Tại sao ngày xưa chưa có Internet để tìm thông tin mà người ta vẫn tin việc người Mỹ đặt chân lên Mặt Trăng là giả?
Và trong thời đại Internet hiện tại, sự nguy hiểm của những tấm ảnh lệch lạc lại càng bị nhân lên gấp nhiều lần.
- 26-01-2019Nhặt được viên đá cổ xưa nhất Trái Đất... trên mặt trăng
- 17-01-2019Mầm cây Trung Quốc gieo trên mặt trăng đã chết vì đêm quá lạnh
- 16-01-2019Trung Quốc tuyên bố trồng những cây đầu tiên trên mặt trăng
Có thể so sánh việc đặt chân lên Mặt Trăng ngang hàng với việc con người phát minh ra ngôn ngữ và nông nghiệp: chúng đều là những dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển nhân loại. Nhưng có một điểm khác biệt lớn thế này, 50 năm sau khi con người chạm Mặt Trăng, vẫn có một bộ phận người không nhỏ tin rằng đây chỉ là trò bịp tạo ra bởi chính phủ Mỹ.
Đức tin của họ không chỉ chà đạp lên khoa học, lên những cống hiến của ngành du hành Vũ trụ cho nhân loại, mà còn hết sức … vô lý. Cộng đồng từ chối tin vào việc con người hạ cánh lên Mặt Trăng có những lý lẽ của riêng mình, vẫn đủ sức thuyết phục (với họ) để gây dựng được một một nhóm có sức mạnh số lượng lớn.
Nhân dịp kỷ niệm tròn 50 năm con người đạt được thành tựu vĩ đại, chúng ta hãy dành chút thời gian nói về nhóm người nhỏ nhưng vẫn tiếp tục lôi kéo được thành viên mới.
Lý lẽ nào khiến người ta tin nước Mỹ chưa từng đưa người lên Mặt Trăng?
Hoàn cảnh lịch sử đóng một vai trò quan trọng
Điều đầu tiên cần chỉ ra, người Mỹ đã lên Mặt Trăng vào sai thời điểm: họ chọn đúng thời kỳ mức độ tín nhiệm của dân chúng vào người cầm quyền thấp trầm trọng. Một loạt những sự kiện đau buồn đã khiến đại bộ phận người Mỹ mất lòng tin:
Người Nga đạt được phần lớn những thành tựu Vũ trụ trong Thời đại Không gian. Bản thân Thời đại Không gian - Space Age khởi đầu vào năm 1957 bằng việc Nga phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của nhân loại, Sputnik. Đến năm 1962, John Glenn trở thành người Mỹ đầu tiên bay quanh Trái Đất, khơi nên nguồn hy vọng lớn cho đất nước Hoa Kỳ.
Cũng năm 1962, tổng thống John F. Kennedy phát biểu trước toàn dân: “Chúng ta chọn đi lên Mặt Trăng … không phải vì điều đó dễ thực hiện, mà vì nó rất khó”. Bài phát biểu thể hiện đức tin của Tổng thống thứ 35 vào một kỷ nguyên của khoa học, và việc John Glenn có mặt trên quỹ đạo Trái Đất là một minh chứng rõ rệt cho lời ông nói.
JFK và John Glenn đứng cạnh tàu du hành Friendship 7 thuộc Dự án Mercury.
Một tháng sau bài phát biểu của JFK, Khủng hoảng Tên lửa Cuba diễn ra, Trái Đất tiến tới gần bờ vực chiến tranh hạt nhân hơn bao giờ hết. Tình thế ngàn cân treo sợi tóc.
Tròn một năm sau sau thời khắc khủng hoảng tên lửa, John F. Kennedy bị ám sát. Người đàn ông với những khát vọng hàn gắn những quan hệ rạn nứt trên khắp thế giới, một Tổng thống được kính nể trên toàn cầu bỏ mạng bởi một phát súng. Đến cả khi CIA công bố tài liệu điều tra về Lee Harvey Oswald - kẻ bị buộc tội đã bắn phát súng làm rúng động thế giới, người ta vẫn không tin hắn ta làm việc một mình, và rằng có một thế lực đứng sau.
Người Mỹ mất lòng tin, họ đặt dấu hỏi lên mọi thông tin chính phủ cung cấp, trong đó có cả thành tựu vĩ đại của con người: Đặt chân lên Mặt Trăng.
Năm 1969, lại có một sự thật mất lòng lộ ra: Werner von Braun, người hùng của các chương trình khám phá Vũ trụ của Mỹ, là cố vấn tên lửa thân cận của Adolf Hitler. Chưa hết, giữa lúc một khủng hoảng năng lượng còn đang diễn ra, người ta còn mải lo cơm áo gạo tiền chứ chẳng đoái hoài gì đến việc con người đạt thành tựu vũ trụ đáng ghi nhận mãi về sau.
Werner von Braun.
Điều tệ hại nhất vẫn chưa xảy đến. Trong tấm bảng ghi những dòng chữ lịch sử: “Những người này tới từ hành tinh Trái Đất đặt chân lên Mặt Trăng lần đầu tiên vào tháng Bảy năm 1969 Sau Công nguyên. Chúng tôi đến trong hòa bình, đại diện cho toàn nhân loại” có những chữ ký vô giá. Ba phi hành gia tham gia sứ mệnh Apollo 11 đã ký trên đó, bên cạnh một chữ ký nữa. Đó đã có thể là chữ ký của bất kỳ ai, nhưng trớ trêu thay …
Đó là Richard Nixon, vì Tổng thống vì nhiều scandal mà quyết định từ chức vào năm 1974. Nhiều sử gia cho rằng Nixon đưa ra quyết định như vậy là để tránh việc bị buộc tội trước tòa và bị buộc phải rời Nhà Trắng. Những sự kiện không hay xảy ra liên tục khiến lòng tin người Mỹ lung lay.
Và những con người đang mất phương hướng ngay lập tức bị “mớm” cho những lời lẽ dối lừa
Trước thời đại Internet, người ta thường giải trí bằng cách đọc sách. Dù không có sự diệu kỳ và khả năng phát tán thông tin của Internet đi nữa, những câu chuyện giả vẫn có sức hút của riêng mình để lan truyền mạnh mẽ.
Cuốn sách Chúng ta chưa bao giờ lên Mặt Trăng - We Never Went to the Moon của Bill Kaysing, xuất bản năm 1974 là đánh dấu mốc lần đầu tiên xuất hiện một văn bản dài thảo luận về điều mà người Mỹ đã đang hoài nghi. Kaysing là cây viết mảng kỹ thuật cho công ty kỹ nghệ tên lửa Rocketdyne hồi thập niên 50, nên người ta coi lời nói của Kaysing rất có trọng lượng.
Dù Bill Kaysing nhiều lần khẳng định mình chẳng biết gì về công nghệ tên lửa, nhưng khi ông ta khẳng định video đặt chân lên Mặt Trăng được quay tại một khu vực bí mật đặt trong Area 51 , người ta tin ngay. Kaysing cũng chẳng mất nhiều công sức thuyết phục người khác, bởi như đã nói ở trên, một loạt sự kiện lịch sử đã khiến người Mỹ không còn tin vào lời nhà cầm quyền.
Bill Kaysing.
Khảo sát thực hiện vào tháng Bảy năm 1970 chỉ ra rằng 30% người Mỹ được hỏi tin rằng việc hạ cánh lên Mặt Trăng là trò bịp. Khảo sát thứ hai được thực hiện năm 1976 cho thấy 28% người được hỏi tin rằng sự kiện trọng đại trong lịch sử nhân loại do chính phủ Mỹ dàn dựng.
Bill Kaysing đưa ra nhiều luận cứ để thuyết phục độc giả rằng việc hạ cánh lên Mặt Trăng là “hàng giả”. Dựa vào danh tiếng là “người trong ngành tên lửa”, Kaysing khẳng định mình nhìn thấy vô số những vụ thử nghiệm tên lửa thất bại.
Bằng chứng “thuyết phục” nhất mà Kaysing đưa ra có lẽ chỉ lừa được người thời đó. Ông ta liên tục nhấn mạnh vào việc trên ảnh chụp do NASA cung cấp, tuyệt nhiên không có một ngôi sao nào xuất hiện.
Trong một bài phỏng vấn năm 1977, Kaysing lại một lần nữa nhấn mạnh: “Không có ngôi sao nào trong ảnh cả. Nếu như họ chụp hình từ trên Mặt Trăng, đáng lý ra sẽ phải có sao làm chứng”. Kaysing cho rằng sự sơ suất của NASA khi dàn dựng cảnh này vô tình tạo ra bằng chứng thuyết phục vô cùng, đến mức Kaysing viết được cả một cuốn sách.
Bạn là người sống ở năm 2019, tròn 50 năm sau sự kiện trọng đại, nếu bạn sở hữu một chiếc smartphone (hay đã từng thực hiện động tác chụp ảnh), bạn sẽ hiểu tại sao ảnh thăm viếng Mặt Trăng lại không có sao.
Các phi hành gia đứng trên Mặt Trăng sẽ phải nhận một lượng ánh sáng lớn từ Mặt Trời. Nguồn sáng quan trọng nhất lịch sử con người khiến ánh sáng yếu ớt từ những ngôi sao xa xôi mờ đi hết. Khi tăng độ sáng ảnh lên, ta sẽ ngay lập tức thấy điểm khác biệt.
Đoạn gif ngắn trên được cắt từ video do nhà làm phim S.G. Collins thực hiện. Video dài 13 phút của ông nói về mọi khía cạnh công nghệ làm phim cần có để làm giả video đặt chân lên Mặt Trăng. Có thể kết luận video rất dài và công phu của đạo diễn Collins lại bằng một câu: Vào thời điểm 1969, công nghệ làm phim yếu kém vô cùng, thà tự lên Mặt Trăng bằng công nghệ tên lửa đã phát triển cực thịnh trong Chiến Tranh Lạnh còn dễ hơn.
Nhân tiện nói về phim ảnh. Một trong những tuyên bố của Kaysing, và cũng là một trong những “sự thật” được quảng bá rộng rãi nhất là: đạo diễn kỳ tài Stanley Kubrick, bộ óc đứng đằng sau bộ phim tuyệt vời về vũ trụ - 2001: A Space Odyssey là người bấm máy quay đoạn phim giả việc đặt chân lên Mặt Trăng.
Stanley Kubrick trong phim trường 2001: A Space Odyssey.
Kaysing khẳng định: “Khi quay 2001, Kubrick và đội ngũ của ông đã xin ý kiến cố vấn từ 70 tổ chức hàng không vũ trụ, những trường đại học, các đài thiên văn, các tổ chức theo dõi thời tiết và các phòng thí nghiệm để đảm bảo bộ phim chính xác nhất có thể về mặt kỹ thuật”.
Trong nỗ lực thuyết phục người đọc tin rằng sứ mệnh Mặt Trăng của Apollo 11 là giả, Kaysing còn trích dẫn một số tấm ảnh chụp tại Las Vegas, khẳng định đây là nơi ba người anh hùng của chúng ta - Buzz Aldrin, Neil Armstrong và Michael Collins đã ăn chơi trác táng. Trong khi cả thế giới tin rằng họ đang trên Mặt Trăng, thực chất ba phi hành gia và đội ngũ “quản lý” của họ đang hoan lạc tại Vegas.
Bữa buffet dọn ra tại tầng 24 của Khách sạn Casino The Dunes, được cho là để phục phụ "phi hành đoàn" của Apollo 11.
Một “bằng chứng không thể chối cãi” khác là tấm ảnh này, Kaysing dùng nó để khẳng định việc đặt chân lên Mặt Trăng chỉ là một phim trường lớn. Thực chất, đây là Neil Armstrong vào thời điểm 3 tháng trước khi ông bước vào chuyến hành trình thay đổi nhân loại. Nhìn phông bạt, camera và cái tripod, khó để không tưởng tượng đây là một phim trường.
Bill Kaysing không phải ngôi sao sáng duy nhất trên bầu trời lừa dối. Có một cái tên đáng chú ý khác là Ralph Rene. Người đàn ông này chịu khó xuất bản đến 2 cuốn sách để hậu thuẫn đức tin của mình:
- Cuốn đầu tiên có tên MENSA Lectures - Những bài giảng MENSA, nhưng sau này phải đổi tên thành The Last Skeptic of Science - Những hoài nghi sau chốt về khoa học bởi tổ chức MENSA kiện Rene, cấm ông ta sử dụng tên họ để đưa lên trang bìa cho cuốn sách.
- Cuốn thứ hai mới là thứ đưa Rene lên đỉnh cao danh vọng trong cộng đồng thưa thớt, nó có tên NASA Mooned America!, tựa đề chơi chữ của cuốn sách có thể tạm dịch thành Ánh trăng lừa dối của NASA phủ lên nước Mỹ. Hiện nó vẫn xuất hiện trên Amazon , và mang theo nhiều luận cứ giống với những gì Kaysing đã nêu ra trước đây.
Bằng chứng “đinh đóng cột” của Ralph Rene là tấm ảnh này đây. Ông ta khẳng định ba người từ Mặt Trăng trở về thì không thể trông buồn rầu thế này được! Đây rõ ràng là khuôn mặt của ba kẻ gian đang phải nói dối toàn nước Mỹ.
Cũng góc máy đó, cũng những con người đó nhưng lần này đắp ắp những nụ cười. Ta thấy ngay chiêu trò của Ralph Rene hiện hữu.
Tổng thống Nixon và ba vị anh hùng.
Tròn năm thập kỷ trôi qua, ngựa vẫn quen lối cũ
Cả Bill Keysing và Ralph Rene đã không còn sống trên đời để làm gương cho thế hệ sau, nhưng những di sản mà hai người đàn ông phá hoại này để lại vẫn còn. Số lượng người tin rằng việc hạ cánh lên Mặt Trăng là giả đã suy giảm nhiều, nhưng giờ đây họ sở hữu một nền tảng quảng bá thông tin lớn chưa từng có trong lịch sử.
Đó là Internet.
Trong thời đại công nghệ thông tin, những nội dung như thế này phát tán nhanh khó lường. Những chứng cứ “đinh đóng cột” xưa kia, dù đã bị bóc trần nhưng vẫn lây lan với tốc độ chóng mặt. Hiển nhiên mỗi lần chia sẻ thông tin độc hại, người ta sẽ chẳng bao giờ đính kèm nội dung thật, sẽ chỉ có những tấm ảnh như sau kèm theo lời đề tựa do chính họ bịa ra:
- Tại sao dấu chân trên Mặt Trăng và hình dáng đế giày của Neil Armstrong không trùng khớp? Đơn giản vì Armstrong đeo một đôi giày khác bên ngoài khi tiến hành đi bộ trên Mặt Trăng.
- Trên Mặt Trăng không có gió, nhưng tại sao cờ lại bay được? Vì các phi hành gia đang tìm cách xoay cán cờ để cắm quốc kỳ Mỹ xuống bề mặt Mặt Trăng.
- Tấm ảnh “chụp hình trên Trăng mà không thấy sao” cũng hay xuất hiện, nhưng vụ việc này đã được lý giải bên trên.
- Đạo diễn Stanley Kubrick chính là người đã quay phim lại quá trình đặt chân lên Mặt Trăng! Có thể lắm, nhưng vì phong cách làm phim cầu toàn của Kubrick, ông khăng khăng muốn đặt phim trường trên Mặt Trăng. Thế có tốn kém không chứ.
Đây mới là bốn ví dụ thường xuất hiện nhất trên Internet. Nghĩ cũng buồn cười, nếu người ta đã sẵn Internet để đọc những câu chuyện hoang đường này, tại sao không bỏ thêm chút thời gian để tìm những mẩu tin khẳng định chúng là giả?
Đến giờ này, bài học “Đừng vội tin bất cứ thứ gì trên Internet” có lẽ cũng nên gạch “Mặt Trăng” khỏi danh sách topic cần bàn luận rồi.
Con người đã thực sự đặt chân lên Mặt Trăng, và ngày hôm nay, chúng ta kỷ niệm 50 năm ngày diễn ra sự kiện trọng đại!