Tại sao người lao động phản đối tăng thu BHXH?
Tăng thu BHXH trong lúc việc quản lý, chi trả quỹ còn quá nhiều tồn tại, hoạt động không hiệu quả khiến nhiều người không đồng tình, ủng hộ.
- 20-09-2016Hơn 100.000 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
- 04-09-2016Làm sao để đạt mục tiêu 50% lao động tham gia Bảo hiểm xã hội?
- 27-08-2016Từ 1/9, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Tăng mức thu BHXH vấp phải sự phản đối không hề nhẹ của người dân cho dù đây là một hình thức tích lũy từ lúc còn sung sức lao động dành cho khi về già và khi không còn sức lao động nữa. Tích lũy cho mình mà lại không ai muốn tuân thủ, có phải là chuyện khó tin?
Liệu đóng nhiều, người lao động có được hưởng nhiều?
Từ 1/1/2016, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo qui định của pháp luật lao động. Từ năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác theo qui định của pháp luật lao động.
Việc điều chỉnh mức nền đóng ngay lập tức đã gặp nhiều phản ứng trái chiều từ doanh nghiệp cũng như người lao động. Rõ ràng doanh nghiệp không thích bất cứ khoản thuế hay phí nào đánh lên họ, nhưng liệu người lao động có được hưởng lợi từ việc tăng BHXH hay không?
Chưa rõ là người lao động có muốn đóng nhiều hơn để kỳ vọng mức lương hưu cao hơn hay không, nhưng có một nguy cơ hiện hữu là tăng mức đóng BHXH đồng nghĩa với tăng chi phí lao động và có thể cầu lao động sẽ giảm đi. Thất nghiệp tăng lên hay sự dịch chuyển lao động từ khu vực chính thức sang phi chính thức là hoàn toàn có thể xảy ra. Phần lớn các nghiên cứu ở các nước khác cho thấy việc tăng BHXH sẽ làm giảm lao động.
Tại một hội thảo khoa học mới đây của Viện nghiên cứu phát triển Mêkong, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động tiền lương chỉ ra rằng, việc điều chỉnh mức đóng BHXH gây tranh cãi vì người lao động sẽ đóng nhiều hơn. Về nguyên tắc, người lao động đóng nhiều thì sau này sẽ hưởng nhiều. Thế nhưng, đa phần người lao động không muốn đóng, thích tiêu ngay. Vì sao lại như vậy? Vì họ còn phải trang trải cuộc sống hàng ngày của gia đình và một lý do không kém quan trọng nữa là họ không tin vào hệ thống bảo hiểm hiện nay.
Nguy cơ "vỡ quỹ" rình rập khiến người lao động bất an
Thể chế kinh tế của Việt Nam chưa minh bạch nên kinh tế nhà nước, tư nhân có tính đầu cơ cao vì các doanh nghiệp không biết ngày mai như thế nào. Chứng khoán là ví dụ, ai cũng muốn đầu tư để kiếm một khoản. Họ muốn tích lũy để đảm bảo chính sự tích lũy của họ. Còn đóng bảo hiểm, khi mà quỹ liên tục bị “lung lay” đe dọa thâm hụt, “vỡ” quỹ khiến nhiều người bất an, không muốn tham gia.
Còn nhìn ở góc độ nhu cầu tồn tại, đa phần người lao động hiện nay, đặc biệt là công nhân, tiền lương hàng tháng không đủ trang trải cuộc sống thì ngoài nhu cầu kiếm tiền để tồn tại thì họ không còn nhu cầu nào khác, trong đó có vấn đề an sinh dài lâu.
Việc tăng mức đóng BHXH cũng vấp phải sự phản ứng của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp than rằng, việc tăng mức đóng BHXH cũng đồng thời tăng gánh nặng chi trả đối với doanh nghiệp, giảm cơ hội việc làm của nhiều người hơn. Ở khía cạnh khác, doanh nghiệp luôn tìm cách tối đa hóa lợi nhuận cho nên họ luôn tìm cách để “lách luật”, trốn thuế, tránh đóng các khoản phí… Từ trước đến giờ, trong nhiều DN đã tồn tại hai hệ thống thuế, giờ lại có 2 hệ thống bảng lương. Nếu thay đổi chính sách một cách không đồng bộ sẽ khiến DN không lo làm ăn gì được mà chỉ đi lo đối phó chứng từ.
Ông Nguyễn Duy Cường
Theo giải thích của ông Nguyễn Duy Cường – Phó Vụ trưởng, vụ BHXH (thuộc Bộ LĐ-TB-XH), bản chất của BHXH là bù đắp hoặc thay thế tiền lương nên nguyên tắc là bao gắn với tiền lương của người lao động, lương cao đóng nhiều, lương thấp đóng ít. Chúng ta vẫn nghĩ tăng đóng để giảm thâm hụt quỹ. Không phải như vậy. Vì đóng liên quan đến hưởng. Càng tăng càng mất cân đối. Ví dụ, càng tăng đóng lên thì Nhà nước càng phải bù vào.
Tỷ lệ đóng thấp hay cao phải xét theo mức hưởng, ví dụ Thái Lan 15 năm đóng thì hưởng 20%, sau đó mỗi năm đóng tăng thêm 1% nhưng ILO vẫn cảnh báo là mất cân đối quỹ.
Tuy nhiên, mục đích của chính sách bao giờ cũng tốt nhưng khi đi vào thực hiện lại nảy sinh nhiều vấn đề. Ví dụ, chế độ thai sản, trước là 4 tháng rồi tăng lên 6 tháng để đảm bảo cho đứa trẻ được bú sữa mẹ trong suốt 6 tháng đầu. Tuy nhiên, thực tế vì tiền lương đóng BHXH với tiền thực tế khác xa nhau, luật pháp lại cho phép đi làm trước nên nhiều chị đã chọn giải pháp đi làm trước để có thu nhập cao hơn. “Tăng thời gian thai sản cũng không đạt được mục tiêu gốc là nghỉ đủ 6 tháng cho con được bú sữa mẹ” – đại diện Vụ BHXH nói.
Niềm tin đối với hệ thống BHXH hiện nay chưa vững chắc, vẫn còn nguy cơ vỡ quỹ, mất khả năng chi trả… đã khiến nhiều người không mặn mà với BHXH. Chỉ khi nào người dân thấy không yên tâm nếu không tham gia BHXH thì khi đó mới mong bớt câu chuyện chối bỏ một loại hình phúc lợi xã hội dành cho chính mình khi “sa cơ lỡ vận”./.
VOV