MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao mở rộng nhà ga T3 để "giải cứu" Tân Sơn Nhất được xếp vào danh mục dự án cấp bách, phải hoàn thành vào năm 2022 nhưng giờ vẫn chưa thể khởi động?

Điểm vướng lớn nhất khiến dự án chưa thể khởi động có liên quan đến tính “chính danh” khi giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện.

Trong bối cảnh sân bay Long Thành dự kiến tới năm 2025 mới đi vào hoạt động, cần phải giải quyết tình trạng quá tải cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tăng công suất lên 50 triệu hành khách/năm, Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ đưa dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất (quy mô 20 triệu khách/năm) vào danh mục dự án cấp bách. Bộ GTVT kiến nghị giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện bằng vốn đầu tư của doanh nghiệp, không sử dụng nguồn ngân sách.

Đề xuất này của Bộ GTVT nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Uỷ ban này đã có văn bản gửi Chính phủ, thống nhất đề xuất lựa chọn ACV làm chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ga T3. Bộ KH&ĐT cũng đã có Báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, đề nghị Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, giao cho ACV làm nhà đầu tư vào cuối tháng 11/2019.

Tại sao mở rộng nhà ga T3 để giải cứu Tân Sơn Nhất được xếp vào danh mục dự án cấp bách, phải hoàn thành vào năm 2022 nhưng giờ vẫn chưa thể khởi động? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, trung tuần tháng 12/2019, CTCP Vietstar Airlines (Vietstar) báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà ga Hàng không lưỡng dụng (T3 lưỡng dụng) của Vietstar tại Tân Sơn Nhất bằng văn bản, trong đó nêu rõ: Vị trí xây dựng nhà ga 20 triệu khách theo quy hoạch mới nhất của Bộ GTVT là khu đất 16,37 ha hiện là đất quốc phòng, tiếp giáp và chồng lấn với khu đất 10 ha mà Quân chủng Phòng không - Không quân đã bàn giao cho doanh nghiệp này từ 10 năm nay. Vietstar đã và đang chuẩn bị đầu tư nhà ga T3 lưỡng dụng (dành cho dân sự và quân sự) theo quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất của Bộ GTVT đã được phê duyệt từ năm 2015.

Đến ngày 31/1/2020, Bộ GTVT trả lời Vietstar bằng văn bản: Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất được Chính phủ phê duyệt năm 2015 không có nhà ga hàng không lưỡng dụng và quy hoạch mới điều chỉnh năm 2018 cũng không có nhà ga lưỡng dụng như doanh nghiệp đề cập. Việc đầu tư nhà ga T3 lưỡng dụng của Vietstar nằm trên phạm vi đất quốc phòng trước đây không nằm trong quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt năm 2015 nên đề nghị doanh nghiệp làm việc lại với Bộ Quốc phòng về vấn đề này.

Giữa tháng 1/2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ KH&ĐT khẩn trương có ý kiến kết luận rõ ràng dự án đã đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời làm rõ nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án, không sử dụng vốn ngân sách.

Có thể thấy, chỉ đạo này của Chính phủ một lần nữa "nhắc nhở" các Bộ, ngành về việc phải đánh giá thận trọng về phương án đầu tư của doanh nghiệp mà các cơ quan này đã báo cáo lên Chính phủ. Trong đó, Bộ GTVT đưa ra mức khái toán tổng mức đầu tư là 11.430 tỷ đồng bằng vốn góp của ACV, Bộ KH&ĐT cũng đồng thuận giao ACV làm chủ đầu tư với vốn đầu tư khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn góp của ACV.

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên