Tại sao người Hàn hiếm khi dùng đũa gỗ mà khăng khăng sử dụng đũa kim loại dù "siêu khó gắp"? Lý do sâu xa sẽ khiến bạn muốn thay đổi ngay
Khác với nhiều quốc gia phương Đông là sử dụng đũa bằng gỗ, tre hoặc nhựa, hầu hết người Hàn Quốc đều sử dụng loại đũa được làm bằng kim loại. Vậy lý do là gì?
- 08-09-20201/2 số người bị tiểu đường không biết bản thân mắc bệnh: Bác sĩ chuyên khoa chỉ ra những dấu hiệu điển hình nhưng rất dễ bỏ qua
- 07-09-2020Lo lắng là một phần của cuộc sống, nhưng rối loạn lo âu thì cần phải điều trị ngay: Đây là cách để bạn phân biệt 2 khái niệm tưởng giống mà khác này
Đũa là dụng cụ phổ biến trong các bữa ăn của người Châu Á, đặc biệt là các quốc gia như Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, khác với nhiều quốc gia phương Đông là sử dụng đũa bằng gỗ, tre hoặc nhựa, hầu hết người Hàn Quốc đều sử dụng loại đũa được làm bằng kim loại, cầm nặng tay và được đánh giá là "khó dùng nhất thế giới". Vì sao lại vậy?
Thực ra, thói quen dùng đũa kim loại có thể phản ánh phần nào sự văn minh, thông thái của người dân Hàn. Với họ, đôi đũa không chỉ là vật dụng ăn cơm mà còn là thứ phòng ngừa bệnh tật.
1. Vì sao đũa kim loại khó gắp nhưng người Hàn vẫn khăng khăng sử dụng?
Với người Hàn Quốc, đôi đũa không chỉ là vật dụng ăn cơm mà còn là thứ thể hiện văn hóa và phòng ngừa bệnh tật.
- Đầu tiên, điều này xuất phát từ quan niệm của người Hàn xưa kia để bảo đảm an toàn thực phẩm. Kể từ năm 18 trước Công Nguyên đến năm 660 sau Công Nguyên, các gia đình hoàng tộc người Hàn thường sử dụng đũa bạc để thử độc trên thức ăn, nếu đồ ăn có chất độc thì đũa bạc sẽ đổi màu. Biện pháp này nhanh chóng được người dân khắp nơi trên đất nước sử dụng, tuy nhiên nhiều gia đình không có đủ điều kiện để sử dụng đũa bạc nên đã mua đũa kim loại để thay thế.
- Thứ hai, đũa kim loại là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe của người Hàn Quốc. Đũa kim loại được đánh giá là loại đũa lành mạnh bậc nhất. Trong khi đũa gỗ dễ có vi khuẩn, sản sinh nấm mốc trong thời tiết ẩm ướt, đặc biệt dễ tạo ra aflatoxin - một loại nấm mốc gây ung thư; đũa nhựa không chịu được nhiệt độ cao... thì đũa kim loại được đánh giá cao về độ bền đẹp, dễ lau rửa, đây là yếu tố giúp người Hàn Quốc hạn chế được khả năng mắc bệnh do dùng đũa kém vệ sinh.
Đũa kim loại được đánh giá là loại đũa lành mạnh bậc nhất.
- Thứ ba là về sự tiện ích. Đũa kim loại rất phù hợp với nền ẩm thực chuộng món cay, nóng như Hàn Quốc. Vì đồ ăn Hàn Quốc thường sử dụng nhiều ớt bột, sau một thời gian sử dụng đũa gỗ, nhựa dễ chuyển màu, còn đũa kim loại lại vô cùng dễ vệ sinh. Ngoài ra, người Hàn thường xuyên ăn thịt nướng, đũa kim loại chịu nhiệt tốt nên được ưa chuộng hơn trong các quán nướng. Ngược lại đũa gỗ dễ bắt lửa, có thể nguy hiểm tới khách hàng.
Như vậy có thể thấy, thói quen dùng đũa kim loại của người Hàn không đơn giản chỉ là sở thích mà nó còn bắt nguồn từ những kỹ năng sống để giúp ích cho sức khỏe và đời sống hàng ngày.
2. Dù sử dụng đũa bằng chất liệu gì cũng cần ghi nhớ những nguyên tắc sau
Đũa kim loại dù được đánh giá là lành mạnh nhưng điểm trừ của chúng là khó sử dụng, trơn trượt. Nếu có nhiều chi tiết trên đũa thì việc vệ sinh đôi khi vẫn không được đảm bảo, vì vậy nếu chọn đũa kim loại cho gia đình thì bạn nên chọn loại trơn nhẵn.
Dù sử dụng đũa bằng chất liệu gì, bạn cũng cần nhớ những nguyên tắc sau đây để đảm bảo an toàn:
- Rửa đũa theo cặp và không nên cầm cả bó đũa chà xát quá mạnh vì như vậy sẽ tạo ra vết nứt, làm môi trường để vi khuẩn sinh sôi.
- Nếu đũa được làm bằng gỗ, kim loại hoặc nhựa chịu được nhiệt độ cao thì có thể cho vào lò vi sóng trong 3 phút sau khi rửa sạch để tiệt trùng.
- Vị trí bảo quản đũa nên thông thoáng, khô ráo để nấm mốc không hình thành.
- Các loại đũa được làm từ tre, gỗ có hạn sử dụng là 3-6 tháng/lần. Sau khoảng thời gian này bạn nên thay đũa mới trong nhà.
- Đũa chuyển sang màu đậm hoặc nhạt dần thì nên thay đũa mới vì mức độ an toàn của đũa đã giảm.
(T/h)
Trí thức trẻ