Tại sao một nửa số nhân viên giỏi nhất của bạn luôn sẵn sàng nói: "Chúng ta không thuộc về nhau"?
Kinh doanh có nhiều phần giống với những mối quan hệ yêu đương lãng mạn. Rất nhiều người sẽ nhảy việc ngay khi họ nhận thức được một thứ gì đó tốt đẹp hơn. Rất ít người có cam kết làm việc trong thời gian dài.
Mặc dù đang nói chuyện với người bạn tốt nhất của mình nhưng vẫn thật khó nói ra thành lời. Mỗi từ ngữ dường như bị cảm xúc làm cho nghẹn lại.
“Tôi không muốn rời xa cô ấy. Tôi yêu cô ấy nhưng tôi không nghĩ cô ấy thực sự yêu tôi”.
Theo nghiên cứu của Gallup, 47% nhân viên giỏi nhất của bạn đang tìm cách bỏ bạn mà đi. Hơn nữa trong quá trình khảo sát trên 1,4 triệu lao động, Gallup chỉ ra rằng: “65% lao động Mỹ nói rằng họ không nhận được sự công nhận của sếp trong năm vừa qua”. Một con số cao đáng ngạc nhiên nhưng liệu con số này có thực sự đúng?
Liệu quản lý của 65% nhân công có câu hỏi tương tự? Tôi tự hỏi có bao nhiêu người trong số họ sẽ nói và tin rằng họ nhận ra nhân viên của mình trong đó? Có lẽ vấn đề ở cách truyền đạt sự ghi nhận với nhân viên.
Sự công nhận vô cùng quan trọng nhưng được công nhận như thế nào còn quan trọng hơn nữa. Ví dụ, bạn có thể cho nhân tài của mình lương thưởng cao hơn hay thậm chí là cả một góc văn phòng. Nhưng có bao giờ bạn dừng lại và xem xét, liệu việc bạn làm có khiến mỗi cá nhân đều trung thành với bạn? Điều gì xảy ra nếu những thứ bạn luôn chắc rằng “ai cũng thèm muốn” lại không thể khiến họ cảm thấy được công nhận, đánh giá cao hay là được yêu thương?
Mặc dù bạn có những suy nghĩ về việc thúc đẩy mọi người nhưng lực lượng lao động ngày nay không còn sẵn sàng làm việc chỉ vì tiền. Họ muốn và cần có cảm giác công việc mình làm thực sự có ý nghĩa. Họ cần phải biết họ là người cần thiết, được đánh giá cao và họ có tiếng nói. Thông thường, các lãnh đạo, sếp, quản lý nghĩ rằng họ đã công nhận một thành viên trong nhóm bằng cách khen ngợi hoặc tiền thưởng. Vấn đề là, chúng ta đều là những cá thể riêng biệt, điều phù hợp với người này lại không đem lại hiệu quả cho người khác.
Hãy tưởng tượng về một công ty phần mềm XYZ ở Seattle. Với vị trí địa lý của công ty, những quản lý cấp cao nghĩ rằng tặng vé xem giải bóng đá khu vực là ý tưởng tuyệt vời để thể hiện sự ghi nhận sự đóng góp của những nhân viên xuất sắc.
Chiều thứ sáu đó, Mike và Al ngồi đối diện nhau trong một quán bar sau giờ tan tầm. Ak nói: “Thật tuyệt vời khi được tặng vé xem những trận bóng”, sự phấn khích của anh ta là điều hiển nhiên.
Mike thì không nhiệt tình đáp lại: “Vâng, thật tuyệt”. Đó cũng là thời điểm Mike đưa ra quyết định. Anh thấy rõ ràng rằng công ty không đánh giá cao mình. Đầu tuần, một công ty khác đã đề nghị anh xem xét công việc bên họ. Dù cho anh thích công việc đang làm hiện tại và những người anh làm cùng nhưng anh lại có dự tính nhận lời mời làm việc này.
Trong khi mọi người hò reo cổ vũ trận đấu thì Mike nghĩ: “Nếu sếp thực sự quan tâm hay là muốn hiểu rõ hơn về tôi, cô ấy đã phải biết tôi ghét bóng đá”.
Tôi tự hỏi bao nhiêu nhân tài hàng đầu của bạn hiện đang xem xét: “Tôi không muốn rời xa cô ấy (công ty này). Tôi yêu cô ấy (công việc ở đây) nhưng tôi không nghĩ cô ấy (họ) thực sự yêu (đánh giá cao) tôi”.
Nếu bạn muốn giữ những nhân viên tài giỏi của mình, quan trọng là cần nhận ra không có điều gì phù hợp cho tất cả. Như là một hộp chocolate, một lẵng hoa hay một hộp xì gà có thể khiến nhiều người cảm thấy được yêu thương hay đánh giá cao. Nhưng với những người khác, đó có thể là sự xúc phạm.
Để khiến nhân viên giỏi thực sự trung thành, bạn cần phải hiểu từng người trong số họ. Cần phải để cho họ biết rằng bạn đánh giá cao họ. Hãy để cho họ thấy bạn “yêu” họ theo cách họ muốn.
Hãy nhớ rằng, chi phí ly hôn rất đắt đỏ và việc tìm kiếm nhân tài để thay thế cho người cũ cũng vậy.
Bạn có biết điều gì sẽ khiến nhân viên của mình cảm thấy được công nhận, đánh giá cao và có giá trị đủ để không xem xét đến việc rời đi? Nếu không, có lẽ đây là lúc bạn cần xem lại trí tuệ cảm xúc và nâng cao những kỹ năng mềm của bản thân mình.
Trí thức trẻ/CafeBiz