MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao giá kim loại quý hiếm nhất hành tinh rhodium tăng hơn 70% kể từ đầu năm 2021 tới nay, đắt gấp 17 lần vàng?

16-03-2021 - 07:22 AM | Thị trường

Tại sao giá kim loại quý hiếm nhất hành tinh rhodium tăng hơn 70% kể từ đầu năm 2021 tới nay, đắt gấp 17 lần vàng?

Giá rhodium - kim loại quý hiếm nhất hành tinh – đã tăng giá hơn 70% chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, mức tăng kỷ lục không có ở bất cứ hàng hóa nào trong năm nay.

Cụ thể, giá rhodium hiện đã lên tới 29.200 USD/ounce, so với mức 16.990 USD hôm 31/12/2020, và so với chỉ 615 USD năm 2016 do nhu cầu gia tăng từ ngành công nghiệp ô tô, nhất là các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và Châu Âu, để đáp ứng những tiêu chuẩn về khí thải. Như vậy, tính từ ngày 1/1/2021 đến nay, giá đã tăng khoảng 72%.

Hiện rhodium đắt gấp 17 lần so với vàng (giá vàng hiện khoảng 1.700 USD/ounce), gấp 12 lần so với palađi (có giá 2.355 USD/ounce) và 25 lần so với bạch kim (1.139,46 USD/ounce). Một ounce rhodium hiện có giá trị tương đương 1 chiếc xe hơi Toyota Innova, Kia Carnival, hoặc Tata Harrierm hoặc Honda Civic hoặc nhiều dòng xe ô tô cao cấp khác. Tờ Washington Post gần đây đã đưa tin ở Mỹ đã bắt đầu có những tên trộm cưa ống xả ô tô để lấy rhodium sau khi giá tăng kỷ lục.

Rhodium được sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác ô tô để giảm thiểu khí thải nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn về môi trường ngày càng khắt khe hơn. Việc sử dụng kim loại hiếm này ước tính chỉ chiếm khoảng 0,0002 phần triệu của vỏ trái đất. Tuy nhiên, nhu cầu rhodium ngày càng tăng, hiện được sử dụng chủ yếu trong một số ngành công nghiệp như ô tô, hóa chất, thủy tinh, màn hình tinh thể lỏng và các màn hình kỹ thuật số khác, thiết bị thử nghiệm tiên tiến trong phòng thí nghiệm, động cơ phản lực, cảm biến và cặp nhiệt điện dùng trong các lò phản ứng hạt nhân. Rhodium cũng được dùng trong lĩnh vực đồ trang sức với hình thức dùng để mạ mỏng.

Nhu cầu mạnh đã dẫn tới việc giá rhodium biến động rất mạnh kể từ năm 2019. Khi đó, giá rhodium đã tăng từ dưới 3.000 USD/ounce tháng 1/2019 lên 17.000 USD/ounce vào cuối tháng 12/2020.

Đáng chú ý hơn là rhodium đã hồi phục mạnh sau khi giảm mất 2/3 so với hồi giá cao, tháng 3/2020, xuống còn 5.500 USD/ounce, trước khi bắt đầu tăng trở lại.

Nguồn cung rhodium năm 2020 giảm xuống 583.000 ounce, so với 760.000 ounce của năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng của Nam Phi giảm, xuống 450.000 ounce, từ mức 624.000 ounce.

Theo Johson Marthey, nhu cầu rhodium cũng giảm xuống còn 667.000 ounce so với 798.000 ounce trước đó, đưa mức thâm hụt tăng gấp đôi lên 84.000 ounce năm 2020, sau khi tiếp tục đạt thấp năm sau đó.

Các nhà phân tích và các công ty nghiên cứu chỉ ra lý do khiến giá rhodium tăng mạnh mẽ như vậy. Đó là:

Nhu cầu tăng không ngừng từ các nhà sản xuất ô tô

Rhodium là kim loại cứng, bề ngoài giống như crôm và có khả năng chống ăn mòn rất tốt, do đó được các nhà sản xuất ô tô ưa chuộng.

Kim loại này bắt đầu được sử dụng trong hệ thống ống xả của các phương tiện giao thông kể từ giữa những năm 1970, và nay càng tăng mạnh mẽ trong bối cảnh Châu Âu, Mỹ và các quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản đều cam kết giảm lượng khí thải độc hại theo thỏa thuận Paris – đã đưa ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, Trung Quốc và Châu Âu có nhu cầu tăng rất mạnh bởi muốn tồn tại và phát triển thì sản phẩm ô tô của họ phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về khí thải, nhằm giữ cho bầu không khí được trong lành.

Theo tập đoàn công nghệ Heraeus Precious Metals của Đức, ngành công nghiệp ô tô là khách hàng lớn nhất của ngành rhodium và có khả năng còn tiếp tục tăng do các quy định về khí thải ngày càng khắt khe hơn.

Trong chính lĩnh vực ô tô, thị trường Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh mẽ nhờ việc cuộc khủng hoảng Covid-19 ở nước này hồi phục sớm và nhanh hơn so với các nước khác.

Bên cạnh Trung Quốc, nhu cầu ở các thị trường như Mỹ, Châu Âu và Ấn Độ cũng hồi phục nhanh, và ngành ô tô được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay, nhất là ơ Châu Âu.

Thiếu hụt nguồn cung đã tăng gấp đôi

Nhu cầu ngày càng tăng từ ngành công nghiệp ô tô để đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt đang làm gia tăng tình trạng thiếu hụt rhodim trên toàn cầu.

Theo Johnson Matthey PLC, một công ty hóa chất đặc biệt và công nghệ bền vững đa quốc gia của Anh, mức thiếu hụt rhodium trên thị trường thế giới đã tăng gấp đôi vào năm ngoái do nguồn cung từ nhà cung cấp chủ chốt sụt giảm.

Nam Phi là nhà sản xuất rhodium lớn nhất thế giới, chiếm từ 80% đến 90% tổng sản lượng toàn cầu. Nga, quốc gia sản xuất 65.000-68.000 ounce hàng năm, là nhà sản xuất lớn thứ hai, trong khi phần còn lại của thế giới sản xuất dưới 70.000 ounce.

Tuy nhiên, nguồn cung cấp rhodium của Nga phải chịu sự can thiệp chính trị.

Tham khảo: thehindubusinessline

Thu Ngân

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên