MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao lãi suất 0%, thậm chí âm vẫn khả thi ở một số nền kinh tế?

Tại sao lãi suất 0%, thậm chí âm vẫn khả thi ở một số nền kinh tế?

Nghe thì rất điên rồ, nhưng lãi suất âm vẫn tồn tại trong các cuộc suy thoái kinh tế, hoặc hậu suy thoái.

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) mới đây đã có kiến nghị liên quan đến lãi suất tiền gửi. Hiệp hội này cho rằng, hiện nay các nước Âu – Mỹ, các nước Đông Âu chuyển đổi sang kinh tế thị trường, các nền kinh tế phát triển đều có mức lãi suất tiền gửi nội tệ, ngoại tệ  0%/năm, thậm chí một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi) nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2%- 5% tùy thuộc đối tượng vay và thời hạn vay) nhằm kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, đảm bảo an sinh xã hội cho người thu nhập thấp và trung bình mua nhà ở và chi tiêu tiêu dùng có lãi suất tín dụng cực thấp.

Trong suốt chiều dài lịch sử kinh tế, hầu như, lãi suất danh nghĩa thường dương, nghĩa là lớn hơn 0. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, lãi suất vẫn có thể âm. Vì sao vậy?

1. Lãi suất âm có ý nghĩa gì đối với người đi vay?

Khi ai đó vay tiền, nếu lãi suất dương, hiển nhiên, anh ta sẽ phải trả lãi cho ngân hàng. Do đó, khi lãi suất âm, thì có nghĩa là ngân hàng phải trả lãi cho người vay. Nghe thì rất điên rồ, nhưng lãi suất âm vẫn tồn tại trong các cuộc suy thoái kinh tế, hoặc hậu suy thoái.

2. Có thật có lãi suất âm?

Thụy Điển là nền kinh tế đầu tiên triển khai lãi suất âm. Vào tháng 7/2009, ngân hàng trung ương nước này đã hạ lãi suất tiền gửi qua đêm xuống -0,25%. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng từng áp dụng chính sách này vào tháng 6/2014, hạ lãi suất tiền gửi xuống -0,1%. 

Thụy Sĩ và Nhật Bản cũng từng để lãi suất âm, khuyến khích người dân chi tiêu vì nếu để tiền ở ngân hàng sẽ lỗ. Các nền kinh tế duy trì lãi suất âm, thường đã tăng trưởng chậm lại trong thời gian dài do hậu quả của khủng hoảng tài chính và thậm chí sau khủng hoảng tận 11 năm, họ cũng không tăng trưởng được nhiều. Do đó, các ngân hàng đưa ra mức lãi suất âm như muốn nói với người tiêu dùng rằng "đừng tiết kiệm, tiêu tiền đi".

3. Lãi suất âm xảy ra khi nào?

Lãi suất thực âm khi lạm phát cao hơn lãi suất danh nghĩa. Thường thì lãi suất danh nghĩa không âm. Nhưng nếu lãi suất đã ở mức 0% mà nền kinh tế vẫn cần được kích thích thì lãi suất âm sẽ là biện pháp cuối cùng.

Lãi suất âm có thể xảy ra khi nền kinh tế ở trong tình trạng giảm phát. Trong thời kỳ đó, người dân và doanh nghiệp có xu hướng tích lũy thay vì tiêu tiền. Điều đó khiến tổng cầu giảm mạnh, làm giá các mặt hàng càng giảm xuống, khiến thất nghiệp tăng, tạo ra một vòng xoáy giảm phát.

Để đối phó với giảm phát, chính sách tiền tệ được sử dụng và ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất. Khi giảm phát quá mạnh, ngân hàng trung ương thậm chí có thể kéo lãi suất xuống âm.

4. Rủi ro của lãi suất âm là gì?

Chính sách lãi suất âm tất nhiên sẽ có rủi ro. 

Đầu tiên chắc chắn là rủi ro cho chính các ngân hàng. Trước đây, các ngân hàng Thụy Sĩ đã phải chi tới 8 tỷ CHF (8,3 tỷ USD) để trả phí lãi suất âm kể từ khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ áp đặt chính sách lãi suất âm vào năm 2015. Riêng trong năm 2019, mức chi phí lãi suất âm đã vào khoảng 2 tỷ CHF.

Hiểm họa thứ hai chính là việc người dân đồng loạt rút tiền khỏi ngân hàng, vắt cạn tiền và các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất trở lại - hoàn toàn trái với mục tiêu bàn đầu của chính sách lãi suất âm.

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên