sàn giao dịch này hiện đang bùng nổ với lượng giao dịch trung bình hàng ngày tăng hơn gấp đôi so với 1 năm trước khi có 25 công ty "lên sàn".

Tại sao đứa con tinh thần trị giá hàng nghìn tỷ USD của Chủ tịch Tập Cận Bình lại trở thành động lực tăng trưởng tiếp theo cho Trung Quốc?  - Ảnh 2.

Số lượng tỷ phú tại Trung Quốc được tạo ra từ những thương vụ IPO trong nửa đầu năm nay.

"Cú hích" thứ 2 đối với STAR đến từ Ant Group – tập đoàn tài chính thuộc sở hữu của Alibaba. Công ty này hồi cuối tháng 7 đã công bố kế hoạch niêm yết kép tại Hồng Kông và Thượng Hải định giá hơn 200 tỷ USD, rất có thể sẽ "đánh bật" Saudi Aramco để trở thành thương vụ niêm yết giá trị nhất trong lịch sử tài chính toàn cầu. Nếu thành công, Ant Group sẽ "mở đường" cho nhiều công ty Trung Quốc tìm kiếm hướng đi niêm yết kép tại Hồng Kông và đại lục.

Hiện tại, sự bùng nổ của STAR đã khiến nhà đầu tư đứng trước rủi ro. Mức định giá trung bình trên sàn này đã tăng vọt lên gấp đôi 109 so với lợi nhuận, gấp đôi Nasdaq, gấp 91 lần so với Kosdaq và 29 so với Jasdaq, theo Bloomberg. Con số này đã khiến nhiều người nhớ lại sự kiện bong bóng bị thổi phồng năm 2015. 

Ngoài ra, một mối lo ngại khác là lượng cổ phiếu sẵn sàng để phát hành đang gia tăng, khi một số nhà đầu tư cho biết điều này sẽ "hút tiền" từ cổ phiếu hiện tại. Theo nhà cung cấp dữ liệu Wind Information, có tới 3,1 tỷ cổ phiếu trị giá 188 tỷ CNY được nhà đầu tư nắm giữ trước khi IPO.

Chen Ping – quản lý quỹ tại HSBC Jintrust Fund Management, cho hay: "Áp lực bán có tồn tại nhưng ảnh hưởng tổng thể sẽ không còn, khi thị trường hồi phục và việc một số quỹ chỉ số theo dõi STAR sẽ được ra mắt. Điều này sẽ thu hút lượng cổ phiếu được phát hành thêm."

4 công ty, trong đó có E Fund Management và China Asset Management, đã nộp đơn lên cơ quan quản lý quỹ để thành lập các quỹ ETF được liên kết với chỉ số Star Market 50.

Cho đến nay, các khoản đầu tư trên sàn này đã phần nào bảo vệ nhà đầu tư khỏi ảnh hưởng của đại dịch. Lợi nhuận của các công ty niêm yết trên STAR đã tăng trung bình 14% trong quý I, có thể do hiệu ứng "làm đẹp báo cáo tài chính" bởi 1 loạt các công ty có lợi nhuận đủ điều kiện để niêm yết. Trong khi đó, các công ty niêm yết tại Main Board tại Thượng Hải ghi nhận lợi nhuận giảm 42%.

Theo Galaxy Securites, các công ty trên sàn STAR có thể giữ được mức định giá cao, vì chi phí nghiên cứu cao hơn do đó tăng trưởng lợi nhuận cũng nhanh hơn. Công ty môi giới này cho biết, chi phí tính theo tỷ lệ doanh thu là 13%, trong khi các công ty cùng ngành ở Main Board là 5,6%.

Tham khảo SCMP

Lục Lam

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên